Người đồng giới mỏi mòn chờ hạnh phúc

(Dân trí) - Dù Dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình không đề cập đến việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng cũng không thừa nhận đó là mối quan hệ được pháp luật công nhận, khiến những cặp đôi đồng tính vẫn thấp thỏm, mỏi mòn chờ đợi hạnh phúc.

Chị Chu Thanh Hà

Bạn trẻ Chu Thanh Hà
Khát khao một đám cưới!

Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình diễn ra sáng 17/9 tại Hà Nội, Chu Thanh Hà (hiện là thành viên nhóm 6+, nhóm hoạt động vì hình ảnh tích cực của LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới), cũng là sinh viên năm thứ 4 một trường đại học) chia sẻ về những khó khăn, tủi thân trên con đường thuyết phục mọi người về chính bản thân. “Người đồng tính luôn cô đơn bởi không chỉ ở ngoài cộng đồng họ không dám sống thật với chính con người mình mà ngay trong chính trong ngôi nhà của mình, bên những người thân yêu nhất thì nhiều khi vẫn không thể nói thật”, Hà tâm sự.

Chia sẻ về dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình, Hà cho rằng có bước tiến rất đáng kinh ngạc. “Theo tôi, khi mình đã quyết tâm, bỏ công sức vào thì nên làm đến nơi đến chốn. Vì nếu đã không cấm hôn nhân đồng giới, tức là người dân được quyền làm và đã được quyền làm thì nên thừa nhận việc đó, thừa nhận hôn nhân đồng giới. Nếu dự thảo được thông qua, tôi sẽ phải chuẩn bị rất nhiều phong bì đi đám cưới bạn bè. Nhưng tôi vui, hạnh phúc vì điều đó. Bởi những người LGBT đã chờ đợi mỏi mòn với hạnh phúc của mình quá lâu. Nhiều người trong số đó, vì mong muốn, khát khao một đám cưới đã phải bỏ xứ mà đi, đến những nơi được cộng đồng công nhận. Em không mong muốn điều đó, bởi bất đắc dĩ mới phải rời bỏ quê hương bản xứ của mình. Đã đến lúc để những người LGBT được sống hạnh phúc trên chính quê hương mình, họ có quyền bình đẳng như tất cả mọi người”, Hà chia sẻ.

Cùng quan điểm này, Huy, một đại diện đến từ cộng đồng bày tỏ, khi biết nôi dung của dự thảo bỏ cấm hôn nhân đồng giới, bản thân Huy rất mừng. Bạn trẻ này cũng chấp nhận, phải có bước đệm cho quá trình thay đổi, nhưng bước đệm này sẽ kéo dài đến bao giờ, những người LGBT phải chờ đợi đến khi nào là một câu hỏi lớn, đau đáu trong lòng tất cả những người cùng cảnh ngộ.

Việt Anh, một bạn trẻ tham gia hội thảo bày tỏ, dự thảo này bãi bỏ cấm hôn nhân đồng đáng lo nhiều hơn mừng, từ cấm chuyển sang không thừa nhận, không giúp đỡ cho các cặp đôi đồng tính. Chúng tôi mong muốn nhất là được kết hôn, hôn nhân đồng giới được công nhận. Tuy nhiên điều này rất là khó khăn, trước hết chúng tôi mong muốn được đăng kí, xác lập mối quan hệ gia đình, quyền nhận con nuôi, chúng tôi mong con chúng tôi là con chung chứ không phải con của một người.
 
TS Bùi Minh Hồng, thành viên ban sửa đổi Luật Bộ Tư Pháp

TS Bùi Minh Hồng, thành viên ban sửa đổi Luật Bộ Tư Pháp

 “Bỏ ngỏ” hôn nhân đồng giới

Dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình đã bỏ quy định “cấm kết hôn đồng giới”, đồng thời bổ sung điều 17d vào Luật. Điều 17d cũng nhấn mạnh: “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Quan hệ tài sản khi người đồng tính chung sống như vợ chồng được giải quyết như đối với điều quy định cho “nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn”.

Đánh giá về sửa đổi dự thảo này, TS Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE cho biết, nhìn sơ qua thì cảm thấy sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình khá tiến bộ, đã cởi mở hơn với người đồng tính, tuy nhiên, thực tế pháp luật không cấm cũng không thừa nhận, kéo theo một loạt những mong muốn của những cặp đôi đồng giới như nhận con nuôi chung, đại diện trước pháp luật… cho nhau là không thể thực hiện được.

TS Bùi Minh Hồng, thành viên ban sửa đổi Luật Bộ Tư Pháp khẳng định: “Dự thảo sửa đổi không thay đổi định nghĩa “kết hôn là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của Luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Điều đó đồng nghĩa với việc không công nhận mối quan hệ hôn nhân giữa hai người đồng tính, không thừa nhận việc chung sống giữa hai người đồng tính là quan hệ vợ chồng”. Tuy nhiên, pháp luật cũng không cấm, vì thế, nếu như giữa hai người đồng giới có tổ chức đám cưới thì chính quyền cũng không được phép can thiệp thô bạo về mặt hành chính (xử phạt) như trước kia.

Trước “bức xúc” của một bạn trong cộng đồng LGBT trong một lần đưa bạn cùng giới đến viện cấp cứu vì tai nạn giao thông và phải mổ gấp, bệnh viện yêu cầu người nhà ký cam kết mổ trong khi gia đình thì ở xa, bản thân anh không có quyền đại diện ký cam kết, chính người bệnh đã phải gánh thêm những rủi ro về yêu cầu vô lý đó.

Trả lời vấn đề này, TS Hồng cho biết, hiện chỉ có những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống mới được đại diện ký kết vào những văn bản có bảo hộ, chịu trách nhiệm. Vì thế, khi đã xác định sống chung, người đồng tính nên chuẩn bị các thỏa thuận, xác định về trách nhiệm đại diện khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

“Một khảo sát nhỏ được thực hiện trong nhóm cộng đông này thì có tới 98% ủng hộ Pháp luật bỏ cấm hôn nhân đồng giới; 90% không ủng hộ việc pháp luật không thừa nhận hôn nhân đồng giới; 56% cảm thấy rất thất vọng với dự thảo; 30% mong ước được sống chung có đăng kí; 70% bạn mong muốn hôn nhân bình đẳng. Điều này cho thấy, người đồng tính mong muốn pháp luật cho phép họ, thừa nhận họ sống chung như vợ chồng, như gia đình.Biết là khó khăn nhưng chúng tôi mong muốn chung sự bình đẳng giữa con người, trong công nhận HNĐG”, TS Bình chia sẻ.

Tú Anh