Nàng dâu khổ sở vì mẹ chồng sống “hai mặt”

(Dân trí) - Một sáng em đang lơ mơ ngủ thì bị thức giấc bởi tiếng quát của mẹ chồng. Hóa ra là mẹ chồng em đang vừa cho con mèo ăn vừa chửi: “Cái con mèo lười này, suốt ngày chỉ ngủ rồi ăn, trưa trờ trưa trật không dậy còn chờ bà dâng cơm đến tận miệng mới chịu. Tao nói cho mà biết, tao già rồi, không hơi sức đâu mà hầu mày suốt ngày nhé”.

Nàng dâu khổ sở vì mẹ chồng sống “hai mặt” - 1

Em vốn sinh ra ở thành phố, còn chồng em gốc ở quê ra thành phố học rồi lập nghiệp. Hồi em đòi lấy anh ấy, mẹ em phản đối lên xuống nói lấy chồng xa vất vả. Đấy là mẹ em nói tế nhị như thế chứ em thừa biết mẹ không muốn em lấy anh ấy vì lấy xong phải ở nhà thuê, nhà cửa chưa có, mẹ sợ em khổ. Nhưng cuối cùng “đất không chịu trời thì trời chịu đất”.

Bạn bè em thì nói em lấy chồng xa thế mà lại hóa hay vì không phải sống cảnh làm dâu. Thật sự lấy chồng hơn một năm em cũng chỉ về nhà chồng mấy ngày, vì công việc, vì xa. Bố chồng em đã mất, ba cô chị gái đều đã lấy chồng nên mẹ chồng sống một mình, mà mẹ chồng thì khéo nên thấy cũng không vấn đề gì.

Từ khi có thai em đã đinh ninh là khi sinh mình sẽ về nhà đẻ. Nói gì thì nói sinh ở bệnh viện tốt trên thành phố vẫn hơn, lại có mẹ ruột chăm nom thì không còn gì bằng. Chồng em cũng đồng ý như vậy. Không ngờ gần đến ngày sinh thì mẹ chồng gọi điện bảo chồng đưa em về quê sinh. Bà nói em là “dâu đầu cháu sớm” nên bà phải lo, hơn nữa ở quê chồng em không có tục con gái lấy chồng rồi lại về nhà đẻ sinh con. Mẹ chồng em còn nói nếu hai vợ chồng không về thì sau khi sinh bà không lên thành phố. Bà không thích cảnh ở nhờ nhà người khác (ý là ở nhà mẹ em) để chăm cháu mình.

Lúc đó em nghe mẹ chồng nói đã cảm thấy bà có chút khó khăn. Chồng em cuối cùng quyết định đưa em về quê. Em lên xe về nhà chồng sinh con trong tâm trạng rất buồn chán. Lại nghĩ thôi mình cố ở đó vài tháng rồi lên thành phố lại chắc cũng sẽ nhanh qua thôi.

Em sinh con vào đúng dịp mẹ em cảm cúm nặng không thể về thăm vì sợ lây cho cháu. Chồng em cũng bận công việc chỉ ghé về nhà được hai ngày. Sau đó cứ cuối tuần thì mới chạy xe hơn trăm cây số về nhà. Vậy nên việc chăm sóc hai mẹ con em một tay bà nội lo. Và chính vì thế em mới phát hiện ra mẹ chồng em không hề tốt như em vẫn tưởng.

Suốt những ngày mới sinh đều là hai mẹ con tự thức đêm trông nhau vì mẹ chồng em nói “mẹ không thức đêm được, hễ mất ngủ là ốm”. Vậy nên hầu như sáng nào em cũng dậy muộn. Một sáng em đang lơ mơ ngủ thì bị thức giấc bởi tiếng quát của mẹ chồng. Em hé nhìn qua cửa sổ, hóa ra là mẹ chồng em đang vừa cho con mèo ăn vừa chửi “Cái con mèo lười này, suốt ngày chỉ ngủ rồi ăn, trưa trờ trưa trật không dậy còn chờ bà dâng cơm đến tận miệng mới chịu. Tao nói cho mà biết, tao già rồi, không hơi sức đâu mà hầu mày suốt ngày nhé”.

