Nhà ngoại “kích động” bỏ chồng

"... Lúc Khuê chuẩn bị về lại nhà chồng thì mẹ đẻ khóc lóc, đòi giữ cháu ngoại vì sợ: “Có án mạng với thằng vũ phu đó thì làm thế nào?”. Khuê hoang mang, dùng dằng, nửa muốn về đoàn tụ với chồng, nửa muốn bỏ chồng cho nhẹ nợ...".

 
Nhà ngoại “kích động” bỏ chồng  - 1


Hường 29 tuổi (nhân viên văn phòng, Hà Nội) là con một trong gia đình nên được bố mẹ hết mực yêu thương. Hồi xưa, dẫn người yêu về ra mắt, bố mẹ Hường đã kịch liệt phản đối vì Huy- chồng cô vừa gầy, vừa đen, lại là trai tỉnh lẻ. Đã thế, bố mẹ Huy còn bỏ nhau, anh trai thì đang cai nghiện. Hường bị mẹ đánh cho một trận, nhốt trong phòng vì đòi lấy Huy. Cuối cùng, anh chị lỡ có bầu nên hai cụ đành cho cưới. Sau đó, Huy làm ăn thua lỗ, kinh tế sa sút nên vợ chồng trẻ hay lục đục. Có lần, Huy mang cả nhẫn và kiềng vàng, hồi môn của vợ bán để lấy vốn kinh doanh điện lạnh. Công việc không suôn sẻ, anh đi tối ngày không màng đến vợ con. Có tháng, anh cũng không đưa đồng nào cho vợ mua sữa. Chịu không nổi, Hường bỏ về ngoại.

 

Sẵn có mối ác cảm nên lúc Huy sang đón, cả nhà vợ ngăn cấm quyết liệt. Mẹ cô còn hất cả chậu nước, suýt trúng mặt con rể. Bố, mẹ rồi cô, dì mỗi người một ý, đe nạt có, ngọt ngào cũng có - khuyên Hường ly hôn. Về nhà, ông bà ngoại sẽ yêu thương hai mẹ con, không có gì phải lo hết. Tuy nhiên, Hường đang rối bời, vì con trai còn quá nhỏ, hơn nữa, cô cũng còn tình cảm với chồng.

 

Khuê (31 tuổi, y tá) cũng đang rối tung vì nhà ngoại “động viên” ly hôn. Bình thường, chồng Khuê cũng tình cảm nhưng bị cái tội ham chơi, say mê nhậu nhẹt. Tính Khuê nóng nảy, biết chồng say xỉn nhưng cô vẫn phải cằn nhằn vài câu. Sôi máu lên, anh chửi vợ rồi đuổi vợ. Đem chuyện tâm sự với bố mẹ chồng nhưng Khuê bị các cụ trách ngược: “Nó đang say mà còn nói nó”.

 

Khuê chờ đến khi chồng tỉnh rượu, phân tích điều nọ, điều kia thì bị chồng cho một cái tát. U uất vì chồng, lại không được bố mẹ chồng thông cảm, Khuê ôm con về bên ngoại. Lúc đầu, mẹ đẻ cô còn khuyên giải: “Vợ chồng tránh sao khỏi xô xát. Thôi, con chịu nhịn đi một tý”.

 

Nhưng có lần, Khuê bị chồng xô ngã vào cạnh tủ, phải khâu 5 mũi trên trán thì chính cụ lại xót xa, kiên quyết khuyên con gái ly hôn. Chồng Khuê không đồng ý chia tay, anh hứa sẽ sửa đổi khiến cô mềm lòng. Lúc Khuê chuẩn bị về lại nhà chồng thì mẹ đẻ khóc lóc, đòi giữ cháu ngoại vì sợ: “Có án mạng với thằng vũ phu đó thì làm thế nào?”. Khuê hoang mang, dùng dằng, nửa muốn về đoàn tụ với chồng, nửa muốn bỏ chồng cho nhẹ nợ.

 

Cần thận trọng và bình tĩnh

 

Khi vợ chồng lục đục (nhất là nguyên nhân từ phía người chồng), người vợ có thể được tư vấn chuyện có nên bỏ chồng hay không. Một số bố mẹ đẻ khuyên con gái nên vì con nhỏ mà nhẫn nhịn và tìm cách hàn gắn. Nhưng nếu tình hình căng thẳng, không ít bố mẹ đẻ khuyên con ly hôn, quay về nhà, để tránh khổ sở. Khi có thêm “đồng minh”, người vợ sẽ có cái nhìn thoáng hơn về chuyện bỏ chồng. Nếu bị thúc giục bỏ chồng nhiều, người vợ dễ xao động tâm lý, càng cương quyết đòi chia tay nhanh hơn.

 

Để tránh hối hận, người vợ nên thực sự sáng suốt và bình tĩnh. Chỉ có vợ chồng trong cuộc mới thấu hiểu mâu thuẫn đến đâu, tính cách, tình cảm của nhau và việc có hàn gắn được hay không. Bố mẹ đẻ, dù thế nào cũng là người ngoài, có thể đưa ra cái nhìn khách quan nhưng không thể xuyên suốt sự việc. Người vợ hãy coi ý kiến của người xung quanh như nguồn tin tham khảo; sau đó, phải tự mình đưa ra quyết định cuối cùng.

 

Người vợ có thể liệt kê ra những điểm mạnh, điểm yếu của chồng, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình. So sánh, đối chiếu, tìm ra nguồn gốc của mâu thuẫn. Đánh giá và tìm kiếm giải pháp hàn gắn. Nếu sau một khoảng thời gian, những nỗ lực hàn gắn không có kết quả, người vợ bị bạo lực liên miên về tinh thần và thể chất…. thì ly hôn sẽ không hối tiếc.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé