“Nhà cháu phải đẻ hết trứng mới thôi”
Có thời gian tiếp xúc với những người làm công tác dân số mới hiểu, không phải bất cứ ai cũng có đủ thời gian, đủ khả năng thuyết phục và tính kiên trì để theo đuổi công việc này.
Từng có 10 năm gắn bó với công việc của một cộng tác viên dân số, cô Phương Thị Diệp, Phường Xuân La, Quận Tây Hồ - Hà Nội vô cùng hào hứng khi nhắc đến những thành tích, những cuộc vận động thành công mà cô đã đạt được trong quãng thời gian làm việc của mình. Tuy nhiên, cô Diệp cũng cho biết, công việc này đòi hỏi một sự kiên trì, nhẫn nại, và bền bỉ đến vô cùng.
Cô bảo, nếu đến nhà vận động, tư vấn mà chủ nhà là những gia đình có học thức, cư xử lịch sự thì mọi thứ sẽ rất nhẹ nhàng. Tuy nhiên, nếu gặp phải những gia đình có trình độ nhận thức kém, và các ông chồng “chí phèo”, thì sự khó khăn càng tăng lên gấp bội. Thậm chí các cộng tác viên còn bị xua đuổi, bị “chửi thẳng vào mặt”...và còn bị coi thường.
“Ví như, có bà mẹ chồng, mỗi lần thấy cộng tác viên dân số đến nói chuyện, vận động con dâu của mình về vấn đề sinh đẻ có kế hoạch là bà ta lại lườm, nguýt, nói kích nói bác, bảo người tư vấn là những kẻ dỗi hơi, nhòm ngó cả việc con trai con gái họ ăn ngủ với nhau” - cô Diệp kể.
Hay thậm chí có nhà, mỗi lần mở cửa nhìn thấy cộng tác viên dân số là không nói không rằng, đóng sầm cửa lại. Những ông chồng “chí phèo”, những kẻ say rượu cũng khiến cho các các cộng tác viên dân số phải phát hoảng.
Cô nhớ, “có lần, tôi mang bao cao su đến cho một hộ gia đình đang trong độ tuổi sinh nở. Nhưng bước vào nhà thì tôi mới phát hiện ra rằng, ông chồng đang say rượu. Vì thế, tôi tế nhị chỉ định nói chuyện chào hỏi xã giao rồi về. Nhưng vì trong cụm dân cư, ai cũng biết tôi làm công tác dân số. Và anh chồng này cũng vậy. Vừa thấy tôi đến, anh ta đang nằm trên ghế bỗng ngồi nhỏm dậy, tiến đến chỗ tôi, chỉ tay vào tôi và bảo tôi không được “tuyên truyền vớ vẩn”. Đặc biệt không được đưa bao cao su cho vợ anh ta, không thì anh ta giết. Vì như thế là “các bà làm mất sung sướng của tôi”.
“Thấy thế, tôi phải chạy ra cửa, lục tìm trong túi xách lấy tờ báo có in mầu rồi gói số bao cao su thành một gói quà rồi mới dám đưa cho cô vợ và bảo, “có tí phần thưởng của phường gửi tặng. Sau đó, tôi phải rút ngay”
“Đặt vòng làm gì, đặt vòng có tiền không?”
Trong công tác vận động kế hoạch hóa gia đình, việc vận động chị em phụ nữ đã sinh 2 con đi làm thủ tục tránh thai cũng là công việc được những người làm dân số hết sức quan tâm. Tuy nhiên, xung quanh việc vận động này, các cộng tác viên cũng thường gặp phải những câu chuyện cười ra nước mắt.
Cô Kiều Thị Lương, Phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ kể: Có lần, để vận động được một cô vợ đi đặt vòng tránh thai, cô đã phải bỏ công sức ra rất nhiều, đi đến năm lần bảy lượt thì cô vợ đó mới đồng ý giấu chồng đi đặt vòng tránh thai.
“Sau đó, tôi còn phải cùng người vợ lên trung tâm y tế để đặt vòng rồi chờ cho mọi việc diễn ra tốt đẹp, mới yên tâm về nhà.
Ai ngờ, sáng sớm hôm sau, đi qua nhà của gia đình đó, tôi chợt giật mình khi nghe thấy tiếng nồi niêu, bát đĩa vỡ loảng choảng. Rồi tiếng cãi chửi nhau ầm ĩ.
Tôi chờ cho hết cãi nhau rồi mới hỏi chuyện cô vợ thì được biết, cuộc cãi cọ đó có liên quan đến việc cô vợ đi đặt vòng. Vì theo thường lệ, sau khi đi đặt vòng, 2 vợ chồng sẽ phải kiêng chuyện chăn gối trong ít ngày. Tuy nhiên, vì làm việc giấu chồng nên tối đó, anh chồng đòi hỏi thì bị vợ từ chối.
Thấy vậy, anh chồng nghi ngờ vợ ngoại tình nên ra sức chửi bới, đánh đấm vợ. Cô vợ vội khai sự thật, những tưởng anh chồng sẽ hiểu và thông cảm, nhưng không ngờ, anh chồng càng nổi giận, đập hết xong nồi, bát đĩa trong nhà” - cô Lương kể.
“Chưa hết, anh này còn tìm gặp người đưa vợ anh ta đi đặt vòng để “hỏi tội” rồi tuyên bố: “nhà cháu cứ phải đẻ hết trứng thì thôi. Đặt vòng làm gì? Đặt vòng thì có được cho tiền không?” - cô Lương nói thêm.
Theo Huy Phạm
Vietnamnet