Nhà có “bão” khi sinh con

"Nhiều đêm con quấy, dỗ mãi không nín, mình thì mệt lả, gọi chồng chẳng dậy giúp, vừa tủi thân vừa giận chồng, ngồi khóc tu tu", chị Trang kể lại lúc mới sinh con đầu lòng.

Nhiều người nghĩ, đứa trẻ ra đời là sợi dây kết nối tình cảm vợ chồng, khiến họ càng gắn bó và hạnh phúc. Nhưng thực tế, nhiều gia đình lại trở nên căng thẳng, tình cảm rạn nứt sau khi có con.

 

Vợ chồng Liễu - Vũ là một trong những trường hợp như thế. Hồi mới cưới, hai người cùng làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh, Vĩnh Phúc và thuê nhà sống ở gần đó. Gần đến ngày sinh, phần vì kinh tế eo hẹp, phần vì bà nội tuổi đã cao, bà ngoại bận chăm chị dâu đang bầu bí nên họ quyết định để Liễu về quê nội. Sinh rồi, Liễu ở nhà với bố mẹ chồng còn Vũ tiếp tục đi làm, cuối tuần mới về với vợ con.

 

Mới đẻ được nửa tháng, Liễu gần như phải tự làm tất cả, từ đi chợ, nấu cơm đến giặt giũ, chăm sóc con. Mỗi ngày, cô thấy mình kiệt sức, lại thui thủi vì không có chồng ở bên chăm sóc, động viên, cũng chẳng có bạn bè để tâm sự nên càng u uất. Liễu chỉ mong đến ngày con cứng cáp hơn để sang ở gần chồng và đi làm trở lại. Nhưng Vũ nhất nhất bắt vợ nghỉ ở nhà. Hai người thường xuyên to tiếng về việc này.

 

Còn chị Trang, phóng viên một tạp chí ở Hà Nội, có con gái gần một tuổi, vẫn rùng mình khi nhớ lại 2 tháng đầu mới sinh. Chị kể, hồi đó chị sinh mổ, vết khâu nhiễm trùng lâu lành, nên rất mệt. Đã vậy, con bé lại hay quấy khóc, hầu như cả tháng đầu không đêm nào chị ngủ trọn vẹn một tiếng, lúc dậy cho con bú, khi thay tã, đút sữa...

 

"Lúc đó, hai vợ chồng lúc nào cũng căng như dây đàn, có khi chỉ vì anh đi làm mệt nên đêm chưa kịp dậy giúp vợ hay lúc bé ốm, nhà kẹt tiền rồi khi bà mẹ chồng chỉ trích mình về cách cho ăn, uống thuốc hay tắm táp cho bé... là hai đứa lại quay sang gây gổ, nhìn nhau bằng ánh mắt hình viên đạn", chị nói.

 

 Bà Nguyễn Thị Thương, giám đốc Trung tâm tư vấn Gia Đình và Ly Hôn cho biết, chuyện vợ chồng xa cách, thậm chí rạn vỡ tình cảm sau khi có con, nhất là con đầu lòng khá phổ biến.

 

Trước hết, khi đó, người phụ nữ thường coi đứa trẻ là số một, dồn toàn bộ sức lực, thời gian, tình cảm cho nó khiến nhiều anh chồng có cảm giác bị ra rìa. Hơn nữa, sau thời gian vất vả mang thai và chịu đựng nhiều đau đớn khi "vượt cạn", người vợ có tâm lý muốn được nghỉ ngơi, mong chồng quan tâm, chia sẻ. Thế nhưng, đàn ông đôi khi vô tâm, lại vụng về, ngại chăm con, khiến vợ có cảm giác họ vô trách nhiệm, rồi trách móc, giận dỗi khiến hai người càng thêm căng thẳng.

 

Khi đứa trẻ chào đời, nhiều khoản chi tiêu phát sinh khiến họ thấy áp lực và dễ cãi vã hơn. Không những thế, những mâu thuẫn về cách chăm sóc trẻ giữa hai thế hệ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ vợ chồng.

 

Một số phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh, nếu không được chồng cảm thông và giúp đỡ sẽ rất khó vượt qua.

 

Theo bà Thương, tốt nhất, các cặp vợ chồng trẻ cần chuẩn bị chu đáo trước khi sinh con, về cả tâm lý, tài chính lẫn cách ứng phó các vấn đề có thể phát sinh. Ngoài ra, người chồng nên có ý thức gánh trách nhiệm vun đắp gia đình và học dần cách chăm con, chứ không chỉ dồn cho vợ.

 

Trong thời gian này, phụ nữ rất cần sự động viên, chia sẻ của bạn đời. Tuy nhiên, chị em cũng nên cởi mở hơn, hướng dẫn cụ thể cho ông xã những việc cần làm giúp. Dù có con, hai người cũng cần tranh thủ thời gian trò chuyện, quan tâm đến nhau và chia sẻ niềm hạnh phúc được làm cha mẹ.

 

Mặt khác, tình trạng căng thẳng cũng thường chỉ xảy ra ở những tháng đầu sau khi con ra đời, khi bé cứng cáp, các cặp vợ chồng đã có kinh nghiệm hơn, và đủ khả năng để đối phó với những "sóng gió" trong nhà.

 

Chị Trang cũng vậy, giờ đây anh chị không còn rối lên mỗi lần con nôn chớ, sốt, hay tiêu chảy... Chị đi làm lại, vui với công việc, gặp gỡ bạn bè nên cũng khuây khỏa hơn nhiều. Mỗi lần nhìn con cười, đùa nghịch, hai người đều thấy hạnh phúc.

 

Theo Minh Thùy

VNExpress