Nhà là nơi “đi xa muốn về, khổ đau càng muốn về”

(Dân trí) - Trang cá nhân của cô bạn tôi vừa cập nhật bức ảnh đại diện là một bờ mi ướt và dòng trạng thái “Có những thời điểm mệt mỏi và bất lực đến mức chỉ muốn đi đâu đó thật xa. Không rõ điểm đến cũng không rõ ngày về”. Tôi đã nghĩ giá như bạn còn đủ mẹ đủ cha hẳn là những lúc cảm thấy tuyệt vọng như thế còn chỗ mà về để tâm hồn mình nương náu.

Nhà là nơi “đi xa muốn về, khổ đau càng muốn về” - 1

Điều đáng sợ nhất của mỗi người có lẽ đó là những khi tuyệt vọng nhất, yếu mềm nhất không biết tìm đâu một người đủ tin yêu để mà sẻ chia nương tựa, là khi mệt mỏi nhất, khổ đau nhất không có nơi nào để trở về mà trú ngụ cho lòng mình nguôi cơn bão giông. Còn mẹ còn cha thì coi như có cả thế gian. Không mẹ không cha thì dù có đủ đầy bao nhiêu vẫn thiếu.

Chúng ta vẫn thường ví cuộc đời này như một sân khấu lớn và mỗi chúng ta đều là diễn viên diễn chung một vở kịch, có cả bi và hài, cả vai chính diện lẫn vai phản diện. Và ở mỗi thời điểm chúng ta lại khoác lên mình những tấm mặt nạ hóa trang khác nhau để diễn cho tròn vai.

Những người xung quanh luôn như những khán giả khó tính, để ý ta từng cử động, soi xét ta từng hành vi, để rồi chỉ cần một lỗi nhỏ thôi ta sẽ bị chỉ trích không hề thương tiếc. Chỉ đến khi về nhà ta mới có thể lột tấm mặt nạ, tẩy đi lớp hóa trang. Bên những người thương yêu, nếu vui có thể sảng khoái cười mà không sợ bị chê vô duyên, nếu buồn có thể khóc thật to mà không sợ người khác thương hại cho rằng mình nhu nhược và yếu đuối.

Cuộc đời con người là một chuỗi những ước mơ nối dài. Bé có ước mơ của bé, lớn có ước mơ của lớn. Nhưng tôi cá là hầu hết tất cả những đứa trẻ đều ít nhất một lần trong đời ước được thoát khỏi vòng tay mẹ cha, ước sẽ có một ngày mình làm gì cũng không bị căn ngan, đi đâu cũng không bị hỏi tra cật vấn. Nghĩa là làm những gì mình thích và sống theo cách mình muốn.

Nhưng rồi đến một thời điểm nào đó ta sẽ thấy rằng tiền bạc không phải là thứ tối quan trọng, ta cũng không còn hối tiếc vì mình đã không thể trở thành người này người nọ hay đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để tiến thân. Điều duy nhất làm ta tiếc ấy là đã không sử dụng thời gian của mình để ở bên cạnh mẹ cha, chồng vợ hay con cái của mình nhiều hơn.

Gia đình, đương nhiên không phải là nơi bình yên tuyệt đối. Ở đó cũng có những mâu thuẫn bất đồng, cũng có những trách hờn giận dỗi. Nhưng giận là bởi thương yêu quá nhiều, trách móc là bởi quan tâm và lo lắng. Theo như cách nói của chồng tôi thì đó là nơi luôn có những lời cật vấn, những câu cằn nhằn nhiều lúc khó chịu đến phát cáu lên thế nhưng chỉ đi xa vài ngày là nhớ. Đó là nơi mà khi mọi thứ dường như trở nên tồi tệ thì ta biết chỉ cần trở về là sẽ có những người sẵn sàng dang rộng vòng tay ôm mà không hề do dự. Đó là nơi có những người có thể cho mà không mong nhận lại, yêu thương không hề mưu cầu, không hề đổi chác bất cứ thứ gì.

Tôi trong một vài thời điểm nào đó của cuộc đời cũng từng trải qua cảm giác đớn đau và tuyệt vọng kinh khủng. Và trong suy nghĩ của tôi lúc ấy thì mình đúng là một kẻ bất hạnh. Lúc đó có một người chị hỏi tôi: giờ em muốn đi đâu chị sẽ đưa em đi cho khuây khỏa?

- Chắc là em sẽ về nhà.

- Ở đó có ai không?

- Có bố mẹ , anh trai và em trai nữa.

Chị ấy mỉm cười nhìn tôi:

- Em còn có một nơi để về - đó là nhà, có những người để yêu thương - đó là gia đình. Em có cả hai - đó chính là hạnh phúc. Còn mọi bất trắc sóng gió ở đời ai rồi chẳng phải vấp váp kinh qua. Người ta có nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một chốn để quay về.

Thỉnh thoảng, như một thói quen, cứ dăm bữa nửa tháng không thấy tôi gọi điện về là mẹ lại gọi ra hỏi "con có khỏe không? Có ổn không?". Nếu tôi nói con hơi mệt, con có chuyện không vui, thể nào mẹ cũng sẽ bảo “về nhà đi con!”. Và lúc đó tôi mường tượng ra cảnh khi mình bước chân xuống khỏi taxi, thứ nhìn thấy đầu tiên là bụi tre đầu ngõ, trong sân là cây lộc vừng mùa này chắc chắn đang trổ hoa, là bộ bàn ghế cũ kĩ đặt ở mái hiên với ấm chè xanh được ủ kĩ. Và chỉ cần nghe tiếng xe đỗ trước cổng, bố tôi sẽ vội ra xách giùm hành lý, mẹ sẽ tất bật hỏi han "có mệt không? Có say xe không? Thích ăn gì để mẹ chạy ù ra chợ?". Chú cún con thấy tôi về, lưỡng lự không biết nên sủa hay nên vẫy đuôi.

Chỉ cần có một nơi để về, có những người thân để yêu thương thì ta vẫn là người hạnh phúc.

Lê Giang