Một cuộc đối thoại

(Dân trí) - Tôi vừa bước vào nhà, chồng đã lom lom nhìn tôi rồi buông một câu đầy khó chịu: "Em dạo này chịu khó ăn diện nhỉ, hay là đang cặp kè với thằng nào?".

- Trong suy nghĩ của anh, vợ anh cũng chỉ đến thế thôi sao?

Một cuộc đối thoại - 1

Tôi thay quần áo, chuẩn bị nấu cơm, lòng thừa biết anh đang khó chịu vì hôm nay tôi mặc đẹp và đi ra ngoài. Nói đúng hơn, không phải chỉ hôm nay, mà dạo này, thỉnh thoảng tôi vẫn thường như vậy.

Tôi là một thợ may. Nghề này khi xưa thực sự kiếm rất ra tiền, nhưng bây giờ hàng chợ nhiều, mốt đa dạng đủ kiểu nên kiếm ăn đỡ hơn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khách hàng thích đồ đặt may, đặc biệt là chị em có tiền, vậy nên vẫn làm ăn được.

Công việc khiến tôi ít đi ra ngoài. Phần lớn thời gian tôi ở nhà cắt may, cơm nước, và đưa đón hai thằng con trai đi học.

Tôi không xinh đẹp nhưng tương đối dễ nhìn, tính tính cũng dễ chịu. Vợ chồng tôi sống chung với mẹ chồng, bà khó tính nhưng tôi chiều được. Là vì tôi nghĩ, mình là phụ nữ, việc mình nên làm chính là biết cách vun vén cho gia đình luôn ấm êm.

Bao nhiêu năm làm vợ, làm mẹ, tôi luôn chu toàn cho gia đình, chăm chỉ kiếm tiền. Cuối cùng căn nhà cấp 4 khang trang cũng được thay bằng ngôi nhà ba tầng xinh đẹp. Cuối cùng, hai đứa con trai sin sít tuổi nhau cũng lớn, cũng đến tuổi đi học để tôi có chút thảnh thơi.

Tôi nhận thấy đã đến lúc tôi nên dành quan tâm cho bản thân mình, ăn mặc đẹp một chút, nghỉ ngơi nhiều một chút, và thỉnh thoảng nên tụ tập bạn bè như khi xưa, việc mà bấy lâu nay tôi đã cố gắng hạn chế tối đa có thể.

Chồng tôi rõ ràng là khó chịu. Vì tự nhiên anh thấy vợ chưng diện hơn, chăm chút quần áo nhiều hơn. Vì anh quen mỗi ngày tôi đều ngồi ở nhà, căm cụi làm việc này đến việc khác. Anh không quen mỗi khi tôi đi khỏi nhà mà không phải là đi chợ hay đưa đón con.

Hôm nay, anh chào tôi bằng một câu hỏi móc mỉa như vậy. Vợ chồng, cũng lắm khi cơm không lành, canh chẳng ngọt, nhưng tôi nghĩ “một sự nhịn, chín sự lành” nên mỗi lần anh tiếng nhỏ tiếng to bất cứ việc gì tôi đều ôn hòa cho qua chuyện. Nhưng hôm nay, nhìn cái thái độ của anh, nghe những mỉa mai của anh, tôi thấy vô cùng khó chịu. Tôi nghĩ chúng tôi cần nói chuyện với nhau.

Chồng tôi vẫn chưa thôi hậm hực:

- Em thay đổi quá nhiều như vậy mà muốn anh coi như là bình thường à? Em hay đi chơi, em siêng làm đẹp. Em không giống em của trước đây. Lý do gì khiến em thay đổi nếu không phải là vì một thằng cha nào đó?

- Lý do gì ư? Là vì em nghĩ, mình đã hi sinh quá đủ rồi. Bao năm em vì gia đình, vì anh, vì con, một chút thời gian để nhìn ngắm bản thân mình cũng không có. Giờ nhà đẹp có rồi, con cái lớn rồi. Em muốn quan tâm bản thân mình một chút cũng không được à? Em có bỏ bê gia đình không, có lơ là cơm nước, có trễ nải với con cái không. Cớ gì anh khó chịu?

