Người đàn bà phải chịu phận làm gái để… chia tay chồng
Là con nhà nghèo, thuở nhỏ cô chỉ biết làm bạn với đàn trâu và những luống cày dài trên ruộng. Lớn lên một chút, cô bé quê mùa lên thành phố ở đợ. Tình yêu đầu đời vụng dại khiến cô mang bầu và sinh một bé trai ở tuổi đôi mươi.
Chung sống với “chồng hờ” 3 năm thì chia tay, từ đó cô một mình nuôi con và dấn thân vào con đường tội lỗi.
Tuổi thơ nghèo và cám dỗ thị thành
Người phụ nữ ấy có tên Nguyễn Thu Minh (SN 1976), ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Nguyễn Thu Minh là con thứ ba trong gia đình có 5 người con. Tuổi thơ của Minh là “điệp khúc” nửa ngày đến trường, nửa ngày đi chăn trâu ngoài đồng. Học hết lớp 4, Minh phải bỏ ngang để ở nhà phụ việc giúp cha mẹ. Biết đây là chuyện chẳng đừng được do gia cảnh khó khăn, Minh không phàn nàn gì hết. Cô bé hiểu bố mẹ còn phải lo cho hai em nhỏ dưới mình. Lớn hơn một chút, Minh lên thành phố để ở đợ, làm “ô-sin” cho nhà người ta. Khi ấy Minh mới được chừng 14, 15 tuổi.
Đi làm một thời gian, Minh lại về nhà, trường học trong xã gọi Minh đi học tiếp rồi lại cắp sách đến trường cấp I mặc dù đã ở tuổi cuối cấp II. Học được một thời gian, Minh lại bỏ lên thành phố để mưu sinh. Cô chẳng ngờ rằng bước ngoặt cuộc đời sẽ xảy đến với mình trong tương lai. Bây giờ ngồi nghĩ lại, Minh vẫn còn tiếc rằng giá như ngày trước mình chịu khó học hành thì có lẽ đã hiểu biết hơn, đã không sa ngã đến mức bị người đời khinh mạt.
Năm 19 tuổi, Minh sở hữu một vẻ đẹp mặn mà. Lúc ấy gần nhà Minh ở giúp việc có một chàng trai để ý và làm quen. Sau một thời gian quen nhau, những khi Minh ra ngoài, hay những khi chủ vắng nhà là chàng trai lại lui tới. Còn ít kinh nghiệp sống, Minh nhanh chóng yêu cậu trai thị thành kia lúc nào không hay. Tình yêu đầu đời vụng dại khiến Minh không kìm được cảm xúc, cả hai đã ăn “trái cấm”. Khi biết Minh có bầu, bạn trai đã dẫn cô về nhà ra mắt cha mẹ. Không vui vẻ gì khi con trai mình yêu một cô “ô-sin”, tuy nhiên vì cái bụng bầu của Minh nên cha mẹ chàng trai đành miễn cưỡng cho hai đứa nên vợ chồng, có điều họ không tổ chức đám cưới.
Sau đó, Minh sinh một bé trai. Trong 3 năm chung sống với nhau, Minh và chồng nhiều lần xảy ra mâu thuẫn về chuyện tiền bạc, kinh tế trong gia đình. Cuối cùng, cả hai quyết định đường ai nấy đi và Minh dắt con về nhà ngoại ở. Ban đầu Minh quay trở lại làm những công việc nhà nông vất vả, nhưng thấy không đủ để nuôi con nên Minh lại lên thành phố giúp việc ở các quán ăn. Người chồng cũ của Minh lúc này vẫn còn cay cú việc Minh chia tay mình nên thường xuyên tìm đến quán của Minh để quấy rối. Mỗi khi Minh chuyển nơi làm việc, gã lại đến giở giọng “Chí Phèo”, cản trở việc làm ăn của quán. Vì lẽ đó, không có chủ quán nào dám thuê Minh cả.
Đúng lúc Minh rơi vào bước đường cùng, một người bạn đã đưa cô vào con đường lầm lạc, đó là dùng thân xác để kiếm tiền. Làm được một thời gian, gã chồng cũ của Minh lại đến tìm để quấy phá, lúc này Minh nghĩ mình đã theo con đường bất chính, chẳng phải kiêng dè điều gì nữa nên cô nói: “Tôi muốn làm ăn lương thiện mà anh không cho, bây giờ tôi làm gái rồi, anh mà còn phá đám nữa thì tôi đánh cho què giò...”. Phải giở giọng giang hồ ra nói với người đàn ông từng đầu ấp tay gối với mình, trong lòng Minh thật sự tủi nhục ê chề. Có điều, quả đúng là từ đó chồng cũ của cô đã không còn đến làm phiền cuộc sống của mẹ con cô nữa.
