Người đàn bà 27 lần giúp chồng cai nghiện

Câu chuyện về người phụ nữ can trường này khiến tôi vừa cảm phục vừa day dứt bởi con số 27 lần cai nghiện cho chồng, trong vòng 20 năm gá nghĩa phu thê. 20 năm làm vợ - 20 năm chị ngậm buồn nuốt tủi để cứu vớt một con người.

 
1. Không biết còn ai trên đời này khổ nhục nhưng lại giàu nghị lực như chị không? 20 năm trước, lúc vừa tròn 22 tuổi, chị kết hôn với một người không phải vì tình yêu. Sau đêm tân hôn, chị mơ hồ nhận ra những biểu hiện bất thường của chồng - đó là dấu hiệu của một người nghiện thuốc phiện. Lấy chồng được đúng 12 ngày, chị phải chịu một trận đòn thừa sống thiếu chết vì dám tỏ thái độ khi phát hiện chồng mình nằm co cùng mấy công nhân lâm trường. Cuối năm đó, chị sinh con trai đầu lòng. 

 

Người đàn bà 27 lần giúp chồng cai nghiện - 1
Người phụ nữ can trường Trần Thị Uyên.
Suốt 9 tháng mang thai là bấy nhiêu ngày chị ôm bụng tìm chồng trên các lán nương, đỉnh núi, hẻm sâu. Có lần bụng vượt mặt, sắp đến ngày sinh, chị cầm đèn pin lần mò theo dấu dép của chồng lên tận đỉnh đồi. Vừa giáp mặt, còn đang thở chứ nào đã nói được lời nào, chị đã bị anh ta đánh hộc cả máu miệng.

 

Nuôi báo cô ông chồng nghiện dù nghèo, dù đói nhưng chị cũng cố lo cho anh ta tiền mua đủ một “bi” thuốc phiện để anh ta khỏi đi ăn cắp, ăn trộm hàng xóm. Chồng chị nghiện, nhưng trong người anh ta vẫn còn có chút tự trọng.  

 

Anh ta có nghề mộc khá giỏi, đóng đồ gỗ đẹp có tiếng ở thị trấn, chỉ mỗi tội nghiện ngập nhiều khi quên cả lịch hẹn giao hàng cho khách, nên khách hàng cứ thưa dần.

 

Công việc phập phù tiền công không đủ để hút, những lúc ấy chị lại đưa cho chồng mấy chục nghìn đồng, đủ để mua 1 “bi” (thuốc phiện) sau này là 1 tép (hêrôin).

 

Hành vi “tiếp tay” đó kéo dài suốt mười mấy năm trời. Chị bảo chị vẫn tôn trọng chồng, vì anh ta vẫn giữ lời hứa không đi ăn cắp; nhưng không lấy của thiên hạ thì khi lên cơn vật, anh ta lại ăn cắp tiền của vợ. Năm 1995, chị sinh con trai thứ hai, vò võ ôm con một mình trong viện mà nước mắt chát mặn đầu môi. Anh ta không đến vì anh ta còn bận đi kiếm thuốc.

 

Năm 2000, mặc dù đứa con lớn mới học lớp 4, đứa bé đang đi mẫu giáo, nhưng chị vẫn quyết định đăng ký đi học lớp hộ sinh trên thị xã Sơn La. Thâm tâm chị nghĩ chỉ học hết lớp 7, với bằng sơ cấp (y tá), mình có thể nằm trong diện tinh giản biên chế bất cứ lúc nào. Đi học lớp hộ sinh có thể đảm bảo cho chị thời gian công tác dài và ổn định (Trạm Y tế xã bao giờ cũng có 1 định biên nữ hộ sinh), chỉ như vậy mới có thể tiếp tục nuôi con và đưa chồng đi cai nghiện. Chị gạt nước mắt để vượt 120km về thị xã học, để lại hai đứa bé và người chồng nghiện ở nhà.

 

Công việc của chị nhiều khi phải công tác xa nhà, những đợt tập huấn chục ngày đến cả tháng. Mỗi lần đi công tác, chị lục túi đưa cho thằng con lớn mấy chục nghìn đồng, dặn ở nhà trông em, tự nấu nướng mà ăn, nếu thấy bố cùn lên thì hãy lánh sang nhà bác Ánh hàng xóm. Có lần trở về sau chuyến công tác, chị trào nước mắt vì thương con khi nghe mấy bà bán thịt ở chợ kể lại. Thằng con lớn của chị, cứ hai hôm lại ra chợ, chỉ mua mấy mớ rau, tần ngần mãi, rồi cũng dám mon men đến quầy bán thịt, mua đám bạc nhạc và mớ bì lợn nói dối rằng về nấu cho chó, nhưng thực ra nó mang về rim mặn để hai anh em ăn cơm...