- Em hay quá, sáng nay em còn dặn mẹ đi chợ để cho em đi chơi cơ đấy.

- Anh xem, trong cái nhà này từ việc to đến việc nhỏ đều một tay em lo. Mỗi khi mẹ ốm, anh ốm, các con đau em đều chăm sóc chu đáo. Nhưng khi em ốm, có ai nấu nổi cho em một bát cháo? Có ai chạy đi mua cho em viên thuốc? Có ai phơi hộ em chậu đồ? Em là con dâu mẹ anh, là vợ anh, là mẹ các con anh hay em là con ở, là kẻ giúp việc trong nhà này?

- Em càng nói càng hồ đồ. Em chăm sóc người thân mà cũng kể công. Là tại vì em cứ cố làm vợ hiền dâu đảm, giờ còn kêu ca trách móc ai.

- Phải, là em sai vì lúc nào cũng cố làm hết mọi việc, là vì em thương anh, muốn anh yên tâm công tác không phải bận tâm chuyện nhà, không phải lo lắng mẹ già, con nhỏ. Em luôn nghĩ cho anh nhưng có bao giờ anh nghĩ cho em một chút không? Mẹ em ở quê bị bệnh phải phẫu thuật, em nói muốn về chăm mẹ ít bữa. Anh nói hai đứa con nhỏ quá, em đi rồi ai chăm con, rồi lý do này nọ đủ cả. Nhưng chỉ mấy ngày sau em gái anh sinh, anh thu xếp công việc nghỉ ở nhà chăm con để em đến viện chăm cô ấy bốn năm ngày liền. Với gia đình em thì anh luôn tìm lý do, nhưng với gia đình anh thì anh luôn có cách. Anh nghĩ xem, như vậy có được không?

- Vì thế nên em ngoại tình ư?

- Em sống với anh gần mười năm, cuối cùng anh cũng chỉ nghĩ về em có thế thôi? Anh nghĩ em có thể à?

- Sao lại không. Từ trước đến giờ không có, chẳng qua vì em chưa có cơ hội.

- Em đầy cơ hội, chẳng qua em không thích, em không phải loại người ấy. Còn nếu anh nghĩ rằng em là loại đàn bà lẳng lơ như vậy, em chẳng còn gì để nói.

- Anh ghen là vì anh yêu em, vì anh không muốn mất em.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi dừng ở đó. Anh chốt bằng câu đó chắc vì đã không còn gì để nói. Tôi cũng mệt rồi, nước mắt tôi ướt nhòe nhưng lại không hề biết rằng mình đã khóc. Chồng tôi ngồi ở góc giường, tay vuốt điện thoại nhưng tôi biết anh chẳng đọc được chữ gì vào đầu. Tôi mặc kệ anh. Những ấm ức trong lòng tôi dồn nén bấy lâu nay được giải tỏa. Nói ra được thực sự rất nhẹ lòng.

Trong bữa cơm tối, mẹ chồng bắt đầu chê món này mặn quá, món kia ăn không tốt cho bệnh dạ dày của bà, như thường lệ bữa cơm nào bà cũng tìm một cái gì đó để chê. Bà không thích tôi, chỉ đơn giản vì tôi chỉ là một cô thợ may còn con trai bà là một thạc sĩ, là cán bộ công chức nhà nước.

Mỗi lần nghe mẹ than phiền con dâu, chồng tôi thường sẽ cáu kỉnh “Hôm nào mẹ cũng phê bình mà em không rút kinh nghiệm được à?”. Nhưng hôm nay, chồng tôi nhìn tôi, rồi lại nhìn mẹ mình, xong rồi khẽ giọng: “Nhà con nấu ăn không được khéo. Từ mai mẹ giúp cô ấy vào bếp nấu cơm đi. Vợ con có bao nhiêu việc phải làm, đâu thể lúc nào cũng để ý từng món ăn cho vừa lòng cả nhà được. Cô ấy nấu gì cũng không vừa ý mẹ, tốt nhất không cho nấu nữa”.

Đó là lần đầu tiên anh bênh tôi trước mặt mẹ chồng.

Mây

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm