Năm nay chưa cưới - Xin đừng hỏi nhiều

Và để trả lời một câu hỏi khó cách tốt nhất là mày hỏi văn lại người ta". Nó hỏi: "Vặn sao?". Và tui chỉ nó ngắn gọn câu hỏi vặn là: "Vậy anh/chị chừng nào li dị?"

Lại chuyện lấy chồng, vừa gặp cái sự này: Có con bạn ba mấy đang bức xúc việc cứ bị mọi người hỏi: "Khi nào lấy chồng?", rồi lại còn bị mọi người bàn ra tán vào vụ sao chưa lấy chồng.

Chuyện của nó kể ra cũng giống như nỗi phiền toái thường ngày mà bao cô ba mươi chưa chồng thường gặp phải ở Việt Nam: Sau câu hỏi khi nào lấy chồng là sẽ có thêm một loạt lời bàn.

Hỏi vẻ quan tâm nhưng thực ra đầy vô cảm thì có những câu như: "Lấy đi chứ ba mươi rồi". Khiếm nhã thì có những câu như: "Cưới đi không hết tuổi đẻ!”. Mà có khi thô lỗ không thể tả nổi là: "Lấy chồng đi chứ không thì hết mẹ nó trứng". Hiếm hoi lắm mới gặp một câu kiểu hơi chia sẻ: "Cưới đi đừng kén nữa". Còn kiểu này thì cực hiếm: "Ừ, thôi đừng lấy chồng, mệt lắm, cứ vậy đi cho tươi". Thân thiết nói vậy để kiếm chuyện giỡn ghẹo thì còn đỡ, nhưng không thân mà xổ ra cả sàng như thế thì quá khó chịu!


Chiếc áo đang gây sốc trên mạng những ngày cuối năm.

Chiếc áo đang gây sốc trên mạng những ngày cuối năm.

Con bạn, để khỏi bị người ta hỏi, bèn đi kiếm cái nhẫn đeo vô ngón áp út. Tội!

Nó điệu chảy nước, mềm yếu chảy đá, nhõng nhẽo thì chèm nhẹp... như sứa đang phơi nắng. Nó không phải kiểu người chơi hợp với tui, nhưng riết rồi nó thân với tui chỉ vì trong thế giới này nó thấy hình như chỉ có tui hiểu hết nỗi lòng nó trong cái vụ tình duyên lận đận, hôn nhân muộn màng, hay cái nỗi vì sao nó ngại về quê thăm cha mẹ, ngại đi đám cưới bạn bè, họ hàng. Tội, nó nhạy cảm, nên dễ tổn thương, chứ không phải dạng thiên hạ đệ nhất bơ bơ, bỏ ngoài tai mọi đàm tiếu như tui.

Giờ, trong một ngày cuối năm trước khi về quê ăn tết, nó kêu tui ra cà phê xong lại tuôn trào thắc mắc, rằng tại sao mọi người cứ phải hỏi nó cái câu khó trả lời kia và hối thúc nó bằng đủ lời khó chịu. Rằng tại sao mọi người không tự hiểu đằng sau mọi sự muộn màng có những đổ vỡ để lại trong tim nó nhiều nỗi đau, có những sóng gió hôn nhân của đời cha, đời má nó khiến nó lo sợ lặp lại ở đời nó. Rồi nó trách tại sao mọi người không hiểu sự hối thúc vô tâm ấy của họ có thể đẩy nó đến cảnh lấy vội một ông chồng để rồi ân hận cả đời. Rồi nó thắc mắc: “Người Việt Nam vô tâm quá!

Hơ! Trách cứ gì nặng nề quá! Tui không trả lời nổi. Tui mới "19 tuổi", ham chơi, hoàn cảnh không như nó nên không trả lời nổi bi nhiêu đó câu hỏi của nó.

Nhưng từ sự than vãn của nó tui bỗng ngộ ra là khi chơi với bạn bè quốc tế, ít khi nào tui và nó gặp phải những câu hỏi và những lời bàn tàn nhẫn kể trên. Cuối năm ngoái, mẹ của một chú em người Pháp gặp tui, hỏi han xong thì bảo: “Con vẫn đang kén chọn hả? Cứ thong thả con nhé”. Hội nước ngoài lúc mới gặp cũng hỏi có gia đình chưa, nhưng không hỏi lúc nào cưới, mà thường nói những câu đầy chia sẻ hơn. Kiểu như là: "Tận hưởng cuộc sống đi", “Xinh như mày thì cứ thong thả chọn lựa!”, “Ừ, đừng lo. Cả thế giới giờ như thế!”. Vài anh sau khi biết đương sự chưa có gia đình thì lao vô tán ngay. Dễ thương ghê!

Nhưng không lẽ kêu con nhỏ kia bỏ xứ ra đi để khỏi phải đối mặt với những câu hỏi chồng con. Tui không muốn nó đi, vì nó thường dẫn tui đến những quán cà phê đẹp nhất Đông Đương, mắc nhất Sài Gòn, mà chẳng bao giờ để tui phải trả tiền. Nên trong một nỗ lực giữ nó lại xứ tàn nhẫn này, tui dù 19 tuổi, nhưng EQ cao tinh tế, cuối cùng đã cũng tư vấn cho nó được một câu như vầy: "Người ta hỏi là quyền của người ta. Trả lời hay không mới là quyền của mày. Và để trả lời một câu hỏi khó cách tốt nhất là mày hỏi văn lại người ta". Nó hỏi: "Vặn sao?". Và tui chỉ nó ngắn gọn câu hỏi vặn là: "Vậy anh/chị chừng nào li dị?"

Nó đang ướt ướt nước mắt trên mi, phá lên cười há há: "Ế, cách này hay! Người ta thô lỗ với kao. Kao phải thô lỗ lại mới được".

Nó đã tháo cái nhẫn cưới giả ra sau cuộc cà phê. Bữa nay nó hăm hở về quê ăn tết. Còn tui ở Sài Gòn, tự nhiên lo. Đầu năm đầu tháng mà nó hỏi xui, chắc bị ăn chửi quá.

Nhắn tin cho nó biểu: “Ê nhỏ, đợi qua tết đi rồi xài chiêu này, được hôn! Đầu năm đầu tháng đừng nói chuyện gở!”

Nó, chắc đang ngồi trên xe đò, ngang tàng nhắn lại: “Người ta không để ý đến cảm xúc của tui, sao tui phải để ý đến cảm xúc của người ta. Tui kệ!”.

Chết cha hôn, tết này nhiều người dính đạn nà nha!

Lo ghê!

Theo Mai Mai Hương
Pháp luật TPHCM

Năm nay chưa cưới - Xin đừng hỏi nhiều - 2