Nàng dâu bất mãn khi phải nuôi mẹ chồng: "Cháu cũng làm mẹ, rồi mai này cháu cũng sẽ già"
(Dân trí) - "... Đừng đợi đến khi đó chỉ để hiểu rằng nỗi đau lớn nhất của người làm cha mẹ là bị con cái bỏ rơi lúc tuổi xế chiều. Cả cuộc đời cha mẹ đã dành hết yêu thương, sức lực để nuôi dạy con cái, cuối cùng khi sức tàn lực kiệt lại bị chính con mình hắt hủi, chẳng phải đau lòng lắm sao?".
Xem qua câu chuyện của cháu, tự nhiên tôi cảm thấy tâm trạng mình rất tệ, cảm thấy có chút buồn chán. Có lẽ vì tôi cũng làm mẹ và tôi hiểu được nỗi khổ của một người già rồi nhưng không thể tìm được niềm vui nơi cháu con như mẹ chồng của cháu.
Nếu nói về công bằng, tôi cũng không biết với cháu như thế nào là công bằng. Mẹ chồng cháu chỉ có một căn nhà nhỏ, công bằng thì có lẽ là phải bán mảnh đất và ngôi nhà đó đi, số tiền có được chia ba, mẹ một phần, anh chị một phần và vợ chồng cháu một phần. Sáu đó mẹ chồng cháu luân phiên ở hết nhà con cả đến con út? Hay công bằng là anh chị cả nhận được phần nhà thì phải nuôi mẹ đến khi chết, còn mẹ chồng cháu dù sống khổ sở với con cả thì cũng cắn răng mà chịu, còn vợ chồng cháu vì không được mẹ cho chút tiền của đất đai nào nên có thể cả đời sống vô trách nhiệm với mẹ?
Thôi thì tôi không bàn đến sự công bằng nữa, vì công bằng có thể là với người này nhưng không đúng với người kia. Tôi chỉ có đôi lời với cương vị, với cách nhìn của một người mẹ. Ngay từ đầu mẹ chồng cháu chắc cũng đoán rằng chẳng có đứa con nào muốn tận hiếu với mình nên mới đem căn nhà ra làm điều kiện chăm sóc. Chỉ có điều chị dâu cháu bạc bẽo quá, anh cả cháu chắc nhu nhược không chính kiến, còn mẹ chồng cháu có thể là quá hiền.
Cháu nói đúng, mẹ chồng cháu hoàn toàn có quyền đuổi con dâu ra khỏi nhà chứ không phải tự mình rời khỏi nhà. Nhưng cháu ạ, mẹ nào cũng thương con, ngay cả lúc đời mình cơ cực khốn cùng nhất. Và vì mẹ cháu nghĩ mẹ vẫn còn các cháu. Có thể mẹ cháu tin không phải đứa con nào cũng tệ bạc.
Người ta vẫn nói “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”, huống hồ gì khó khăn vợ chồng cháu đã vượt qua rồi. Ngôi nhà do vợ chồng cháu nhọc công tích cóp xây dựng nên chắc càng trở nên có ý nghĩa. Cháu không thể vì ngày xưa mẹ chồng không có tài sản cho mình mà nay đuổi xua hắt hủi. Không cần biết ai đúng ai sai, không cần biết ai tham lam, ai ích kỉ. Điều cần biết nhất, đó là mẹ chồng cháu cần các cháu lúc này. Chồng cháu dĩ nhiên không thể không chăm sóc mẹ. Và cháu không thể không chăm sóc mẹ. Đó là đạo làm con, là đạo làm người.
Cháu gái ạ, tôi cũng có hai đứa con trai, chúng đều lập gia đình cả rồi. Tôi cũng chẳng có tài sản gì cho con khi chúng lập gia đình và ra ở riêng cả. Hai đứa con tôi học hành xong, đi làm, tự kiếm tiền mua nhà cửa, còn tôi sống một mình dù đứa nào cũng muốn đón tôi ở chung cho tiện chăm sóc. Chúng sợ người đời xì xào bàn tán rằng có hai thằng con trai mà mẹ phải thui thủi một mình. Vì tôi muốn sống thoải mái, và tôi biết hai cô con dâu của tôi không muốn sống chung với mẹ chồng, dù tôi cực kì dễ sống. Tôi bảo giờ mẹ còn khỏe, còn tự lo cho mình được, khi nào mẹ già cả ốm yếu, chắc chắn sẽ phiền đến các con.
Nói thật với cháu, tôi không bao giờ nghĩ mình sinh con ra, nuôi dạy con lớn khôn để sau này nhờ cậy. Và tôi tin hết thảy cha mẹ trên đời đều không phải chăm sóc con chỉ để mong khi về già được nhờ cậy. Nhưng quy luật cuộc đời là thế, “trẻ cậy cha, già cậy con”, dù muốn cũng không tránh được.
Mẹ chồng cháu già rồi, người già thì như chuối chín cây không biết khi nào rụng. Chúng ta là con người, đừng lúc nào cũng cứ chăm chăm phân tích rạch ròi mọi thứ mà quên đi cái nghĩa cái tình. Cháu cũng là phụ nữ, cháu cũng đã làm mẹ, rồi mai này cháu cũng phải già đi. Và biết đâu đấy khi về già cháu cũng phải nương nhờ con cái. Đừng đợi đến khi đó chỉ để hiểu rằng nỗi đau lớn nhất của người làm cha mẹ là bị con cái bỏ rơi lúc tuổi xế chiều. Cả cuộc đời cha mẹ đã dành hết yêu thương, sức lực để nuôi dạy con cái, cuối cùng khi sức tàn lực kiệt lại bị chính con mình hắt hủi, chẳng phải đau lòng lắm sao?
Phản hồi của độc giả Nguyễn Thị Yên
Mời bạn tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Chuyện của tôi" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận". Các bình luận thú vị, có giá trị sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Tình yêu - Giới tính và nhận nhuận bút từ Tòa soạn. Trân trọng!