Nhân tình bạo hành con mình dã man, vì sao cha mẹ ruột sống cùng im lặng?
Hiện, nghi phạm đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Nhưng còn người mẹ, không ai hiểu tại sao chị ta lại có thể im lặng trước những hành vi man rợ ấy.
Một buổi tối tháng 4 năm 2010, chị Raquel Nesol dắt theo 3 đứa con từ xe buýt bước xuống một trạm dừng ở thành phố Marietta, bang Georgia (Mỹ).
Bốn mẹ con chị vừa trở về từ một bữa tiệc sinh nhật. Nhà chị ở khu chung cư bên kia đường, nhưng phần vạch trắng dành cho người đi bộ cách đó những 500m. Mẹ con chị và nhiều người khác vừa xuống xe quyết định băng qua đường để đi gần hơn.
Ngay lúc đó, cậu con trai 4 tuổi A.J. Newman tuột khỏi tay chị. Bà mẹ vội chạy theo túm lấy tay cậu bé, nhưng mọi thứ diễn ra quá nhanh. Chiếc mô tô lao tới, A.J. Newman và chị gái cậu tử vong ngay sau đó.
Dư luận Mỹ tranh cãi một thời gian dài về vụ việc này khi Nelson - bà mẹ vừa mới mất con - bị cáo buộc tội ngộ sát cấp độ 2 và phải đối mặt với mức án 3 năm tù giam. Trong khi đó, tài xế lái mô tô - người trực tiếp gây ra cái chết của cậu bé Newman chỉ bị tuyên 6 tháng tù giam.
Hơn 1 năm sau, nhờ quá trình đấu tranh pháp lý mạnh mẽ cùng các luật sư, chị Nelson chỉ phải nộp phạt 200 USD vì tội sang đường sai quy định. Các tội danh khác của chị được xóa bỏ.
Vụ án Raquel Nelson được dư luận ghi nhớ là một ví dụ điển hình cho thấy nước Mỹ không "đùa" với việc bảo vệ sự an toàn cho trẻ em trước những dấu hiệu vô trách nhiệm của cha mẹ.
Thế còn ở Việt Nam chúng ta, mới đây, 2 vụ việc bạo hành trẻ em liên tiếp đã xảy ra, gây xôn xao dư luận. Vụ bạo hành cháu bé 8 tuổi ở TPHCM dẫn đến cái chết thương tâm của bé được thực hiện bởi người tình của ông bố. Mới đây nhất là vụ bạo hành ở Thạch Thất, Hà Nội khiến tính mạng của bé gái 3 tuổi đang "ngàn cân treo sợi tóc". Nghi phạm là tình nhân của người mẹ, sống chung nhà với bé.
Mặc dù những ông bố, bà mẹ trong cả 2 sự việc đều không phải là người trực tiếp "ra tay" với con mình. Nhưng tất cả chúng ta đều đặt câu hỏi: Họ đã ở đâu khi đứa con sống chung nhà với mình bị bạo hành dã man như thế mà không hề có phản ứng bảo vệ đứa trẻ?
Cả hai đứa trẻ đều từng bị bạo hành nhiều lần, với những vết thương có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Trong trường hợp bé gái ở Thạch Thất, trong vòng 6 tháng, người mẹ phải đưa con đi cấp cứu tới 5 lần, lần nào cũng đều là những tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng của đứa trẻ.
Hiện, nghi phạm đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Nhưng còn người mẹ, không ai hiểu tại sao chị ta lại có thể im lặng trước những hành vi man rợ ấy.
Theo phản ứng thông thường, ngay cả khi nhìn thấy một người lạ bị đánh đập, chúng ta cũng sẽ can ngăn. Huống hồ đây là một đứa trẻ, là con chị rứt ruột đẻ ra, là những hành vi man rợ như thời Trung cổ.
Nếu nói, người mẹ ấy không biết những việc đã xảy ra với con mình thì e rằng thật khó chấp nhận được. Không thể tự dưng mà một đứa trẻ liên tiếp gặp tai nạn nặng, từ uống phải thuốc trừ sâu trong căn phòng trọ chẳng có ai làm nghề nông cho đến nuốt phải 2 chiếc đinh vít.
Còn nếu chị biết, tại sao chị lại im lặng, thậm chí là giấu giếm người thân?
Chỉ có 2 lý do, một là chị quá lụy tình dẫn đến u mê, lạc lối, không còn biết đâu là lẽ phải. Hai là chị không ý thức được những hành động ấy của người tình là độc ác và nó có thể cướp đi tính mạng của con mình bất cứ lúc nào. Đó là lỗi thiếu hiểu biết của một người đã lên chức cha mẹ.
Ở nhiều quốc gia tiên tiến, chỉ cần phát hiện một vết trầy xước hay bầm tím trên cơ thể trẻ, ngay lập tức bố mẹ đứa trẻ sẽ bị nghi ngờ đầu tiên. Nhiều phụ huynh gốc Việt từng chia sẻ những trải nghiệm bị nhà trường gọi lên nói chuyện khi phát hiện ra con họ có dấu vết lạ trên cơ thể. Và một khi ông bố bà mẹ được xác định là đã có những hành vi bạo lực với con cái, họ sẽ ngay lập tức bị tước quyền nuôi con.
Ở Việt Nam, khi sự giám sát của xã hội còn thấp đối với trách nhiệm làm cha mẹ, hệ thống pháp luật còn nương tay với những hành vi xâm phạm sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ em, thì những câu chuyện bạo hành như với cô bé ở TPHCM và bây giờ là bé gái ở Thạch Thất vẫn còn cơ hội tồn tại.
Nên chăng cần có một "bài kiểm tra" cho những người lớn trước khi họ được phép sinh con và nuôi dạy một đứa trẻ? Nó là tấm bằng tốt nghiệp lớp làm cha mẹ giống như chúng ta tốt nghiệp phổ thông, đại học. Bởi vì làm cha mẹ mà thiếu hiểu biết thì hậu quả thật khôn lường.