Nếu có khóc, cũng chỉ khóc với người xứng đáng
(Dân trí) - Khuya, nghe tiếng chồng mở cửa. Tôi rón rén rời khỏi giường. Nơi phòng khách, chồng tôi đang ngồi đó, trong bóng tối, điếu thuốc chốc chốc lại lập lòe đỏ trên môi. Định bật điện lên rồi hỏi anh đã ăn gì chưa, cơm tối tôi vẫn để phần đó. Định bảo anh, nếu uống rượu thì đừng tắm khuya nữa… nhưng thôi. Tôi im lặng quay về phòng.
Mười lăm năm trước, khi anh là một chàng sinh viên mới ra trường, tay trắng tay. Tôi đã vì yêu anh mà cãi lời mẹ cha, chối từ một cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối”.
Bố mẹ tôi giàu có, tưởng sẽ lo cho con gái được ấm êm. Cuối cùng đành bất lực gả đứa con gái mình hết mực cưng chiều cho “một thằng nhà quê không mái nhà, không tấc đất” ở thành phố. Bố mẹ vì giận nên để mặc con gái tự xoay xở với cuộc sống mới túng thiếu của mình. Tôi vì muốn giữ thể diện cho chồng cũng đành chịu khổ không một lần dám mở lời cậy nhờ bố mẹ.
Đêm tân hôn, trong căn phòng trọ nhỏ bé xập xệ, anh nắm tay tôi im lặng rất lâu. Mãi sau mới nói được một câu: “Cảm ơn em đã yêu anh mà không ngại khổ nghèo. Cảm ơn em đã đồng ý làm vợ anh. Cuộc sống này dù có khắc nghiệt thế nào, anh cũng nhất định vì em mà cố gắng, nhất định không để vợ anh phải thất vọng, khổ sở”. Tôi dựa đầu vào vai anh, cảm nhận rõ ràng bờ vai đầy tự tin vững chãi.
Năm tháng qua đi, những khó khăn lùi dần, cuộc sống ngày càng trở nên sung túc. Sau những thất bại khởi nghiệp ban đầu, cơ hội tốt liên tiếp đến với anh. Sau này tôi mới vô tình biết, là do bố mình thông qua người nọ người kia mà nâng đỡ anh. Tôi thương bố mẹ mình nhiều hơn nhưng chưa từng hé lộ chuyện này cho anh biết. Dù thỉnh thoảng anh luôn nói: “Nhờ bố mẹ em khinh khi coi thường mà anh cố gắng được như ngày hôm nay. Cuộc đời, có những thứ nghĩ không hay nhưng hóa ra lại hay”. Tôi không muốn anh sụp đổ niềm sĩ diện của mình.
Con trai tôi càng lớn càng giống anh như tạc. Tôi từng muốn sinh thêm đứa nữa nhưng chồng không cho. Anh bảo cuộc đời ngắn lắm, em cứ sinh hết đứa này đến đứa khác, chăm cho chúng lớn thì em hết tuổi thanh xuân. Một đứa được rồi, em hãy vì anh, vì con, sống cho khỏe mạnh, cho hạnh phúc là được. Có một người chồng tâm lý tuyệt vời như thế, hỏi có người phụ nữ nào mà không xúc động, không cảm thấy đời mình may mắn.
Nhưng kiếm được tiền nhiều đồng nghĩa với việc anh vắng nhà nhiều hơn, những bữa cơm chỉ có hai mẹ con cũng ngày một nhiều hơn, những buổi cả nhà dắt díu nhau đi chơi thì ngày một ít dần. Con trai tôi luôn nói với mẹ: "Bố vất vả quá mẹ nhỉ. Con nhất định sẽ học thật giỏi để lớn lên kiếm thật nhiều tiền, lúc đó bố không cần đi sớm về khuya, không phải vất vả nữa".
