Mẹ Việt đừng làm "nô lệ cho con" nữa!
Thế hệ ích kỉ, đó là từ được nhiều người dùng cho một bộ phận giới trẻ ngày nay. Rất nhiều trẻ hầu như chỉ biết hưởng thụ, thiếu tính tự lập, cũng như thiếu những kĩ năng sơ đẳng của giao tiếp xã hội thông thường, mà nguyên nhân cũng là do cha mẹ bao bọc con trong mớ kén quá dày.
Những đứa trẻ “công nghiệp”
Mới đây, chia sẻ từ chủ một homestay tại Vũng Tàu về câu chuyện dạy con của một gia đình đi du lịch đã khiến dư luận nóng lên về vấn đề giáo dục con cái. Thực tế, đã và đang có một bộ phận trẻ bị “làm hỏng” bởi cách giáo dục kiểu “cha mẹ nô lệ con cái”.
Trong câu chuyện của mình chị L., chủ homestay tại Vũng Tàu chia sẻ, một nhóm học sinh lớp 9 gồm 23 em đã ở trọ tại homestay của chị. Và trong thời gian lưu trú tại đây, các em đã vô cùng thiếu ý thức, ngoài tụ tập, nhậu nhẹt, còn bày biện bừa bãi, ăn uống trên giường, xả rác đầy phòng, quậy phá, dẫm đạp làm hư hỏng nhiều tài sản trong phòng…
Điều đáng nói là 4 phụ huynh đi theo không hề nhắc nhở con mà chỉ loay hoay nấu nướng, dọn dẹp, hầu hạ các con một cách cúc cung tận tụy. Trong khi các bà mẹ hầu hạ, 23 đứa trẻ đã là thanh, thiếu niên không hề có một động tác gì phụ giúp mẹ, mà chỉ thản nhiên vui chơi và đón nhận. Cuộc ăn nhậu của bọn trẻ kéo dài đến tận nửa đêm, gây ồn ào quá mức, các bậc phụ huynh cũng không nhắc nhở, chỉ đến khi chị L. nói không được, phải cụp cầu dao thì các em mới chịu đi ngủ.
Đến khi kết thúc đợt lưu trú, chị L. cảnh báo bọn trẻ về những hư hại chúng gây ra và yêu cầu bồi thường, thì lúc này, các bà mẹ mới lao vào tấn công kịch liệt chủ homestay để bênh vực con mình… Câu chuyện gây bức xúc cho dư luận, đồng thời cho thấy một sự thật vẫn tồn tại trong xã hội, về một bộ phận cha mẹ nuôi dạy con kiểu công nghiệp, biến con thành những đứa trẻ không biết điểm dừng và sống rất ích kỉ.
Trong dịp hè, thời điểm của những cuộc du lịch gia đình rầm rộ, người ta càng dễ dàng chứng kiến cảnh những đứa trẻ “em chã” trong vòng tay của cha mẹ. Ngay tại các sân ga, bến tàu, chuyện thường thấy là các bậc cha mẹ tay xách nách mang khệ nệ, các con, tuy đã lớn, nhưng vẫn hồn nhiên chơi đùa, không phụ giúp gì cho cha mẹ.
Không những thế, tại các điểm du lịch, cảnh tượng các bà mẹ khổ sở vì thuyết phục các con ăn uống, không bỏ bữa, chạy theo trông chừng để con không phá phách, không gặp nguy hiểm…
Trong cuộc sống hàng ngày cũng thế, rất nhiều trẻ, được cha mẹ bao bọc kĩ lưỡng đến mức hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ trong mọi thứ: trong sinh hoạt, từng bữa cơm hàng ngày, cho đến chuyện học hành, giao tiếp.
Trẻ không đụng tay vào công việc, không biết việc nhà hay giúp đỡ cha mẹ, tất cả cũng chỉ với lý do: Bận học, không có thời gian. Một hình ảnh quen thuộc trong nhiều gia đình, là những bậc cha mẹ tất bật chạy chở con đi học, hết từ trung tâm này sang trung tâm khác, đứa trẻ chỉ việc hết giờ học, gặm vội ổ bánh mì, về đến nhà, ăn cơm, tắm rửa là rút vào phòng riêng…
Trẻ Việt thiếu trầm trọng kĩ năng xã hội
Phụ thuộc nhiều vào cha mẹ, thiếu tính tự lập, trẻ Việt còn mắc một “căn bệnh” phổ biến, thường gặp, đó là thiếu kĩ năng về giao tiếp xã hội. Rất nhiều trẻ, khi đi ra ngoài vẫn giữ nguyên hành xử như ở trong ngôi nhà của mình, đó là “muốn gì làm nấy”. Có lẽ, cảnh tượng về những đứa trẻ “ngoài tầm kiểm soát” của cha mẹ đã trở nên quá quen thuộc ở chốn công cộng trong cuộc sống người Việt ta.
