Ngựa quen đường cũ...
Ngày tôi quyết định rước em về, ba mẹ phản đối. Mẹ bỏ cơm mấy ngày, bảo rằng không chóng thì chày sẽ xảy ra chuyện “ngựa quen đường cũ”.
Ba ậm ừ với lý lẽ của tôi, rằng cuộc đời ai cũng có lúc sai lầm. Làm gái bán cà phê không phải là điều xấu, huống chi bây giờ em đã “ưng” tôi, bến đậu cuộc đời đã thả neo rồi.
Bôn ba và tốn kém lắm tôi mới lo xong việc nhập khẩu cho em để hai đứa đăng ký kết hôn. Vì từ tám tuổi tới giờ, khi cha mẹ ly hôn, em hết sống cùng người chú này đến người cô nọ, rồi dì, cậu, họ hàng...
Ba mẹ hiếm muộn chỉ sinh được mình tôi. Vậy nên khi em sinh con, lại giống cha nó như tạc nên mẹ chồng đã chuyển ghét sang thương, lại còn vì em chăm chỉ siêng năng việc nhà. Em không phải đi làm, ở nhà với con để “đích tôn” của gia đình được bú mẹ thoải mái. Quý em đến nỗi, nhiều khi ba tôi còn phơi quần áo cho con dâu và cháu nội. Hàng ngày tôi và mẹ đi làm, ba đi chợ, giặt đồ…. Em nấu nướng và chăm con. Bức tranh gia đình thật hạnh phúc.
Vậy mà khi con mười tám tháng, em bắt đầu “giở chứng”. Nhiều bữa em bê trễ cơm nước, bỏ mặc con cho ông nội để ngồi “chết dí” ngoài tiệm làm tóc với cái đầu nay màu nâu, mai vàng, mốt lại đỏ choét. Móng tay móng chân cũng vàng, xanh, đỏ, tím... theo tư vấn của cô thợ. Tiền sữa, tiền tã của con bị em cắt xén không thương tiếc để đổ vào làm đẹp (mà tôi không thấy đẹp chút nào). Nói mấy lần em không sửa, còn bảo rằng sống với tôi quá buồn tẻ, ngột ngạt và “mất tự do”. Vậy là vợ chồng lớn tiếng với nhau, nóng nảy tôi có “tặng” em một bạt tai. Đêm đó, sau một ngày lao động mệt nhọc, tôi ngủ li bì. Em lục cục nơi phía tủ và sáng hôm sau cả nhà “tá hỏa tam tinh” vì em và con đã biến mất! Kiểm tra thấy tiền bạc không vơi nhiều, chỉ giấy tờ từ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ba mẹ vừa sang tên thửa đất đang ở cho hai vợ chồng và khai sinh con đều biến mất!
May nhờ cô em họ, cuối cùng tôi cũng “dò” ra nơi em đang trú ngụ. Hôm biết em ở Đồng Nai, xách xe đi tới trưa tìm ra nhà trọ thì chủ nhà bảo em vừa trả nhà sáng sớm, nghe nói đi Vũng Tàu. Định vị điện thoại, biết em ở xã X. huyện Y của xứ biển ấy, tôi phóng xe như điên gần tới nơi thì... điện thoại em đã tắt ngúm!
Phải thật lòng mà nói rằng tôi rất yêu em, dù cô em họ đi chung trong cuộc truy tìm này cứ bảo, thôi bỏ “đại” cho rồi, lấy vợ cà phê thì cũng có ngày... Nhưng tôi quyết không dễ dàng buông xuôi như vậy. Tôi muốn tìm em để có câu trả lời chính đáng: vì sao em bỏ tôi, có phải vì “ngựa quen đường cũ”?
Nghỉ đêm, nhưng tôi luôn trong tình trạng “sẳn sàng chiến đấu”, chờ điện thoại em mở lên, có tín hiệu liên lạc là “xuất kích”. Nhưng thuê bao không liên lạc được. Tám giờ sáng hôm sau, tôi gật gù thức ngủ thì cô em họ reo lên: Nickname của em sáng bừng sắc vàng, em còn úp hình con và em ở một nhà trẻ thuộc huyện Hóc Môn. Hơn ba trăm cây số trở về không phải là gần. Nhưng nếu tìm được nhà trẻ đó, tôi lấy gì chứng minh mình là cha của con tôi khi bao giấy tờ em đã “cuỗm” đi hết?
Mãi quá trưa mới đến nơi. Không dám xông vào nhà trẻ sợ đánh động em sẽ “điên” hơn và ẵm con đi tiếp. Tôi liền đến công an xã, nơi có nhà trẻ nọ tọa lạc để trình báo sự việc. Sau khi lấy lời khai, họ đề nghị tôi trở về địa phương xin xác nhận là thời điểm em đã bỏ nhà đi cùng mớ tài sản như vậy... như vậy... Tôi mệt mỏi và thất vọng lắm, nhưng cũng làm đúng yêu cầu của họ nhưng cuối cùng, ngày hôm sau tôi trở lại thì được tin: em không còn gửi con ở nhà trẻ thuộc xã đó nữa.
Tôi không biết làm sao bây giờ, đau tình cũng không ít, đau vì mất niềm tin lại quá nhiều. Không lẽ mọi người nói đúng, em đã “ngựa quen đường cũ”?
Theo Hoàng Phương
PNO