Đường về gian nan
Khi mới “vào nghề”, Minh được bạn “chỉ bảo” và “giúp đỡ” rất tận tình. Lúc đó nhan sắc Minh còn mặn mòi nên cô rất đắt khách. Tiền kiếm được, Minh gửi một phần về lo cho con ăn học, phần còn lại trang trải cho bản thân để “bám nghề”. “Cái nghề này bước chân vào thì không có đường lui, khi hết thời thì đi làm ở các ổ chứa, hết thời nữa thì ra đứng đường...”, Minh tâm sự. Năm 2005, Minh bị công an bắt và đưa đi Trung tâm Phục hồi nhân phẩm 05-06, TP Đà Nẵng. Trong trung tâm, Minh tiếp xúc với nhiều người có hoàn cảnh giống mình. Mỗi người có một cuộc đời riêng, người thì do ăn chơi sa ngã mà lầm lạc, người thì bị cuộc sống khốn khó xô đẩy... Nhờ cải tạo tốt, sau đó Minh được trả về địa phương sau 13 tháng. Lúc này, ở nhà vẫn chưa ai biết Minh từng làm cái nghề mà xã hội khinh miệt.
Về nhà được một thời gian, Minh không thích nghi được với những công việc nặng nhọc nên nhanh chóng “ngựa quen đường cũ” mặc dù lúc này cô đã 30 tuổi. Nhan sắc tàn phai, vóc dáng tiều tụy nên Minh phải rất bon chen mới kiếm được miếng cơm. Rồi năm 2011, một lần nữa Minh bị Công an quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đưa trở lại Trung tâm Phục hồi nhân phẩm 05-06. Lần này cô phải ở trong trại 18 tháng. Ở nhà, do kinh tế khó khăn, con trai Minh phải nghỉ học từ lớp 8. Lần cải tạo này, Minh gặp lại nhiều cán bộ trước đây, họ ngạc nhiên vì trước đó thấy biểu hiện của Minh rất tốt, nghĩ rằng Minh sẽ không khó khăn gì khi tái hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, sự quan tâm, động viên của họ dành cho Minh vẫn không hề giảm.
Ngày trở về, các anh chị ở trung tâm chúc một câu làm Minh phải suy nghĩ: “Chúc không phải gặp lại em ở nơi này nữa nhé!”. Trước đây, việc Minh làm nghề “bán thân nuôi miệng” là một bí mật, gia đình cũng như hàng xóm láng giềng đều không một ai biết. Nhưng sau đợt cải tạo lần hai này, Trung tâm đã gọi người nhà Minh lên đón. Khi biết công việc của Minh, người thân của cô thấy xấu hổ và khinh bỉ cô vô cùng nên không một ai lên đón Minh về. Ê chề tủi nhục, tuy nhiên Minh biết họa do mình gây ra nên chỉ biết tự trách bản thân...
Quyết tâm làm lại cuộc đời, về nhà, Minh cam chịu những cái nhìn dè bỉu của chính người thân. Cô tự đi kiếm công việc chạy bàn ở các quán cà phê gần nhà. Trong túi không có đồng vốn, Minh may mắn được Hội Phụ nữ xã tặng 2 triệu đồng và cho vay thêm 3 triệu đồng nữa để mua một chiếc xe máy cũ đi làm. Nhờ đó mà Minh xin được một công việc trong khu công nghiệp thuộc quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Có công ăn việc làm ổn định, Minh đã trả hết nợ trong vài tháng. Nhiều người trong xã biết Minh từng lầm đường nhưng vẫn có thái độ rất hòa đồng, cởi mở. Các cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Hòa Phong cho biết khi Minh trở về địa phương, cán bộ phụ nữ xã đã động viên và tạo điều kiên giúp đỡ cô hòa nhập bình thường với cuộc sống.
Tuy nhiên, áp lực lớn của Minh là từ phía gia đình. Lúc đó mong muốn lớn nhất của Minh là một cái nhìn bình thường từ người khác, đặc biệt là những người thân trong gia đình. Minh biết quá khứ của mình đã làm hoen ố thanh danh của gia đình và chị rất ân hận vì điều đó. Tuy nhiên nỗ lực để hòa nhập cuộc sống của Minh là một điều không phải ai cũng làm được. Dần dần, mọi người không còn miệt thị Minh như trước nữa. Minh vẫn cố gắng sống, cố gắng nuôi con…
Khi đồng ý kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện cuộc đời của mình, Minh chỉ muốn gửi đến những người từng rơi vào hoàn cảnh của chị một điều rằng cánh cửa cuộc đời sẽ không bao giờ khép lại đối với bất cứ ai, dù đã từng có những năm tháng lầm đường lạc lối; đường về luôn rộng mở cho những người thực sự muốn hoàn lương.
Theo Phong Giang
An Ninh Thủ Đô
(* Tên nhân vật đã được thay đổi)