Trong nhà chờ ga tàu, nhà chờ sân bay, nhà hàng, quán ăn… không thiếu hình ảnh những đứa trẻ, nhỏ có, lớn có, chạy lung tung khắp nơi, phá phách các vật dụng công cộng mà cha mẹ chỉ nhìn, thờ ơ không nói gì.
Chị Lê Thanh Thảo, tiếp viên hàng không một hãng bay quốc tế chia sẻ, kinh nghiệm nhiều năm làm tiếp viên của chị cho thấy, các bà mẹ châu Á, đặc biệt là mẹ Việt, rất “dung túng” cho các hành vi của con nơi công cộng. Nhiều chuyến đi đông trẻ con đã trở thành “thảm họa” với những người cùng chuyến, bởi tiếng bọn trẻ la hét, tiếng chúng ngồi xuống, đứng lên, tiếng các bậc cha mẹ la hét, trấn áp…
Cũng kinh nghiệm đi nhiều nước trên thế giới, chị Lê Thanh Thảo chia sẻ, chị thấy, nhiều quốc gia phát triển, trẻ được giáo dục rất tự lập và có ý thức nơi công cộng. Ví dụ, cùng là đi du lịch, nhưng trẻ các nước Âu Mỹ, từ nhỏ đã được cha mẹ mua sắn cho một va li kéo, trước chuyến đi tự soạn đồ đạc, trong chuyến đi thì tự kéo, bảo quản hành lý của mình, cha mẹ không nhúng tay vào mà chỉ để mắt đến dù trẻ mới 4,5 tuổi.
Chị Thảo cũng kể, trong một chuyến du lịch đảo ở Thái Lan, một cậu bé 10 tuổi người Áo làm chị nhớ mãi. Cậu bé chỉ 10 tuổi, nhưng đã được học các kĩ năng sống để giao tiếp, tự lập, tự quyết và tự bảo vệ bản thân như một người lớn. Mẹ cậu bé hoàn toàn tận hưởng cảnh đẹp chung quanh, không hề lo sợ con chạy nhảy, ngã xuống nước… vì căn bản bà đã dạy cho con từ nhỏ thế nào là tránh xa nguy hiểm, biết bơi lội và yêu cầu cứu nạn. Cậu bé cũng có thể tự nhiên bắt chuyện, chuyện trò với những người chung quanh, tự chèo thuyền vào hang động như người lớn, thậm chí biết chạy đến đỡ mẹ mỗi khi bước từ thuyền lên bờ…
Theo chị Thảo, đó là cách dạy con rất hay mà chị thường gặp ở cha mẹ nhiều nước Âu, Mỹ, Nhật. Trẻ em các nước ấy rất biết đâu là giới hạn của hành vi, biết mình cần và nên làm gì chốn công cộng. Những điều ấy, cha mẹ Việt hầu hết còn chưa làm được.
Theo chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga thì để trẻ trở nên thiếu tự lập, ỉ lại, không biết giao tiếp và dần dà trở nên ích kỉ, hầu hết đều do cách giáo dục của cha mẹ.
Sai lầm của nhiều bậc cha mẹ Việt hiện nay, là thay vì uốn nắn con từ nhỏ, dạy dỗ con thông qua các bài học của cuộc sống hằng ngày, qua mỗi một trải nghiệm sống, một chuyến đi, thì chỉ biết o ế, chăm chút, sợ con vấp ngã… Và phản xạ “dạy dỗ” thường thấy của nhiều cha mẹ cũng chỉ là mắng át, trấn áp khi con gây ra lỗi, chứ xử lý “tận gốc” như nói trên thì không nhiều.
Nhiều bậc cha mẹ khác, thì loay hoay trong các “ma trận” dạy con từ trên mạng, từ sách vở, nhưng lại quên mất, thực tế hàng ngày là người thầy dạy tốt nhất cho con. Chính vì sự bao bọc thiếu sáng suốt ấy, đã góp phần tạo ra một “thế hệ ích kỉ”, không biết yêu thương và chia sẻ. Điều này đã gián tiếp gây hại cho con, bởi ở thời đại mở cửa và hội nhập, những đứa trẻ, những thanh thiếu niên thiếu sự tự lập, thiếu kĩ năng xã hội sẽ rất khó hòa nhập vào cộng đồng, khó tìm được chỗ đứng tốt trong cuộc sống về sau.
Theo Ngọc Mai
Pháp luật Việt Nam