Anh luôn nói công việc nhiều quá, anh bận quá. Nhưng tôi không tin anh bận đến mức không có thời gian cho gia đình. Nếu nói về bận, có ai bận bằng Tổng thống Mỹ Obama. Vậy mà ông ấy nói luôn có mặt trong mọi bữa cơm tối của gia đình, không vắng mặt buổi họp phụ huynh nào của các con ngay cả trong giai đoạn chiến dịch tranh cử. Nếu nói nhiều việc thì ai nhiều việc bằng ông ấy, vậy mà vẫn có thời gian đến sân bay đón vợ mỗi chuyến đi xa. Khi mình đủ yêu thương, mình luôn có đủ thời gian. Bằng không, sẽ có mọi cách tìm lý do để lấp liếm.
Linh cảm của người phụ nữ ít khi sai. Thứ linh cảm đàn bà nhiều khi quá ư là nghiệt ngã. Những cái kết có hậu chỉ có trong truyện cổ tích và ngôn tình hiện đại mà thôi. Sự thực phũ phàng hơn thế rất nhiều. Như một tối vào tháng trước, anh về nhà trong vẻ mặt trầm ngâm, rồi anh ôm tôi khóc: “Anh là một thằng đàn ông khốn nạn. Anh không xứng với tình yêu của em, không đáng để được em tha thứ”. Lúc đó tôi chưa hiểu thực chất anh muốn nói gì nhưng trái tim tôi đã bắt đầu vụn vỡ.
“Anh khuyên cô ấy bỏ thai nhưng cô ấy không chịu. Nói gì thì nói, đó cũng là một đứa trẻ vô tội. Em có thể cho anh đón nhận đứa bé không. Chỉ nó thôi?”.
Trời ạ, là anh ngây thơ hay anh nghĩ tôi ngu ngốc. Để cho anh được làm cha một đứa trẻ khác, lẽ nào anh không liên quan đến mẹ đứa trẻ đó hay sao? Đứa bé tất nhiên không có tội. Nhưng tôi và con trai tôi thì có tội gì mà phải chịu sự phũ phàng đến thế.
“Em dù yêu anh đến mấy thì cũng chỉ là một người đàn bà. Đàn bà thường ích kỉ. Em cũng vậy, không thể bao dung đến thế đâu. Hoặc là mẹ con em, hoặc là mẹ con cô ta. Anh chỉ có thể chọn một. Nếu anh chọn gia đình, dù rất đau khổ, em cũng cố gắng cho anh một cơ hội. Đừng đòi hỏi quá nhiều từ em…”
Một tháng trôi qua rồi, anh ấy vẫn cứ ở trạng thái như thế. Anh ấy chưa nói cho tôi biết quyết định của mình. Chỉ là mỗi tối vẫn về thật khuya, người lúc nào cũng phảng phất hơi men, rồi ngồi đốt thuốc trong bóng tối nơi phòng khách, như lúc này anh vẫn còn ngồi ngoài đó.
Tôi nghe tiếng anh bước vào phòng, nhẹ nhàng nằm xuống, giọng rất nhỏ:
- Em vẫn chưa ngủ phải không?
- Thôi, không cần nói nữa. Để em quyết định giúp anh. Thực ra, đơn ly hôn em đã viết sẵn lâu rồi. Chỉ là em vẫn mong, tình yêu anh dành cho em đủ nhiều để không ngại ngần lựa chọn. Nếu anh chọn mẹ con em, em chắc chắn cũng sẽ không đang tâm tước quyền được có cha của một đứa trẻ. Nhưng có lẽ là em sai rồi.
Trong bóng tối, tôi có cảm giác như anh đang khóc. Tôi không khóc. Tôi đã khóc rất nhiều khi không có anh. Nhưng trước mặt anh, tôi chưa từng để mình rơi một giọt nước mắt nào kể từ khi nỗi đau ập tới. Nước mắt của tôi, tôi cũng chỉ muốn nó rơi trước người xứng đáng. Anh không có quyền được nhìn thấy sự yếu đuối của tôi.
Sam