Nghệ thuật giao tiếp vợ chồng

(Dân trí) - Hôn nhân là một chặng đường dài. Hãy sẵn sàng hy sinh cho nhau, duy trì tình cảm thắm thiết. Nhờ đó, bạn lúc nào cũng có thể thắp lại ngọn lửa từng rực cháy trong thế giới yêu đương lãng mạn khi xưa.

 
Nghệ thuật giao tiếp vợ chồng - 1


Hiểu lầm - tác nhân gây đổ vỡ

 

Mối quan hệ vợ chồng rất mong manh, như bom hẹn giờ bất cứ lúc nào cũng có thể phát nổ. Không ít cặp đôi chọn giải pháp an toàn là giữ trong lòng mọi chuyện, để tránh đối đầu, tuy nhiên lựa chọn này không giúp tình cảm hai người tốt đẹp hơn. Trái lại, còn là giải pháp thất bại. Những giấc mơ, tưởng tượng lãng mạn hai người từng dựng xây sẽ vì thế mà biến mất.

 

Tranh cãi - một phần của mọi cuộc hôn nhân

 

Các cặp đôi thất bại trong việc thỏa hiệp đa phần vì sự ích kỷ của bản thân. Bên nào cũng muốn phe kia thay đổi.

 

Bất đồng quan điểm thường dẫn đến tranh cãi. Nhưng những “bất đồng nho nhỏ” ấy là một phần trong hôn nhân của bạn. Sự việc chỉ trở nên nghiêm trọng khi cuộc tranh luận bỗng chốc hóa thành cãi vã căng thẳng.

 

Thực tế, chẳng hai cá thể riêng biệt nào lại có thể giống nhau. Các bạn khác nhau về hoàn cảnh gia đình, môi trường sống, tính cách, nghề nghiệp và cả nhãn quan. Không nghi ngờ gì việc hai cá thể khác nhau vẫn có thể cùng chia sẻ ý kiến, cùng tranh cãi, song hãy làm điều đó một cách khôn ngoan. Bạn phải nhận ra rằng, cả đời sống hòa thuận với nhau là điều không hề dễ. Để bắt đầu, sẽ cần rất nhiều tình yêu, lòng chung thủy và cả sự kiên nhẫn. Nhờ thế, hôn nhân của bạn mới không trở nên khô cứng, đơn điệu.

 

Thiết lập kỹ năng giao tiếp lành mạnh

 

Mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau khi nhìn nhận từ “tranh cãi”. Như đã nói, tranh cãi chỉ là một phần cuộc sống. Điều quan trọng là bạn dàn xếp cuộc tranh cãi ấy như thế nào. Bạn sẽ cần vài kỹ năng giao tiếp. Khi các cặp đôi sẵn sàng trò chuyện về mọi việc và đặt địa vị mình vào người kia để nhìn nhận vấn đề, đó sẽ là khởi đầu của một cuộc hôn nhân lý tưởng.

 

Các chuyên gia tin rằng giao tiếp được chia làm 5 cấp độ:

 

1. Cấp độ “người quen”

 

2. Chia sẻ thông tin

 

3. Chia sẻ ý kiến

 

4. Chia sẻ cảm xúc

 

5. Dốc bầu tâm sự

 

Các bà vợ thường cần một người chồng biết ngồi xuống lắng nghe, biết tôn trọng hoàn toàn quan điểm và cảm xúc của vợ (cấp độ 5). Những các ông chồng thường lại chỉ trông chờ lẽ phải, họ dừng ở cấp độ 3 - chia sẻ thông tin. Trong tình huống đó, các bà vợ đôi khi cảm thấy như mình đang nói chuyện với bức tường. Cuối cùng, họ ngừng chia sẻ ý nghĩ và cảm xúc.

 

Vì vậy, các cặp đôi rất cần học cách giao tiếp hiệu quả, cần yêu và chấp nhận lẫn nhau, học cách lắng nghe toàn tâm toàn ý. Một cách chủ động, có mục đích, hãy chú ý mọi tín hiệu đối phương phát đi. Học cách nói chuyện và thường xuyên tán dương đối phương. Đừng quên thỉnh thoảng bạn nên hóm hỉnh. Quan trọng hơn cả, mọi điều bạn nói hãy xuất phát từ trái tim.

 

Xác định nguyên nhân vợ chồng đối đầu và tìm giải pháp

 

Nếu nhận thấy bất đồng ngày càng lớn, vợ chồng “đối đầu” ngày càng nhiều hơn, nên cố gắng tìm ra gốc rễ vấn đề và kịp thời giải quyết, đừng trì hoãn. Nhớ rằng:

 

- Không bao giờ chọn giải pháp im lặng để xử lý vấn đề.

 

- Không bao giờ nói dối để che đậy điều gì đó.

 

- Đừng lôi kéo bố mẹ chồng (vợ) hay bạn bè vào cuộc ngay khi hai bạn cãi nhau.

 

- Đừng chủ quan kết luận mọi vấn đề, hãy dành thời gian giao tiếp và nói rõ ngọn ngành.

 

- Chỉ thảo luận về những điều đã thực sự xảy ra, đừng phán xét.

 

- Hãy tìm kiếm sự thật thay vì phỏng đoán, nghi hoặc.

 

- Học cách hiểu nhau, chứ không phải đánh bại nhau.

 

- Nên nói về hiện tại, tương lai, đừng bới móc quá khứ.

 

- Tập trung vào vấn đề chính, đừng chìm sâu vào mớ mâu thuẫn lẻ tẻ.

 

- Giải quyết vấn đề gây tổn thương cảm xúc trước, sau đó hãy đến các vấn đề nảy sinh từ bất đồng ý kiến.

 

- Luôn bắt đầu bằng “Em (anh) cảm thấy…”, đừng nói “Anh (cô) đúng là…”.

 

 

Huyền Anh

Theo PC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm