Người vợ “hoàn hảo”
Tôi chưa bao giờ tin vào khái niệm hoàn hảo. Tôi là một anh chàng độc thân bình thường: Sáng đi làm, tối về đi nhậu với bạn, thi thoảng say xỉn, quần áo nếu mẹ không nhắc thì cả tuần chẳng buồn thay...
Tôi đang làm việc cho một công ty nước ngoài, thu nhập cũng khá nhưng chẳng tiết kiệm được đồng nào vì không có “người quản lý”.
Mẹ tôi phát sốt lên và giục tôi cưới vợ năm tôi 30 tuổi. Nhìn trước nhìn sau, tôi chẳng thấy có ai “vừa mắt” như Hoài, trợ lý Tổng Giám đốc của tôi.
Cô ấy xinh đẹp và thông minh, rõ ràng là “bề nổi” thì chẳng có nhược điểm gì. Tôi “liều” cưa Hoài và không ngờ nàng đổ thật. Chúng tôi tổ chức một đám cưới khá hoành tráng chỉ sau chưa đầy một năm yêu nhau.
Sau ngày cưới, chúng tôi mua một căn hộ nhỏ ở gần công ty để đi lại cho tiện. Cuộc sống sau hôn nhân khiến tôi đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Tôi vốn không tin có người nào là hoàn hảo nhưng sau khi kết hôn với Hoài, tôi cho rằng vợ tôi thuộc tuýp người đó, còn tôi-rất tiếc là cách quá “xa” cái chuẩn của nàng.
Trước tiên nói về chuyện ăn mặc. Vợ tôi mặc toàn hàng hiệu và nàng có nguyên cả một tủ quần áo lớn trong phòng còn tôi thì đếm ra có đúng 4 cái áo sơ mi cả cũ lẫn mới.
Vợ tôi phản đối điều này, nàng tuyên bố: “Anh phải vào Parkson với em, em sẽ mua cho anh một loạt quần áo mới chứ ai lại mặc mấy cái áo sơ mi xấu thế kia”. Tôi cự nự đàn ông không cần trau chuốt quá thì vợ tôi dỗi và không nói chuyện với tôi cả tối. Thế là sau đó hai ngày, vợ chồng tôi có mặt trong Parkson, vợ tôi ra về hỉ hả ra mặt vì mua được cho chồng toàn áo xịn và đẹp, còn tôi chỉ thấy xót tiền.
Vợ chồng tôi cùng bận bịu, vì thế chúng tôi đi làm về khá muộn. Để tiện cho công việc, chúng tôi thuê một bà giúp việc đến nấu ăn và dọn dẹp hàng ngày. Mỗi sáng, vợ tôi ghi thực đơn cô ấy muốn ăn lên giấy và dán vào tủ lạnh. Bà giúp việc tới cứ thế mà làm và thực đơn của vợ chồng tôi, dù chỉ có hai người nhưng phải đủ bốn món: Canh, mặn, rán, xào, như cô ấy nói thế mới đủ dinh dưỡng.
Bà giúp việc hẳn cũng luôn cảm thấy căng thẳng với các “chỉ đạo” nhà lau mấy lượt, bát úp thế nào, thảm chùi chân để ở vị trí nào, đồ ăn cất vào tủ lạnh ra sao, nhà cửa luôn sắp xếp, dọn dẹp như thế nào, quần áo, chăn màn phải được giặt hàng tuần thế này, giường tủ bàn ghế phải được lau thế nọ...
Tất tần tật vợ tôi đều nói rõ, chi tiết, nghiêm túc với bà ấy mà khi nghe vợ tôi nói, tôi tưởng như cô ấy đang truyền đạt thông tin từ Tổng Giám đốc tới nhân viên chứ không phải chỉ đơn thuần là nói chuyện với... người giúp việc.
Từ ngày lấy vợ, tôi xa dần đám bạn “nhậu” của mình. Không hiểu cô ấy đọc ở đâu mà còn khẳng định chắc như đinh đóng cột với tôi là: Uống nhiều bia hơi sẽ bị gút. Tôi buồn bã đề nghị với đám bạn chuyển “ca” uống bia chiều sang trưa nhưng vẫn bị vợ phát hiện vì một hôm tôi về nhà với một đống vỏ lạc luộc trên giỏ xe.
Sau chuyện đó, vợ tôi tỏ ra buồn bã và nói với tôi: “Em cần nói chuyện nghiêm túc với anh” (mà thực ra tôi không hiểu chuyện đi uống bia có gì cần tới “buổi nói chuyện nghiêm túc”).
Trong “buổi nói chuyện nghiêm túc” đó, vợ tôi nói đi nói lại về việc tôi cần giữ gìn bảo vệ sức khỏe của mình và nếu muốn, tôi có thể rủ bạn đến nhà uống bia một tuần một lần vào chiều chủ nhật (lại còn nói rõ thời gian đến thế!).
Làm việc cùng cơ quan nhưng vợ chồng không đi ăn trưa cùng nhau bởi vợ tôi ăn cơm hộp tại phòng trong vòng nửa tiếng (còn tôi đi ăn với bạn lâu hơn). Cô ấy thậm chí không có thời gian để chat “buôn dưa lê” với chồng trong giờ làm việc với lý do: “Em rất bận”.
Trong mỗi cuộc họp toàn công ty, vợ tôi ngồi gần Tổng Giám đốc, tay ôm một chồng hồ sơ, tài liệu và tôi cảm giác cô ấy không có thời gian để cười với tôi dù chỉ là “nhếch mép”.
Vợ chồng tôi chuyển sang đi đánh tennis cùng nhau vào các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy vì cần tăng cường tập thể thao để giữ vóc dáng và sức khỏe. Tất nhiên, để có thể “ra sân” hoành tráng, vợ tôi đã kéo tôi đi chọn vợt, bóng, quần áo tập mất cả ngày trời.
Mỗi lần vợ chồng tôi chuẩn bị đi đâu, tôi phải chờ cô ấy trang điểm, chọn đồ hàng tiếng đồng hồ, cho cả tôi. Hoài nói: “Anh đi một mình thì em không nói còn khi chúng mình đi với nhau, anh phải mặc theo ý em.” Có lần, hai vợ chồng tôi thay quần áo đến hai, ba lần mà khi ra khỏi cửa, vợ tôi vẫn nói: “Hôm nay em không hài lòng...”
Mỗi tuần, vợ chồng tôi dành hai ngày nghỉ về thăm bố mẹ hai bên “thứ bảy về nhà em, chủ nhật về nhà anh.” Cho nên, mưa nắng hay đổi giời, tôi có mệt hay không thì cứ 9 giờ sáng, chúng tôi có mặt ở nhà ông bà nội ngoại, mang theo những món đồ ăn mà vợ tôi đã mua sẵn để nấu nướng.
Có lần mẹ tôi “lỡ” đi chợ trước khi con dâu về, vợ tôi buồn ra mặt, cô ấy nói: “Sao mẹ đi chợ làm gì, chủ nhật con về, để con đi chợ nấu ăn chứ.” (Theo cô ấy, con dâu phải thế mới là hoàn hảo!)
Khái niệm “hoàn hảo” của vợ tôi còn “liên đới” tới cả chuyện con cái và đó là lý do khiến tới giờ cô ấy vẫn chưa có ý định mang bầu. Vợ tôi nói: “Em đi xem rồi, thầy bảo phải tháng 6 năm 2012 em sinh con thì mới thuận. Vì thế, chúng mình “kiêng cữ” vài năm nữa, tháng 10 năm 2011 em sẽ mang bầu.”
Tôi ngơ ngác hỏi: “Anh nghĩ chuyện con cái là trời cho chứ tính toán sao mà kỹ thế được. Nhỡ tháng 10/2011 em không có thai thì chúng mình lại đợi à?”. Tôi chưa nói hết câu thì vợ tôi đã “mắng”: “Phủi phui cái mồm anh, em tính rồi, cái gì cũng phải lên kế hoạch, tính toán thì mới hoàn hảo được.”
Hôm nay rõ ràng là một ngày không hoàn hảo của vợ tôi, cô ấy mặc váy trắng mới tinh tới công sở nhưng trời mưa và vì thế, tới công ty, váy cô ấy bị bùn bắn bẩn hết. Hoài từ chối dự tiệc trưa cùng công ty, để mặc tôi đi một mình.
Kể từ khi cưới, hôm nay là ngày đầu tiên tôi đi dự tiệc một mình. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thoải mái đến thế vì không có vợ kề bên nhắc tôi ăn uống nên ngồi thế nào, bia rượu chỉ nhấm nháp ra sao. Bất ngờ, Thanh, ông bạn cùng phòng vỗ vai bảo tôi: “Chiều mai làm chầu bia hơi không? Tao khao xe mới”. Tôi từ chối ngay: “Ông không biết uống bia nhiều chỉ tổ to bụng rồi bị gút à?”...