Muôn mặt “của hồi môn”

(Dân trí) - Dù ít, dù nhiều, món quà bố mẹ cho cô dâu trước khi về nhà chồng cũng đã trở thành một phần không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi. Nhưng giữa cuộc sống hiện đại, chuyện không còn đơn giản khi người ta mang giá trị cao thấp của nó ra “treo” như một món hời nhằm “kén rể”.

Với nhan sắc “dưới mức trung bình”, Loan lại đem lòng thích anh bạn dạy cùng trường. Tuy là dân tỉnh lẻ, nhưng Hùng được khá nhiều cô trong trường, kể cả các em sinh viên để mắt tới.

 

Hùng giỏi, đẹp, cuốn hút và ga lăng nhưng vẫn sớm tối đi về căn gác trọ với mức lương “ba cọc ba đồng”. Vì vậy sau một thời gian ngắn quen biết với của hồi môn được “treo” là một căn hộ chung cư, hai người đã nên vợ nên chồng. 

 

Khác với Loan, Linh là một cô gái ít nhiều có nhan sắc, ưa nhìn, nhưng những năm tháng đẹp nhất của tuổi thanh xuân, cô miệt mài theo đuổi tham vọng về công việc và sự nghiệp mà quên đi cả hạnh phúc riêng tư.

 

Đến lúc nghoảnh đầu nhìn lại thì đã ngấp nghé tuổi 30. Sở hữu một ngôi nhà riêng, một chiếc xe ô tô và mức lương được nhiều chàng mơ ước, điều Linh mong muốn nhất bây giờ chỉ là tìm được một bờ vai để nương tựa. Và tất cả những gì cô có được “treo” làm của hồi môn khi cô về nhà chồng. 

 

Xem ra, của hồi môn cũng không phải là vấn đề của riêng nhà trai khi “thách cưới” mà đã trở thành một “giải thưởng” được cả nhà gái “treo” để con gái lấy chồng.

 

Của hồi môn “treo” nhiều hay ít phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nó có thể tỷ lệ nghịch với nhan sắc của mỗi cô gái. Câu nói đùa lấy vợ phải lấy những cô “nhà mặt phố, bố làm to” có vẻ như không còn là nói đùa mà đã trở thành một tiêu chí được người ta cân nhắc. 

 

Nói về độ da dạng và “chất lượng” của món hồi môn thì cũng lắm chuyện cần bàn. Khong còn đơn thuần là những món đồ trang sức quý gia truyền, không còn là đồ dùng thông thường như bát đĩa, chăn mền, nói đến “hồi môn” bây giờ người ta khoe “ét hát, đai lần”, ô tô, nhà riêng, tài khoản ngân hàng lớn…

 

Bên cạnh những thứ có thể cầm  nắm, sờ  mó được như thế, người ta còn thấy dạng treo của hồi môn vô hình như “nếu làm rể nhà em, bố mẹ sẽ xin cho anh vào làm ban này, bộ nọ hay anh sẽ được thăng chức, cất nhắc.v.v.

 

“Treo” của hồi môn xuất phát từ việc lo lắng của bố mẹ cho con cái hoặc đôi khi là chính từ mong mỏi của người con gái. Vẫn biết rằng trong quan hệ hôn nhân, chuyện tình cảm là điều quan trọng nhất nhưng không thể phủ nhận sức hút của của hồi môn.

 

Tiến tới hôn nhân với những món hời “kếch xù” có thể là chuyện dễ, song vun vén, giữ ấm cho hạnh phúc sau hôn nhân mới là điều khó và đòi hỏi người ta suy ngẫm.

 

Hải Yến