Người đàn bà "nhóm lửa"

Không ai muốn phải sống trong “tổ lạnh” - đó là điều khủng khiếp nhất với mọi con người... Chính vì thế, cho đến tận hôm nay, dù hiện đại, giỏi giang trong nhiều lĩnh vực đến đâu nhưng hầu hết phụ nữ đều hiểu rằng mình chính là người “giữ lửa” cho tổ ấm.

Bếp có ấm, “tổ” mới êm

 

Hiện nay nhiều ngôi nhà được trang bị căn bếp khá tiện nghi thế nhưng nếu không được sử dụng thường xuyên thì đó cũng chỉ là những gian bếp lạnh. Bởi khi đó, các thành viên trong gia đình sẽ luôn ăn bên ngoài, ít khi quây quần, tụ họp...

 

Ý thức điều đó là nguy hiểm cho gia đình nên chị Minh Kiều, Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu với trăm công nghìn việc, luôn thu xếp để gia đình có một bữa tối vui vẻ, do chính tay chị làm với sự hỗ trợ của người giúp việc. Dù bữa ăn ấy diễn ra khá muộn, khi công việc của chồng chị là quản lý một TT Ngoại ngữ buổi tối kết thúc.

 

Tính chị rất hài hước nên các con chị cũng “lây” tính mẹ. Bữa ăn của gia đình tràn ngập tiếng cười và người cười to thoải mái nhất chính là chị. Ông chồng vẫn tự hào vì tiếng cười rất... sang của vợ mình.

 

Còn chị Tú Cẩm là một giáo viên trung học, lại dạy môn phụ nên thu nhập không cao, nhưng bù vào là thời gian khá nhiều dành cho gia đình và “đầu tư” vào những bữa ăn tươm tất, ngon miệng. Đến nỗi chồng chị đi nhậu ở đâu cũng... chê, bảo không ai nấu ăn ngon và làm món nhậu ngon bằng vợ mình.

 

Nhiều lúc cần rủ bạn bè đi nhậu, anh lại gọi điện về cho vợ để chị có dịp trổ tài nấu nướng. Hai đứa con trai của chị thì luôn nịnh mẹ: “Mẹ là người nấu ăn ngon nhất trên đời!” và chúng không mấy khi la cà quán xá.

 

Cái gì làm ấm lòng người đàn ông?

 

Thuở còn hàn vi, mỗi khi có ai mời đi dự đám tiệc, chị Mai luôn cằn nhằn chồng vì chị không có quần áo đẹp để diện. Chồng chị một lần bảo: “Ai cũng muốn vợ mình đẹp như một bà hoàng, nghẹt nỗi anh không làm ra nhiều tiền mà thôi!”. Từ đó chị không bao giờ cằn nhằn chồng vì cái “tội” không kiếm đủ tiền để mua quần áo đẹp cho vợ.

 

Một lần chị đọc được một câu danh ngôn: “Áo quần người đàn bà làm ấm lòng người đàn ông”. Thế là từ đó chị biết dành dụm để may cho mình những bộ quần áo đẹp để mỗi khi đi chơi với chồng.

 

Khi sự nghiệp ổn định, thu nhập cũng ngày càng cao, lúc này chị chú ý tới tập luyện, ăn uống đúng cách, giữ gìn vóc dáng để mặc được những bộ trang phục đẹp, hợp thời trang. Ngay cả quần áo mặc ở nhà, đồ ngủ lẫn đồ lót chị cũng “tuyển” rất kỹ. Chồng chị rất hãnh diện mỗi khi được đi bên người vợ lịch lãm.

 

Không thể thiếu lửa tình

 

Nhiều người tránh né khi nói đến chuyện sinh hoạt vợ chồng, ngay cả khi đưa nhau ra tòa ly hôn, không tìm được lý do chính đáng họ thường nói tránh, kiểu như: “Vì không hợp nhau” mà không dám thú nhận: “Không còn hứng thú với nhau về chuyện chăn gối”.