Em không phải là đứa ngu dốt, em biết mẹ chồng em đang mượn cớ “mắng chó chửi mèo” để ám chỉ em. Càng nghĩ em càng tủi thân, cứ thế nằm khóc. Em mới sinh con một tuần, vết thương vẫn còn chưa lành, chỉ việc ngồi cho con bú và đi lại vẫn thấy khó khăn. Lại nghe mẹ em dặn phụ nữ mới sinh nên ở trong buồng không nên ra ngoài lỡ may gặp gió máy. Chính vì thế nên mẹ chồng đến bữa thường mang cơm vào buồng cho em ăn riêng. Em cứ nghĩ đó là điều bình thường, không ngờ khiến mẹ chồng khó chịu như thế.

Cuối tuần chồng về, em mang nỗi tủi thân này thủ thỉ với chồng. Không ngờ chồng không khéo lại chạy đi trách mẹ. Vậy là cả nhà tự nhiên như nhà hát. Mẹ chồng lớn tiếng trách em là tiểu thư con nhà thành phố khó chiều. Rằng con dâu sinh, bà ngoại không thấy mặt đâu, một tay bà nội chăm, nước bê tận mồm, cơm hầu tận miệng mà con dâu vẫn chưa vừa ý. Chồng em thấy mẹ giận lại dỗ dành bà quay ra trách em, nói “Mẹ chăm em như thế em còn đòi gì nữa”.

Phải nói thêm là mẹ chồng em là người sống hai mặt. Khi chồng em có nhà thì bà nhẹ nhàng, vồn vã ra chiều thương con dâu lắm: “hôm nay con thích ăn gì để mẹ mua?”, “Khổ thân, mẹ không thức đêm được nên hai mẹ con đêm nào cũng phải trông nhau vất vả quá”, “làm gì được thì làm, không thì bảo mẹ làm cho, đàn bà mới sinh thì phải kiêng cữ không sau này bệnh tật đầy ra lại khổ”. Nhưng khi chồng em đi rồi thì bà lại suốt ngày kể chuyện ngày xưa: “Ngày xưa tao sinh bốn đứa con, hai ngày đã phải mò dậy nấu cơm mà ăn, chẳng kiêng cữ gì sất”. “Làm dâu thời nay sướng thật chứ đâu như thời các bà ngày xưa”…

Vậy nên chồng em lúc nào cũng nói mẹ anh tốt lắm, thương con thương dâu thương cháu lắm. Lúc nào em nói gì anh cũng bảo em cố chấp, nhỏ nhặt.

Em sinh được hai tuần thì mẹ em xuống. Thấy bà thống gia đon đả mời chào thì bảo em may mắn. còn dặn em “bà có một mình, ở nhà lâu lâu cho bà vui”. Em không muốn kể với mẹ chuyện mẹ chồng em “mắng chó chửi mèo” vì sợ mẹ buồn lo. Mẹ em ở vài ngày rồi về. Thông gia vừa rời khỏi nhà thì mẹ chồng liền buông một câu: “Kể ra sinh con gái sướng thật, nuôi lớn, gả lấy chồng là xong. Sinh con trai, hầu nó lớn rồi lại hầu vợ hầu con nó, khổ hết đời”.

Em đã quá quen với những câu ấy rồi nhưng vẫn ức chế. Em đòi chồng em cho em lên thành phố nhưng anh không chịu, nói em “sướng quá hóa rồ, có mẹ chồng như thế còn đòi gì nữa. Con mới đầy tháng đã đi làm sao được mà đi”.

Mẹ chồng em thì mỗi lần con trai về đều nói: “Mày đi về ít thôi, chạy xe ngoài đường nguy hiểm lắm. Cứ để mẹ con nó ở nhà mẹ chăm, lúc nào hết thời gian nghỉ đẻ thì về đón mẹ con nó lên. Cần người chăm con thì mẹ sẽ lên theo cùng”. Nghe mẹ chồng nói mà em muốn ngất xỉu luôn.

Em chẳng kể khổ với chồng em nữa, vì nói ra thì anh bênh mẹ lại càng khó chịu với em. Mà cứ ở thế này cho hết mấy tháng thai sản chắc em ức chế mà điên lên mất.

Hoaphudung…@gmail.com

Mời bạn tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Chuyện của tôi" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận". Các bình luận thú vị, có giá trị sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Tình yêu - Giới tính và nhận nhuận bút từ Tòa soạn. Trân trọng!