Nàng dâu bức xúc vì bị nhà chồng coi như cái ATM
(Dân trí) - Ngoài 30 tuổi tôi mới kết hôn, cũng là khá muộn so với chị em đồng trang lứa. Bù lại, tôi có tài chính vững vàng, thành quả của thanh xuân lao động chăm chỉ và biết quản lý tiền bạc tốt.
Nhà chồng tôi không giàu, so với bên nhà tôi là kém hơn về nhiều mặt. Bố mẹ chồng ngày trước chỉ là người làm công ăn lương trong khi bố mẹ tôi là cán bộ, cũng có vị trí nhất định trong cơ quan nhà nước.
Đến tuổi hưu, bố mẹ chồng tôi đều về nhà vui thú điền viên, hài lòng với số lương hưu ít ỏi trong khi bố mẹ tôi vẫn có thu nhập vì các cụ còn khỏe, còn lao ra ngoài làm thêm.
Tôi thừa hưởng lối sống năng động của bố mẹ đẻ nên luôn vận động không ngừng. Trước khi lấy chồng tôi đã có nhà, có xe, thu nhập nhiều người ao ước. Bù lại, tôi rất bận, khó lòng cáng đáng việc nhà.
Hồi vợ chồng tôi còn mới chỉ vừa yêu bố mẹ chồng đã muốn nhanh nhanh chốt đám cưới. Các cụ không thấy việc tôi bận túi bụi là vấn đề, các cụ còn bảo cơm nước tôi không lo được thì để các cụ lo cho. Có lẽ vì tôi hay thăm hỏi quà cáp cho các cụ, lại sống thảo việc gì cũng sẵn lòng hỗ trợ, nên khi ấy rất được lòng bố mẹ chồng tương lai.
Tôi vừa chân ướt chân ráo về làm dâu là bố mẹ chồng gọi tôi lại ngay trong ngày đầu tiên sau đám cưới, nói chúng tôi ở chung với bố mẹ nên tiền chợ hàng tháng sẽ đưa các cụ vị chi là… 15 triệu. Tôi nghe hơi... sửng sốt vì thú thật chồng tôi đi làm thu nhập mỗi tháng của anh chắc còn chưa được 10 triệu. Chẳng hiểu trước khi lấy vợ chồng tôi có đưa hết tiền lương hàng tháng cho các cụ không, nhưng lấy vợ rồi anh nói sẽ đưa hết tiền cho tôi nên chắc các cụ thấy cần phải bảo tôi đưa nhiều hơn một chút. Thôi thì tôi có thu nhập tốt, tiền đóng góp đưa các cụ 15 triệu mỗi tháng để các cụ lo sinh hoạt gia đình giúp hai vợ chồng tôi nghĩ cũng chấp nhận được. Nên tôi đồng ý.
Nhưng không giống như suy nghĩ của tôi, việc chi tiêu sinh hoạt của mẹ chồng cho gia đình hà tiện hết mức, dù đều đặn đầu tháng nào cũng cầm của tôi 15 triệu.
Ngày nóng đổ mỡ mà bà vẫn không cho chúng tôi dùng điều hòa. Cứ thấy tôi ở nhà mà bật là bà lại chỉ chăm chăm đi rình để tắt. Bà cứ bảo bật làm gì cho tốn điện, "mẹ bật quạt là đã thấy mát lạnh hết cả người". Nhưng trời nóng mà bật quạt hơi nóng phả vào người hầm hập tôi còn thấy mệt hơn.
Vợ chồng tôi ăn ở nhà mỗi ngày chỉ 1 bữa tối, bữa sáng bữa trưa đều ăn ở ngoài và ở chỗ làm, nhưng bữa tối của nhà chồng tôi thật sự không nuốt được. Vào bữa cơm chẳng thấy có gì mà gắp. Tôi không nói quá nhưng đó là thức ăn còn thừa từ buổi trưa, bà tiết kiệm điện, tiết kiệm thời gian nên nấu cơm ngày một bữa ăn hai, đồ ăn bữa trước để dồn sang bữa sau cũng chỉ còn vài miếng lèo tèo không biết phải tả thế nào cho mọi người hiểu nữa.
