Nghĩ đến Tết mà muốn… bỏ chồng

Chẳng là Tết nhà chồng chị quá khác so với nhà người ta nên chị sợ. Sau 5 năm lấy chồng, từ hai năm nay, cứ đến Tết chị chỉ có ý nghĩ duy nhất là muốn bỏ chồng cho nhẹ nợ.

 
Nghĩ đến Tết mà muốn… bỏ chồng


Từ ngày lấy chồng chị thấy Tết như đi đày. Suốt 5 ngày Tết chị biến thành nhân viên phục vụ nhà hàng. Cả năm đi làm quần quật, vất vả, chị chỉ mong mấy ngày Tết thảnh thơi hoặc đón một cái Tết bình thường như mọi gia đình nhưng đó là mơ ước quá xa xỉ.

 

Chồng chị là một người đàn ông tốt, trách nhiệm, yêu con, tử tế với vợ nhưng rất gia trưởng. 360 ngày trong năm vợ có thể là số 1 nhưng 5 ngày Tết thì vợ chỉ là osin. Về tới quê anh là anh thay đổi 180 độ và đặc biệt thích “hâm nước mắm”. Anh lại là một người con rất có hiếu và thương bố mẹ. Dù bố mẹ sai hay đúng thì con cái cũng phải vâng lời.

 

Thế là về tới quê có việc gì là hai vợ chồng nai lưng ra làm mà không được trốn tránh, phàn nàn. Bố mẹ chồng có nhà hàng ăn uống kiêm giải khát, karaoke. Tết là dịp thanh niên ở huyện tới ăn chơi, người có tuổi họp lớp, khách khứa lúc nào cũng tấp nập ăn uống hát hò nhưng người phục vụ thì lại nghỉ ăn Tết. Cũng đúng thôi vì cả năm họ đã làm việc vất vả, Tết không ai muốn làm việc mà chỉ muốn sum họp gia đình.

 

Bố mẹ chồng chị là người tham công tiếc việc nên nghĩ khác. Dịp này đông khách thì càng phải phục vụ, càng phải tranh thủ kiếm tiền. Thế là con cái thành nhân viên phục vụ nhà hàng từ 30 tới hết mùng 4 Tết.

 

Năm đầu tiên, chị vừa rửa bát nhà hàng vừa quệt nước mắt khóc thầm vì không dám để bố mẹ chồng nhìn thấy sợ mất dông cả năm. Mùng 1 Tết, lũ thanh niên choai choai đầu xanh đỏ bật nhạc sàn, nhảy múa, thêm tí rượu bia đánh nhau loạn cả nhà hàng. Chồng chị lao ra ngăn cản suýt bị vạ lây.

 

Một vài gã đàn ông rượu vào còn giở thói “mất dạy”, thấy chị bưng bê, dọn dẹp còn gạ gẫm “đi khách”.

 

Cô con dâu mới sốc nặng! Gia đình chị thuộc diện công nhân viên chức với nếp sinh hoạt đơn giản, Tết đúng là thời gian để sum họp, trò chuyện.

 

Tết thứ hai, chị không khóc nữa mà cãi nhau một trận “tơi bời khói lửa” với chồng về câu chuyện ăn Tết kinh hoàng ở nhà bố mẹ chồng. Thế nhưng một người đàn ông có hiếu như anh không cho phép vợ ý kiến chuyện của bố mẹ chồng. Anh bảo: Cả năm chỉ phải làm dâu mấy ngày Tết, cố mà làm bố mẹ vui lòng!

 

Đúng là cả năm chỉ có mấy ngày Tết! Chị nghe xong chẳng còn nói được gì vì biết tính anh không thay đổi. Chỉ có cách bỏ chồng may ra mới hết câu chuyện Tết nhất mệt mỏi. Nhưng 360 ngày còn lại anh vẫn tử tế. Sau Tết mọi thứ lại trở về quỹ đạo.

 

Tết năm thứ ba, chị chán nản tới mức cả cái Tết chỉ nhẫn nhịn và làm việc. Chị không khóc, không sốc nữa. Năm đó chị đang mang bầu nên cũng được ưu tiên hơn một chút nhưng thấy từ bố mẹ tới anh chị em đều làm việc hùng hục, chị cũng cố gắng làm những việc nhẹ nhàng. Cứ hình dung con mình sẽ đón những cái Tết buồn bã như thế này, chị chẳng muốn nghĩ nữa.

 

Cái Tết thứ tư, ba ngày chị không buồn nhìn mình một lần trong gương chứ không nói tới việc diện Tết. Hai mẹ con tự ôm nhau, lo nhau ăn uống trong phòng. Chồng chị và mọi người vẫn hùng hục phục vụ khách khứa. Cứ nghĩ tới cảnh con bé sẽ không biết tới Tết là gì mà chị ôm con chảy nước mắt. Chồng chị cũng bắt đầu thấy mệt mỏi với những cái Tết như thế này nhưng vẫn cố gắng làm vừa lòng bố mẹ.

 

Chị quá bé nhỏ để thay đổi nếp sinh hoạt của nhà chồng. Nhất là khi bố chồng chị là một người vô cùng gia trưởng còn chồng chị cũng gia trưởng và cực đoan không kém. Anh luôn bị ám ảnh bởi hai từ “chữ hiếu”. Anh bảo thà bất nhân bỏ vợ, bỏ con chứ không bao giờ vì vợ mà làm sai lời bố mẹ. Bố mẹ đã vất vả nuôi mình, giờ mình phải báo hiếu.

 

Chỉ còn vài ngày là Tết, chị Lan Anh nghĩ chả nhẽ bế con về nhà ngoại ăn Tết? Điều này cũng đồng nghĩa với việc thách thức chồng kí vào đơn ly hôn. Với tính gia trưởng, cực đoan của anh, thì nếu thách anh sẽ kí mà không cần nghĩ. Chẳng lẽ vì 5 ngày Tết mà bỏ chồng?

 

Theo PLVN