Phản hồi bài "Nàng dâu bức xúc vì bị nhà chồng coi như cái ATM":
Nàng dâu đưa 20 triệu một tháng, bố mẹ chồng vẫn chê ít
(Dân trí) - Tôi rất sợ tính tủn mủn của mẹ chồng. Bà ở nhà, có phải bỏ dăm chục nghìn đóng tiền nước ra thì về cũng gọi đến tôi. Đi chợ mua thêm lạng thịt cũng về bảo ngay "con còn thiếu mẹ…".
Tôi ít khi bình luận trên báo nhưng đọc câu chuyện của chị - đưa bố mẹ chồng 20 triệu/ tháng rồi mà vẫn còn bị chê ít - thấy khá giống tôi, sẵn trong lòng ấm ức nên tôi cũng muốn góp đôi lời, hy vọng những ai đang là nhà có con dâu, họ bớt tham và bớt những đòi hỏi cổ hủ vô lý đi.
Bố mẹ chồng tôi đòi hỏi con cái y như bố mẹ chồng chị. Nhưng các cụ đòi hỏi rất có chọn lọc, nhiều khi tôi cứ tự hỏi không biết ông bà có thương chồng tôi không, anh có phải con ruột của ông bà không, tại sao suốt ngày bòn của vợ chồng tôi trong khi của nả có bao nhiêu đổ dồn cho con gái út.
Chồng tôi là con trưởng nên vợ chồng tôi đương nhiên phải sống cùng các cụ, đó là nguyện vọng và suy nghĩ cứng nhắc của chồng tôi về đạo làm con. Thôi thì tôi chiều ý anh, xưa giờ con cái ở bên bố mẹ già chăm lo cho các cụ là việc hiếu nghĩa nên làm, tôi không phản đối. Tôi đồng ý với anh việc ở chung với bố mẹ vì nghĩ như thế chứ không phải vì anh là con trưởng hay con thứ gì ở đây. Song nhà anh thì luôn cậy vào chữ "trưởng" dồn ép lên vợ chồng tôi đủ thứ trách nhiệm.
Tôi biết trong suy nghĩ, các cụ cho rằng vợ chồng tôi ở chung với các cụ là thèm khoản thừa kế, vì "con trưởng được chia phần hơn", nếu không tử tế, không nghe lời các cụ thì chẳng được gì cả.
Tôi gần 40 tuổi, ngần này rồi không lẽ không tự làm được mà ăn, lại phải trông chờ kế thừa nhà đất của các cụ? Trần đời con cái có ai chờ ai mong cho bố mẹ chết để sớm đến ngày được hưởng gia tài không? Nghe đã thấy vô lý rồi, tôi đâu cần khoản trên trời treo lơ lửng trước mũi kèm với câu hứa hẹn "bao giờ tao chết…" của các cụ cơ chứ. Nói vậy để mọi người hiểu rằng mọi sự nhường nhịn của tôi bây giờ đều xuất phát từ cái tâm, nghĩ mình là phận làm con, nghĩ mình làm quá lên rồi khổ tâm chồng mình, nên cứ nhịn.
Nhưng các cụ quá lắm, gọi tôi đưa tiền từ cái kim sợi chỉ. Tôi rất sợ tính tủn mủn bần tiện của mẹ chồng. Bà ở nhà, có phải bỏ dăm chục nghìn tiền nước ra thì về cũng gọi đến tôi. Đi chợ mua thêm lạng thịt cũng nhắc tôi "con còn thiếu mẹ…". Đấy là tính cách, không phải ông bà không có tiền. Ông bà có một tiệm tạp hóa mở ngay ở nhà, không còn đông khách như xưa nhưng hàng ngày vẫn túc tắc đồng ra đồng vào. Tôi tự lo cơm nước sinh hoạt gia đình nên không đưa ông bà tiền chợ, chỉ biếu thêm ông bà tháng 2 triệu để ông bà thích tiêu gì thì tiêu. Bà hay thích đi mua thêm thức ăn theo ý của mình, nhưng cứ hôm nào bà mua thêm gì vào bữa là về nhắc tôi "con còn thiếu mẹ…". Trong khi đó, ông bà chưa từng mua cho cháu nội một cái gì, bao nhiêu chỉ dồn vào con gái và cháu ngoại.
Sống với tôi việc gì cần đến tiền ông bà cũng gọi tôi, nhưng con út cần tiền mua xe, thêm 200 triệu ông bà cũng cho ngay, thay cho con gái từ cái điện thoại đến bộ dàn karaoke mới. Mà mỗi lần đem tiền cho con gái xong, kiểu gì ông bà cũng nghĩ ra việc gì đó cần làm để bảo vợ chồng tôi góp tiền mà "gỡ" lại.
Vợ chồng cô út ở riêng nhưng cả tuần sang nhà tôi ăn trực, chỉ có cuối tuần hai vợ chồng cô ấy dắt díu nhau đi ăn ngoài, con lại để cho các cụ trông. Trong khi đó, vợ chồng tôi cứ báo cắt cơm ra ngoài ăn là bà lại hằm hằm khó chịu, vì tôi không ăn ở nhà thì không có ai đi chợ nấu cơm, ông bà lại phải tự mua, tự làm.
Người ta bảo muốn sống tốt với nhau phải thực lòng đối đãi từ trong tâm. Trong tâm tôi rất muốn tốt với bố mẹ chồng, gia đình chồng, nhưng sự phân biệt đối xử, "đâm mâm cho thủng" của ông bà đối với con dâu khiến tôi không còn yêu thương nổi. Tôi nói chuyện với chồng về bố mẹ thì anh lại bảo tôi suy tính vụn vặt, đàn bà nghĩ nhiều. Nhưng chỉ những điều nho nhỏ đó thôi tích tụ lại cũng đủ làm sứt mẻ tình cảm trong tôi. Người ta không tốt với mình, lấy đâu mình tốt lại. Đến bao giờ họ mới hiểu lấy một người con dâu về là để con trai mình có người bầu bạn, để gia đình thêm phúc, thêm vui chứ không phải để thêm công cụ đáp ứng những nhu cầu vật chất?
Phản hồi của độc giả Hồng Lâm
Mời bạn tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Chuyện của tôi" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận". Các bình luận thú vị, phù hợp sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Tình yêu - Giới tính. Trân trọng!