 

20 năm lấy chồng, nhưng chưa bao giờ chị được hưởng một giây phút hạnh phúc. Nụ cười trên khuôn mặt khả ái của người đàn bà vừa qua tuổi tứ tuần trông khắc khổ, đuôi mắt khi cười đầy vết chân chim như vết rạch của thần khổ ải và bất hạnh. Mấy chục năm qua, chị chưa bao giờ được ngủ trước 12 giờ đêm. Hôm nào cũng vậy, ngoài việc cơ quan, chị phải kèm cặp hai cậu con trai học hành, rồi cám bã, lợn gà.

 

Có thời điểm chị nuôi 3 lợn nái, 10 con lợn thịt, trồng hơn 1.000m2 ngô. Nhiều hôm trước khi đi làm tay phải chà vào nền xi măng để tẩy nhựa chuối, rau lang băm cho lợn. Niềm an ủi lớn nhất của chị là hai cậu con trai, nhờ trời học khá giỏi và ngoan, biết thương mẹ. Nhiều lần thấy bố hành hạ mẹ, chúng tỏ thái độ, thậm chí còn khuyên mẹ nên bỏ bố cho đỡ khổ.

 

Nhưng lần nào cũng vậy, chị lại ôm chúng vào lòng, nuốt nước mắt mà nói: “Ông ấy là bố các con, chỉ mẹ mới có quyền trách bố chứ là phận con, các con không được phép. Các con hãy cứ sống và phấn đấu trở thành một người đàn ông tốt, rồi sau này bố sẽ hiểu ra và sẽ thay đổi”.

 

Người đàn bà 27 lần giúp chồng cai nghiện - 2

Chị Trần Thị Uyên thăm hỏi động viên một gia đình vừa có con mất vì AIDS
 bản Lùn, xã Mường Sang.

 

2. Có một điều làm mọi người khâm phục chị là dù chồng mình nghiện ma túy, vũ phu như vậy, nhưng chưa bao giờ chị nói đến ly dị. Với suy nghĩ giản đơn còn nước còn tát, con sinh ra phải có bố, cho dù ông bố có khi chưa một lần xứng đáng với thiên chức ấy. Sinh con trai đầu lòng, chị bắt đầu công cuộc cai nghiện cho chồng, vận động khuyên giải mãi rồi chồng cũng đồng ý cai nghiện.

 

Khỏi phải nói những vất vả của chị khi giúp chồng cai nghiện, cho con ăn, ru con ngủ xong, chị nấu nướng, cho chồng ăn, tắm rửa, xoa bóp, bấm huyệt cho chồng. Có đêm, trời mưa tầm tã, chị phải sang hàng xóm mua bằng được mấy quả trứng gà ri để nấu cháo cho anh ta ăn. (Nghiện ma túy, nhưng chồng chị có những cái thú ăn chơi khá quý tộc, anh ta chỉ ăn cá chép, gà nhảy ổ, không bao giờ ăn trứng vịt). Nhưng vừa húp được một thìa thì... choang, chồng chị gầm lên: “Mày nấu mặn thế này thì đến thằng bố mày cũng chẳng ăn được”. Chị cắn răng, nuốt nước mắt vào trong, lặng lẽ thu dọn những mảnh bát vỡ tung tóe rồi đi nấu nồi cháo khác cho chồng.

 

Cứ như thế, 1 lần, 2 lần, 10 lần và đến năm 2003 tổng cộng 27 lần chị một mình cai nghiện cho chồng. Chị chẳng dám đưa chồng vào trung tâm cai nghiện, vì chị lo ở đó, đêm đến anh lên cơn vật vì đói thuốc, nhỡ có mệnh hệ nào thì khổ cả mẹ lẫn con.

 

Năm 2003, sau khi khớp nối được với một người họ hàng trong Nam, chị đã động viên chồng cai nghiện lần thứ 27, sau đó vào trong đó làm ăn. Muốn đoạn tuyệt ma túy, thì phải tránh xa môi trường bẩn, ô nhiễm vì ma túy. Huyện Mộc Châu (Sơn La) dân số chưa đầy 2 vạn, nhưng có đến vài trăm con nghiện.

 

Sau nhiều tuần thuyết phục, chồng chị cũng đồng ý vào Nam để cai nghiện. Hôm chuẩn bị cho chồng đi, chị lo từng cái quần, cái áo, đôi tất chân, thậm chí chị còn lén bỏ vào balô của chồng mấy hộp bao cao su vì chị sợ đàn ông xa vợ lâu ngày không giữ gìn được, lỡ mang bệnh về lại khổ vợ, khổ con.

