Góc tâm hồn

Mưa hát trên sông

(Dân trí) - Mưa. Tiếng gõ vào ván thuyền cứ đều đều mong cho cá tôm mắc lưới, tiếng trẻ con sợ sấm sét khóc ré lên trong mui thuyền. Ở đôi bờ sông, hoa bắp vẫn lay lắt trong cơn mưa tầm tã.

 
Mưa hát trên sông - 1

Xóm vạn đò trên dòng sông Hiếu (Ảnh: Yên Mã Sơn)

Sau bao biến đổi bể dâu của đất trời mà xóm chài lưới trên sông Hiếu vẫn không làm nổi một cuộc “thiên di” là thoát khỏi chiếc thuyền câu chật hẹp để lên bờ. Đã nhiều đời lắm rồi, con sông này vẫn chở nặng bao nỗi truân chuyên. Họ gọi người dân sống trên khúc sông này là dân xóm Nôốc (phương ngữ của người Quảng Trị gọi chiếc thuyền là chiếc nôốc), chỉ nhóm người không có miếng đất để cắm dùi, quanh năm lênh đênh trên sông nước. Cả gia đình 5, 7 người chen nhau trong chiếc thuyền chài nhỏ nhoi. Thức ăn lấy từ lòng sông, gạo cũng có từ lòng sông. Và ngay cả những thứ dơ bẩn của con người cũng được phóng xuống lòng sông.

 

Cứ mỗi buổi sáng thật sớm, tất cả các thuyền đều ghé vào bờ, áp sát chợ để đưa cá tôm ra bán. Những con cá ngon được bán đi để đổi gạo và các thứ khác, các loài cá bé được kho lui kho tới dài ngày dùng làm thức ăn chính cho mỗi bữa cơm. Có hôm những đứa trẻ theo mẹ lên chợ bán cá cứ chỉ tay về phía hàng thịt heo. Đó là thứ mà chúng muốn ăn thay vì chỉ cá và cá quanh năm suốt tháng. Mẹ biết con thèm, biết rồi để đau lòng cho cái nghèo cái khổ.

 

Mỗi lần thuyền ghé bờ, người đàn ông có hai cánh tay đen sạm vì nắng và khuôn mặt còn ngái ngủ thường xách cái bình ắc-quy lên bờ, sau đó hai đứa con bé tý mỗi đứa mỗi đầu bình mang về phía chợ, nơi có ông thợ chuyên sạc bình điện. Cái bình này là năng lượng để xem ti vi, thứ giải trí duy nhất mà chiếc thuyền chài có được ngoài chiếc cat-set chuyên bị nghẹt tiếng vì băng quấn. Tội nhất vẫn là những đứa trẻ đi chân trần cứ bám theo áo mẹ, mắt nhắm mắt mở, cứ đinh ninh đi theo mẹ, bán xong cá thế nào cũng có được cái bánh đúc đặt trong ngọn lá chuối. Nhưng thay vì chiếc kẹo chanh ngọt ngọt, miếng bánh đúc thì chúng lại chọn những con tò he bằng bột nặn lên xanh đỏ trông bắt mắt. Đem về thuyền, chơi chán rồi lại đem ra nướng cho nóng rồi ngồi nhai.

 

Mẹ tôi bán gạo ở chợ, cứ vài hôm một lần lại có người dưới xóm Nôốc lên vay gạo. Bảo cứ mua rồi sáng mai đưa cá lên đổi. Cứ thế người này vay được thì người kia vay được, quán mẹ tôi trở thành nơi đổi gạo và cá tươi. Mẹ bảo xóm vạn đò cực lắm, mùa đông cá tôm hiếm, mùa hè thì nhờ vào sự may mắn, miếng ăn nhờ trời nhờ Phật, bấp bênh bữa được bữa mất. Không bán chịu cho họ không đành.

 

Con cái những chiếc thuyền chài này lớn lên, dựng vợ gả chồng nhưng được mấy người thoát khỏi chiếc thuyền chài? Hầu hết được cha mẹ đóng cho chiếc thuyền mới, ra ở riêng tự lập bằng vạt lưới, hai chiếc chèo và một cây sào chèo chống trong sóng gió của cuộc đời. Những đứa trẻ xóm Nôốc thất học, nhếch nhác, áo không đủ ấm thường chèo ghe lên bờ khi có cái đám cưới. Chúng trầm trồ nhìn cô dâu, chỉ trỏ cười khì khi thấy chú rể, chế giễu ai đó có cái miệng đầy son đỏ thắm, đôi mắt xanh xanh và má trắng vì phấn. Chúng hé bức rèm che chắn bữa tiệc để nhìn, để ước mơ và thi thoảng chúng lại ngả tay: “Chú, chú… cho cháu ổ mì”. Rồi một ai đó chìa ra vài ổ mì, món thường thừa trong mọi bữa tiệc, cả đám trẻ sẽ chạy đến giật vội rồi xé cho nhau nhai ngấu nghiến.

Sông Hiếu có những chiều mưa, bên quán cóc ven sông của thành phố nhìn ra, những chiếc thuyền chài mờ dần trong một màu bàng bạc. Nước từ thượng nguồn về đỏ quạch cuốn theo bao trầm tích của núi rừng. Trên sông, những chiếc ghe nhỏ ra vớt củi rều để đốt. Từng phận người dưới cơn thịnh nộ của đất trời sao mong manh. Xóm Nôốc mưa thật buồn, những chiếc thuyền khép mui lại kẻo mưa tạt cứ lác lư, chao đảo quanh cây sào cô quạnh làm sao.

 

Từ trong mui thuyền có vài đôi mắt nhìn xa xăm. Một ngày mưa sắp khép lại bằng ngọn đèn dầu của thuyền ai thắp sớm. Tiếng ván thuyền lại đập đuổi cá dập dìu. Nghe qua như mưa hát.

 

Yên Mã Sơn