Người thầy đầu tiên
(Dân trí) - Ngày xưa tôi cứ nghĩ, những người cha dịu dàng, hiền hậu với con mới là thương con. Sau này tôi mới ngộ ra, nghiêm khắc cũng là một cách quan tâm, yêu thương và lo lắng.
Năm thứ nhất Đại học, vào ngày nhà giáo, cô giáo hỏi cả lớp chúng tôi: “Các bạn có biết người thầy đầu tiên của các bạn là ai không?” Có đứa không nhớ nổi tên cô giáo thời mẫu giáo, nhưng rất nhiều đứa hăng hái trả lời: Cô Hồng, cô Nga, cô Thúy…Cô giáo mỉm cười nói: “Các bạn sai rồi, người thầy đầu tiên của các bạn chính là cha của các bạn”. Câu trả lời của cô khiến chúng tôi bất ngờ và sau khoảnh khắc ấy, cả lớp đều im lặng.
Ngày nhỏ, tôi rất sợ cha bởi cha tôi cực kì nghiêm khắc. Mẹ yêu chiều tôi bao nhiêu thì cha tôi cứng rắn bấy nhiêu. Tôi sợ ông đến nỗi chỉ cần ông nhìn tôi bảo “Im” là tôi dù đang khóc cũng vội vàng nín bặt. Nếu mẹ dạy tôi cái gì mà tôi tiếp thu kém thì mẹ sẽ chán mà buông, nhưng cha thì sẽ kiên trì, tỉ mỉ bày dạy đến khi nào tôi làm được việc. Ngay cả việc tôi chơi với bạn thế nào cha cũng để ý. Mười sáu tuổi tôi đã biết đỏ mặt khi bị bạn trai trêu ghẹo, đã có bạn trong lớp giấm giúi gửi thư tình. Cha biết được và ông vứt hết sách vở tôi ra ngoài sân, ông chỉ hỏi tôi một câu: “Mày muốn học hay muốn nghỉ học lấy chồng?” mà khiến tôi từ đó cảm thấy sợ hãi khi bị con trai theo đuổi. Những mối quan hệ của con, ông nắm hết trong lòng bàn tay. Ở tuổi mới lớn, tôi không được đi đâu quá 9 giờ tối, kể cả là lễ tết, kể cả sinh nhật bạn. Có cậu bạn nào tới nhà chơi, đợi cậu ấy về là ông tra hỏi “cậu ta là ai, ở đâu, …” Nói thật, nhiều khi tôi khó chịu lắm. Thậm chí đôi lúc còn ước cha đi đâu chơi một vài tháng để ở nhà chơi bời cho thoải mái tự do.
Sau này khi đã đủ lớn để nhận ra cha thương mình thì tôi đã xa cha đi làm dâu nhà người. Nhưng tôi không bao giờ quên cảnh cha lấy hết những đồng tiền cha dành dụm chắt bóp để cho tôi mua xe máy đi làm. Không bao giờ quên ngày tôi mặc áo cô dâu, giữa lao xao cha đứng lặng ở một góc nhà rồi khẽ lắc đầu khi thấy tôi lau nước mắt. Nhớ một ngày tôi nằm trong phòng nhìn ra, thấy cha đang ngồi ở cạnh giếng nước, cầm bàn chải giặt cho cháu từng chiếc tã bẩn, nắng chiếu trên đầu khiến mái tóc bạc lấp lóa.
Giờ thì tôi đã làm mẹ. Hôm qua tôi cùng con đến trường tặng hoa cô giáo nhân ngày của thầy cô. Trên đường đi tôi nói với con: “Con biết người thầy đầu tiên của con là ai không? Là bố con đấy. Bố là người đầu tiên dạy con tập đi từng bước một, dạy con ban ngày có mặt trời, ban đêm có mặt trăng. Bố là người dạy con phân biệt tay trái tay phải, dạy con cách đi dép thế nào cho đúng, cách nhớ con số thế nào cho nhanh. Bố dạy con cơm được nấu lên từ gạo, gạo được xay từ lúa, lúa là do người nông dân vất vả cấy trồng… Đừng bao giờ nghĩ rằng bố thương con ít hơn mẹ chỉ vì khi con ngã mẹ vội vàng lại đỡ, còn bố chỉ đứng yên một chỗ mà dỗ dành con tự đứng lên. Đừng nghĩ bố không thương con khi bố bắt con nhịn ăn đúng một ngày sau khi thấy con lén đổ phần cơm của mình vào thùng rác…” Con gái chăm chú lắng nghe rồi nhìn tôi đề nghị: “Mẹ ơi, chút nữa mẹ mua cho con một bông hoa để con tặng “thầy bố” nhé”. Ồ, tại sao lại không nhỉ!
Tôi từng xem một bộ phim, trong đó có kể về một cô bé sau một lần tai nạn đã quên mất mình là ai, và luôn luôn tự nhận mình là công chúa. Ai cũng bảo cô bé bị điên. Để con gái không bị bạn bè trêu chọc, cha cô đã đưa cô vào rừng sống biệt lập ở đó. Rừng trở thành vương quốc của hai cha con. Ông tự xưng mình là vua, gọi con gái là công chúa. Vì con, người cha có thể làm tất cả, kể cả những việc người khác cho là điên rồ nhất.
Cha - người thầy đầu tiên và vĩ đại nhất của mỗi chúng ta. Cha không dạy ta thành người tài giỏi, nhưng cha dạy ta cách làm một người tử tế. Cha không phạt ta đứng ở góc lớp, không phạt ta bằng cách viết bản kiểm điểm mà cha phạt ta bằng đòn roi. Cha nghiêm khắc hơn tất cả mọi người thầy nhưng sẵn sàng bao dung với mọi lỗi lầm của ta dẫu hết thảy người đời quay lưng ghét bỏ. Cha cười khi ta vui và cười cả khi ta khóc. Không phải cha vô tâm, cha chỉ cố tỏ ra mình cứng rắn để khi ta yếu đuối nhất có thể yên tâm dựa vào.
Lê Giang