Mùa trung thu trong ký ức

(Dân trí) - Một mùa Tết trung thu nữa lại sắp về. Những ngày này, ra đường đã lác đác thấy các xe đạp rong chở những hồng ngâm, hồng đỏ, bưởi, các quầy sạp bày bán bánh trung thu. Lòng lại bồi hồi, nhớ về một tuổi thơ năm nào cũng háo hức đón chờ rằm tháng Tám.


Mùa trung thu trong ký ức



Thủa ấy, phố xá chưa rộn rịp như bây giờ. Nhà ở ngay gần Hàng Mã, cứ đến trung thu bố mẹ lại cho hai anh em tôi ra khu “phố tuổi thơ” ấy chơi. Tôi gọi nó như vậy vì phố có quá ư là nhiều đồ chơi bắt mắt, mọi đứa trẻ đều ao ước được tới đây, vắt vẻo trên vai bố mẹ cõng đi một vòng mà như mê cung, giữa đông đúc người chen chân là các sạp hàng nối đuôi nhau thẳng tắp, với cơ man nào là đèn ông sao, đèn ông sư, mũ công chúa, mặt nạ đủ hình thù, súng bắn phun nước, bộ ly tách ấm chén tí xíu nhiều màu sắc bằng thủy tinh, đồ hàng có đủ nồi niêu xoong chảo, bát đĩa và bếp, cờ, trống… món nào cũng long lanh dưới ánh đèn vàng toát ra từ chiếc bóng be bé vắt vẻo trên dây điện kéo từ nhà ra sân đến lòng nhòng.

Thường thì tôi sẽ thèm những đồ vật nhỏ xíu bằng thủy tinh long lanh đến nhỏ dãi, nhưng sau đó sẽ hài lòng nếu món quà được bố mẹ tặng chỉ là mũ công chúa bằng bìa giấy hay một chiếc đèn ông sao. Thời ấy nhà ai cũng nghèo, chẳng dư dả gì nên không thể xa xỉ hơn. Tôi vẫn cực kỳ mãn nguyện nếu sau buổi dạo chơi phố Hàng Mã về có đèn ông sao hay đèn ông sư kéo đi khắp xóm khoe khoang cùng lũ trẻ.

Đến đúng hôm rằm, anh em tôi và nhiều đứa trẻ khác trong xóm chạy sang nhà thằng Tèo chơi buổi tối. Phải ăn cơm từ sớm và thay quần áo đẹp. Nói là quần áo đẹp cho sang chứ thực ra bộ “ngon” nhất của tôi chỉ là cái váy hoa màu hồng dì tôi gửi từ tít tận miền Nam ra cho, hàng “luộc” lại của đứa em họ tôi, vì nó to con quá nên mặc không vừa nữa.

Nhà thằng Tèo xây hai tầng, lại có cả sân thượng, rộng và thoáng, lồng lộng sáng trăng. Bố mẹ nó chuẩn bị cho lũ trẻ chúng tôi một mâm cỗ ngồi ngắm trăng, ngoài ra mỗi đứa khi sang sẽ được bố mẹ cho cầm theo một món, đứa thì cái bánh dẻo, đứa thì cánh bánh nướng, quả bưởi hay mấy quả hồng... Chúng tôi góp cỗ rồi cùng “phá”. Cuộc phá cỗ nào cũng vui, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh thằng Hưng cu teo cười nhe răng sún… Bây giờ răng nó chẳng sún nữa rồi, nhưng nó định cư ở nước ngoài lâu lâu mới về nên tôi nhớ nó nhất.

Sau khi đã ăn hết quả bưởi, nghe xong câu chuyện năm nào bố mẹ thằng Tèo cũng kể về sự tích chú Cuội, chị Hằng, lũ trẻ con bắt đầu gom hạt bưởi, xâu lại vào mẩu dây kim loại chẳng nhớ là thép hay đồng. Hì hụi cắm đau cả tay mà đứa nào cũng mắm môi mắm lợi muốn làm cho bằng được. Tràng hạt bưởi xâu xong, chúng tôi kéo nhau đem ra… đốt. Nó nổ lách tách mà tỏa ra cái thứ mùi vừa thơm vừa khét rất đặc trưng của trung thu. Bây giờ đã lớn chẳng chơi được trò này, cũng không có thời gian và điều kiện hướng dẫn các con chơi, vắng mùi vừa khét vừa thơm của tinh dầu bưởi, trung thu như cũng thiếu bớt đi một hương vị nào đó.

Trung thu năm nay nhìn lại, sau bao nhiêu năm những đứa trẻ ngày xưa đều đã trưởng thành. Tôi đã có hai con, con bé lớn cũng suốt ngày háo hức hỏi mẹ sắp đến trung thu chưa, nó còn “đặt hàng” mẹ mua cho đồ chơi luôn từ bây giờ nữa ấy. Nhưng đồ chơi nó ao ước chỉ là những món ngoại nhập đắt tiền, nó không biết và chẳng hứng thú với đồ chơi dân gian. Có lẽ bọn trẻ ngày nay thiệt thòi hơn nhiều vì những trải nghiệm lý thú về trung thu như ngắm trăng, phá cỗ, chơi hạt bưởi, đi rước đèn khắp xóm như xưa chẳng bao giờ tìm thấy nữa.

Huyền Anh