Chưa dừng lại ở đó, mẹ chồng suốt ngày tỉ tê với tôi chuyện ông bà ốm đau, đi khám mất bao nhiêu tiền, mua một đống thuốc mất thêm bao nhiêu tiền nữa. Ban đầu tôi cảm thấy ái ngại và cũng vì thương bố mẹ chồng nên lại biếu thêm các cụ tiền thuốc, có khi đến vài triệu. Sau việc đau ốm đi khám rồi mua thuốc của các cụ diễn ra thường xuyên quá, hết cụ ông đến cụ bà, tôi thấy mình cứ phải trả tiền như vậy cũng vô lý vì nhà còn có cậu em chồng, nên không đưa tiền cho bà nữa. Từ ấy bà có vẻ không vui.
Tôi sinh con, chính ông bà nói là đừng thuê người giúp việc, không phải con cháu người ta người ta không xót, trông không có tâm đâu, cứ để ông bà trông cho. Tôi lấy làm mừng vui và yên tâm, được ông bà trông cho chắc chắn là nhất.
Tôi bàn với chồng số tiền định thuê người giúp việc nếu không dùng đến thì biếu thêm cho ông bà cũng tốt, để ông bà có đồng ra đồng vào. Tôi tính đưa thêm ông bà 5 triệu, là 20 triệu mỗi tháng tất cả.
Nhưng hết nghỉ sinh tôi đi làm, ông bà cùng ở nhà trông cháu được chưa đến một tháng đã than lên than xuống là mệt quá, ốm quá. Bà bảo tôi cầu kỳ quá, pha sữa cũng phải đúng công thức, nấu cháo còn phải băm thịt băm rau rồi dầu ăn các kiểu, không ninh xương rồi nước ấy mà nấu cả ngày cho nó ăn như ông bà chăm trẻ ngày xưa.
Chiều cứ thấy tôi đi làm về là bà vứt luôn cháu sang cho mẹ, tôi còn chưa kịp tắm, chồng thì chưa về, người bẩn mướt mải mồ hôi ôm con mà trong lòng ấm ức. Đã vậy mẹ chồng tôi còn bóng gió xa xôi với tôi, nhà bà hàng xóm "thuê osin trông cháu 8 triệu đấy!".
Tôi nhiều lần bực dọc nói với chồng, để anh biết ý bảo bố mẹ. Con là con trai các cụ, cháu là cháu các cụ, trong nhà này chắc có tôi "ở nhờ" thôi nhưng đang phải trả chi phí cao quá, lại cứ như đang phải nhận ơn. Chồng tôi hiền lành khù khờ, ngại bố mẹ phật lòng nên không nói, nên mẹ chồng vẫn luôn nghĩ đủ cớ để đòi tiền tôi. Gần đây nhất bà lại bảo tôi, chú út đi làm bây giờ khó khăn lắm, đang tính bỏ việc xoay xở làm riêng, thiếu ít vốn, "anh chị có thì giúp cho nó 200 triệu, dù sao đấy cũng là trách nhiệm của anh chị, chứ bố mẹ già rồi…".
Tôi nghe mà bực cả mình. Tôi dù có tiền cũng là từ lao động đổ mồ hôi sôi nước mắt mà có, tại sao tiền của tôi phải chuyển cho chú út "làm ăn" chỉ vì chú ấy nghèo hơn, khổ hơn tôi? Ở đời, thành quả của ai người ấy hưởng, lo cho chú ấy đâu phải trách nhiệm của vợ chồng tôi!
Tôi có nên đối mặt với mẹ chồng để thẳng thắn nói rõ quan điểm của mình không khi chồng tôi chẳng hề có ý định đứng ra nói với bố mẹ về chuyện này? Tiền nong nói đến sợ lại xích mích trong gia đình, nhưng không nói đến thì tình cảm của tôi với nhà chồng rồi cũng chẳng còn nữa mất thôi.