 

Chị cười, nụ cười héo hắt, nước mắt trào ra trong đôi mắt buồn. “Các anh có biết không, hôm đó tôi còn cho tiền anh ấy mua 8 tép hêrôin để sử dụng trên đường đi tàu. Tôi sợ trên tàu, anh ấy đói thuốc vật ra đấy thì ai cứu chữa, ai chăm sóc”. Mượn xe máy của cô bạn cùng cơ quan, chị đèo chồng về tận ga Hàng Cỏ. Nhìn chồng khoác túi, xiêu vẹo, dúm dó trên sân ga, chị trào nước mắt vì thương chồng, thương con và thương cho cả phận mình.

 

Nhờ trời, chồng chị vào Nam được 1 năm, 2 năm đến bây giờ là 6 năm và đã đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Chị không yêu cầu anh phải gửi tiền về, mà chỉ muốn thỉnh thoảng anh gọi điện về nói chuyện động viên các con. Trong đó, do có tay nghề khá anh làm cho một xưởng mộc, thu nhập cũng đủ sống, quan trọng nhất là tránh xa được ma túy...

 

Trở về nhà sau một thời gian cai nghiện, nhìn chồng béo khỏe, da dẻ hồng hào chị mừng lắm; nhưng chị biết nếu cứ để chồng ở nhà, không chóng thì chầy chỉ dăm bữa nửa tháng chồng chị lại bập vào ma túy. Tiểu khu 13 nơi chị sống có đến gần 20 con nghiện, hơn chục người nhiễm HIV.

 

Đêm đó, trong vòng tay chồng, chị ngậm ngùi động viên anh hãy vì vợ, vì con mà vào Nam để làm sao đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Chị nói với chồng cái điều khiến chị thật khổ tâm, rằng nếu anh vào đó, tìm được người phù hợp thì hãy cứ kết bạn. Thâm tâm chị chỉ nghĩ rằng, chồng mình một thân một bóng, ốm đau, nghiện ngập như thế cũng cần lắm một bàn tay phụ nữ lúc trái gió trở giời.

 

Hai năm sau, chồng chị hồn nhiên thừa nhận anh ta có bạn gái, đó là người phụ nữ đã có một con riêng và bị người tình phụ bạc. Vì thương người đàn ông xứ Bắc chất phác, lẻ loi, cô ấy đã tình nguyện về ở với chồng chị. Chị buồn lắm, nhưng vẫn động viên chồng: “Người đó còn khổ gấp vạn lần em, anh hãy lo cho cô ấy, đừng sa vào tệ nạn nữa để thêm một người đàn bà nữa phải khổ”. Chị kể, mấy lần gọi vào thăm chồng, chị xin gặp cô vợ bé của chồng, nhưng người đàn bà kia không dám gặp. Cô ta không ngờ rằng trên đời này lại có người vợ cao thượng đến mức như vậy.

 

3. Tôi tìm đến nhà chị ở Tiểu khu 13, thị trấn Mộc Châu. Căn nhà nhỏ nép mình dưới giàn su su xanh mướt, không khang trang nhưng sạch sẽ và ấm cúng lạ thường. Người xưa bảo “có phúc thì sẽ có phần”, hai con trai chị ngoan và học giỏi, đứa lớn đang học chuyên nghiệp trên thị xã, cậu út sang năm lên lớp 10, đặc biệt cả hai cháu đều rất thương mẹ. Công việc chính của chị là nữ hộ sinh, kiêm chuyên viên dự án phòng chống HIV/AIDS của xã Mường Sang.

 

Hôm sau, mặc dù đang đi làm ở một nơi cách chỗ chúng tôi đến 20 cây số, nhưng vì giữ lời hứa chị vẫn đội mưa quay về đưa chúng tôi vào bản Lùn, một bản nổi tiếng vì nhiều người nhiễm HIV/AIDS. Chị dẫn chúng tôi đến nhà một thanh niên mới chết vì AIDS trước đó 2 ngày. Thú thực bước lên căn nhà sàn xập xệ, tôi cùng anh phóng viên báo bạn hơi rùng mình, nhưng vào trong nhà, thấy mọi người ríu rít, mừng rỡ như gặp người thân. Chị ôm hai đứa bé, ôm lấy người vợ đã bị nhiễm HIV kia để chia sẻ, vỗ về.

 

Người phụ nữ trong câu chuyện trên là chị Trần Thị Uyên hiện ở Tiểu khu 13, thị trấn Mộc Châu (Sơn La). Câu chuyện về người phụ nữ can trường này tình cờ đến với tôi trong một chuyến đi thực tế bình thường của người làm báo. Song điều làm tôi vừa cảm phục vừa day dứt đó là con số 27 lần cai nghiện cho chồng, trong vòng 20 năm gá nghĩa phu thê. 20 năm làm vợ cũng là 20 năm chị ngậm buồn nuốt tủi để cứu vớt một con người.

 

Theo Công an nhân dân