Người Mỹ chuẩn bị cho con học "vỡ lòng"

Lớp đầu tiên của giáo dục tiểu học ở Mỹ gọi là Kindergarten - nôm na là “vỡ lòng”. Ở đây, các gia đình không lo lắng chuẩn bị cho con vào lớp 1 mà chuẩn bị cho con học vỡ lòng. Trẻ 5 tuổi bắt buộc đi học, và trước đó, cha mẹ Mỹ có thể chọn cho con đi học tiền vỡ lòng (Pre-K) hoặc ở nhà "dạy con".

Tôi dùng chữ "dạy con" ở đây là đúng nghĩa dạy, chứ không chỉ đơn thuần là "giữ con" như cách nhiều người Việt vẫn dùng.

Trước đây tôi ở Illinois, nơi mà nhiều phụ huynh chọn lựa ở nhà "dạy con".

Nói chuyện với mấy bạn Mỹ, họ nói là họ "homeschool" con trước khi con lên vỡ lòng. Tuy nhiên, với tôi thì cha mẹ Mỹ được hướng dẫn rất nhiều để chuẩn bị cho con vào vỡ lòng.

Người Mỹ chuẩn bị cho con học "vỡ lòng" - 1

Phụ huynh có thể được cung cấp thông tin về những kiến thức và kỹ năng cần biết để chuẩn bị thông qua thư viện, hoặc các phòng sở giáo dục của thành phố sẽ tiếp cận phụ huynh thông qua các sự kiện ở địa phương để phổ biến kiến thức.

26 kiến thức và kỹ năng trước khi trẻ vào lớp “vỡ lòng”

Trong một lần đi hội chợ sách và tác giả, con tôi đã được chơi các trò chơi liên quan đến kỹ năng cần thiết trong khi tôi nhận được nhiều tờ rơi hướng dẫn chuẩn bị cho con như thế nào.

Có 10 kỹ năng mặc định mà trẻ cần phải biết trước khi vào vỡ lòng là:

1. Tự sử dụng nhà vệ sinh đúng cách bao gồm cả việc rửa tay mà không cần nhắc nhở.

2. Tự chỉnh sửa quần áo trước và sau khi dùng nhà vệ sinh, tự cởi và mặc quần áo ấm.

3. Tự cột dây giày, tự mở hộp cơm trưa và tự ăn.

4. Ngồi im để nghe đọc sách hoặc kể chuyện trong vòng 5 hoặc 10 phút.

5. Tự dọn dẹp đồ đạc sau khi sử dụng.

6. Chia sẻ học liệu và đồ chơi với các bạn khác.

7. Có thái độ tích cực khi đi học.

8. Tự tin và không quấy khóc khi tạm biệt cha mẹ.

9. Có khả năng lắng nghe và tuân theo các hướng dẫn gồm 4 hoặc 3 bước.

10. Có khả năng giải quyết xung đột một cách hòa nhã.

Và có 13 kiến thức và kỹ năng học thuật khác mà trẻ cần phải biết trước khi vào vỡ lòng, bao gồm:

1. Có thể tự nói tên đầy đủ khi được hỏi.

2. Có thể viết tên của mình với chữ hoa cho chữ cái đầu tiên và chữ thường cho các chữ còn lại.

3. Cầm các dụng cụ để viết và làm thủ công như viết, viết màu hoặc kéo bằng 3 ngón tay một cách phù hợp.

4. Đếm ít nhất tới 10 và nói được số nào đứng trước hoặc đứng sau.

5. Biết tất cả “tên” của các chữ cái trong tên họ của mình.

6. Nhận diện các hình dạng cơ bản trong toán như hình tam giác,hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình ô van, hình ngôi sao, hình thoi và hình trái tim.

7. Biết các màu cơ bản như đỏ, xanh dương, xanh lá cây, màu cam, màu tím, màu đen, màu trắng, màu nâu, màu hồng.

8. Nhận diện được các chữ số từ 1 đến 10 theo thứ tự ngẫu nhiên.

9. Nhận diện các chữ cái viết hoa và viết thường.

10. Dùng ngón tay để đếm chính xác tới 10.

11. Biết được khái niệm về sách như bìa trước, bìa sau, trang nào trước, đọc dò chữ từ trái qua phải.

12. Có thể cung cấp các từ vần với nhau như trong các bài thơ vần.

13. Kể lại câu chuyện đơn giản theo đúng trình tự.

Những kỹ năng và kiến thức này chỉ cần biết, còn lại giáo viên vỡ lòng sẽ củng cố và rèn luyện thêm ở trong lớp.

Như vậy, cha mẹ Mỹ có 5 năm để chuẩn bị cho con các kỹ năng này. Những kỹ năng tự lập được họ rèn luyện cho con từ nhỏ như tự chọn lựa và mặc quần áo, tự thức dậy khi nghe chuông báo thức, tự đánh răng, tự chuẩn bị thức ăn đơn giản như quết bơ lên bánh mì...

Họ có thể in hình các hoạt động trong ngày ra, dán lên tường, tủ lạnh hoặc cửa phòng để trẻ nhìn thấy và làm theo trình tự.

Họ đưa con đi chơi ở những nơi gần gũi thiên nhiên, cùng chơi trò chơi đoán đồ vật bằng cách nói hình dạng hoặc màu sắc khi đang di chuyển.

Họ khuyến khích con quan sát và nói về những trải nghiệm của con.

Họ khuyến khích con nói chuyện với người lớn chăm sóc mình vì những cuộc nói chuyện đó sẽ làm giàu vốn từ và thế giới quan.

Đặc biệt là họ khen con rất nhiều, khen khi con nỗ lực, khuyến khích khi con tò mò, và động viên con khi con mắc lỗi hay thất bại…

Họ ngồi xuống và nhìn vào mắt con khi nói chuyện, chứng tỏ họ đánh giá cao con trẻ và câu chuyện của con. Trẻ thấy mình được yêu thương, quan tâm và ngày càng tự tin.

Họ đọc sách mỗi ngày cho con vì những kiến thức về học thuật hay những hoạt động có thể diễn ra khi đi học đều có trong sách.

Mỗi trẻ có bước phát triển khác nhau, có trẻ nhận diện mặt chữ rất sớm, nhưng có trẻ đến 7 tuổi mới nhận diện mặt chữ.

Và cha mẹ Mỹ không ngần ngại hoãn lại việc lên lớp 1 của con nếu như thấy con chưa sẵn sàng về mặt học thuật hay về tuổi tâm lý. Trong lớp vỡ lòng của con tôi học có 3 độ tuổi là 5, 6 và 7.

(Còn tiếp...)

Theo Lê Ngân Hà
VietnamNet