 

“Tắt lửa lòng” nhiều khi làm “tắt” luôn mối quan hệ vợ chồng. Biết điều đó nên ngày nay nhiều cặp vợ chồng lớn tuổi vẫn duy trì chuyện sinh hoạt tình dục. Vì phụ nữ mãn kinh là hết thời kỳ sinh nở nhưng chức năng tình dục không hề... mãn. Trái lại, tình dục là một liệu pháp giúp con người tăng cường sức đề kháng, tăng sự dẻo dai, kéo dài tuổi thọ và giảm thiểu một số bệnh tật, đặc biệt là bệnh tim mạch. Việc ân ái còn giúp người ta lạc quan, yêu đời, giảm stress, giữ được vẻ trẻ trung lâu dài.

 

Chị Ánh Tuyết mới ngoài năm mươi nhưng đã lảng tránh chồng và tìm cách ngủ riêng với cháu nội. Thế nhưng từ khi cô con gái lấy chồng, cô về nhà thì thầm “tư vấn” cho mẹ nhiều điều và bắt cha mẹ phải ngủ chung.

 

Chồng chị vẫn còn phong độ nên rất hoan nghênh sáng kiến của cô con gái. Từ ngày về ngủ với… chồng, trông chị rạng rỡ hẳn ra, da mặt cũng trở nên hồng hào và như trẻ lại dăm tuổi. Chị nhận ra mình thật sai lầm khi tự nguyện từ bỏ chuyện chăn gối.

 

Một cuộc sống sung túc

 

Không ít người nghi ngờ sự tương tác giữa tiền bạc và hạnh phúc, thậm chí còn cho rằng nhiều gia đình trở nên lạnh lẽo, hạnh phúc đội nón ra đi khi có nhiều tiền. Thật là oan cho tiền, trừ những đồng tiền bất lương, đen bẩn thì tiền luôn góp phần rất lớn vào hạnh phúc gia đình.

 

Không ít lần chị Thu Hòa, một công chức bị giảm biên chế thầm oán trách ông chồng thiếu thực tế, không biết cách kiếm tiền để vợ con luôn nheo nhóc, thiếu thốn chỉ vì anh ta có cái tật thích làm… thơ.

 

Cho đến khi hiểu rằng “đi mây về gió” ấy là bản chất của chồng mình, chị bắt đầu tập tành ra buôn bán. Với đồng tiền ít ỏi kiếm được ban đầu chị thấy gia đình vui hẳn lên khi bữa ăn trở nên tươm tất, chị không còn cáu gắt mỗi khi con xin tiền để học thêm.

 

Từ đó chị quyết tâm làm giàu. Không những nuôi các con ăn học đầy đủ, xây nhà mới to đẹp mà chị còn chi tiền cho chồng in hai tập thơ, dù chẳng gây tiếng vang gì nhưng khiến anh chồng thỏa chí.

 

Cuộc sống sung túc khiến chị mất đi vẻ khắc khổ trước đây mà ngày càng tươi thắm hơn. Nhưng chị không vì thế mà ăn hiếp, coi thường chồng, trái lại chị rất tế nhị trong việc chi tiêu tiền bạc. Chị còn để chồng làm “thủ quỹ”, mỗi khi cần tiền thì hỏi... mượn chồng hay con cái xin tiền chị đều bảo chúng hỏi ba.

 

Thế rồi đang làm ăn thuận lời thì chị bị đột quỵ vì tai biến mạch máu não. Chồng chị đã hết lòng chăm sóc, an ủi vợ. Nhờ vậy, sau thời gian gần như nằm liệt giường chị đã bình phục dần dần và trở lại với công việc. Chị thường nói vui rằng mình sống sót là nhờ tình lẫn tiền...

 

Trong một mái ấm hạnh phúc, công của người vợ bao giờ cũng rất lớn nhưng chớ bao giờ so đo sự đóng góp trội hơn ấy với chồng. Bởi trời sinh ra người phụ nữ với bản chất dịu dàng, giàu tình cảm, khéo léo cùng với vẻ duyên dáng, xinh tươi… mang “mưa gió thuận hòa” tưới mát và cũng là “ngọn lửa ấm đêm đông” sưởi ấm ngôi nhà.

 

Theo Vệ Giang 

Hạnh phúc gia đình