Ngược đời, ăn Tết nhà chồng sướng hơn nhà đẻ

Có những cô gái làm mọi cách để được về ăn Tết cùng mẹ đẻ nhưng có người lại chỉ muốn được đón Tết nhà chồng.

Người ta chỉ nghe thấy chuyện “giông bão” nổi lên trong nhà khi vợ đấu tranh đòi về ăn Tết ngoại chứ hiếm có nàng dâu nào lại chỉ muốn đón Tết quê chồng. Ấy thế mà chuyện ngược đời này vẫn xảy ra.

Chị Hoài (32 tuổi, quê Hải Dương, làm việc tại Hà Nội) ở trong trường hợp đó. Đôi khi, chị còn ngần ngại đưa chồng con về ngoại ăn Tết bởi cả mớ lý do "dở khóc dở cười".

Đón Tết quê ngoại đối với chị là một nỗi sợ (ảnh minh họa)
Đón Tết quê ngoại đối với chị là một nỗi sợ (ảnh minh họa)

Chị là con gái cả trong nhà, từ nhỏ đã cùng mẹ quán xuyến việc gia đình. Tết ở quê thì lắm thủ tục rườm rà, từ lễ lạt đến việc làm cỗ. Tết nào Tết nấy hầu như do một tay chị chuẩn bị chu toàn, mẹ đẻ chị chỉ giúp đỡ phần nào.

Ngày còn chưa đi làm, chuẩn bị Tết là việc trong tầm tay chị. Thế nhưng, kể từ ngày sớm tối với công việc, quần quật làm việc cả năm chỉ mong được nghỉ ngơi trọn vẹn vài ngày thì Tết lại là dịp khiến chị sợ hãi.

Thật lạ đời khi chị lại thích đón Tết quê chồng (ảnh minh họa)
Thật lạ đời khi chị lại thích đón Tết quê chồng (ảnh minh họa)

Năm đầu tiên về nhà chồng, chị được đón cái Tết nhẹ nhàng đến bất ngờ. Nhà chồng chị không cao sang, quyền quý nhưng có lối sống khá hiện đại, mọi người đều nghĩ về ngày Tết rất thoáng. Thậm chí, mẹ chồng chị còn ra chỉ thị “Vợ chồng làm lụng cả năm, giữ lấy mấy ngày Tết mà nghỉ ngơi”.

Và chị được nghỉ ngơi đúng nghĩa, mùng 1 Tết ngủ nướng đến 9 giờ, cơm cúng xuân có bố mẹ lo. Khách đến nhà chỉ trà bánh đơn giản, không cỗ bàn cầu kỳ. Mọi thủ tục rườm rà dường như được cắt bỏ hết mà vẫn không mất đi ý nghĩa ngày Tết.

“Hai vợ chồng về đến nhà là gần như Tết xong xuôi cả rồi. Ông bà gói vài cặp bánh, chuẩn bị đôi con gà, vài cân thịt, chế biến mấy món đơn giản. Tôi nhìn mà khấp khởi mừng. Sao Tết ở đây lại nhẹ nhàng đến thế?”, chị chia sẻ.

Khi đưa cả gia đình nhỏ về ngoại đón Tết, ngoài việc phải nấu nướng, rửa cả chồng bát đũa, chị còn sợ chồng mình bị ép rượu. Lần nào về ngoại thấy chồng cũng nâng lên đặt xuống chén rượu bao lần, say lắc lư, bí tỉ, chị xót ruột mà không làm gì được.

Những năm sau, chị bàn với chồng về nội đón Tết đến mùng 3, 4 thì sang ngoại. Chị cũng khuyên bố mẹ đẻ nên bỏ bớt thủ tục rườm rà ngày Tết để mọi người đều được nghỉ ngơi.

Dẫu biết như vậy là không chu toàn với họ hàng bên ngoại nhưng đó là cách duy nhất để chị và chồng con được đón một cái Tết đúng nghĩa, được nghỉ ngơi nạp năng lượng sau một năm làm việc cật lực.

“May sao mình lấy chồng chỉ cách nhà hơn 50 cây số, bình thường vẫn về nhà ngoại luôn nên mấy ngày Tết về ít đi một tí cũng đỡ áy náy. Năm nào về quê mình cũng góp ý với bố mẹ, đón Tết nhẹ nhàng thôi cho đỡ vất vả”, chị chia sẻ.

Theo Thanh Thanh
Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm