Mùa cua bấy rang tương…

(Dân trí) - Lúc cái nắng tháng sáu đổ lửa trên cánh đồng mênh mang nước lụt là lúc bà cháu tôi vào mùa.

Mỗi buổi trưa khi trời đất oi ngột nhất đến độ trong nhà cởi trần quạt phành phạch mà mồ hôi vẫn tuôn ra như tắm thì bà cháu tôi đội nón ra đồng. Bà mặc chiếc áo trắng nhuộm thâm bạc thếch, chiếc quần lụa đen quăn hết gấu. Ngày ấy, tôi gày nhom, người quắt lại trông khắc khổ như ông cụ non. Tôi chỉ mặc cái quần đùi buộc túm bằng đoạn dây chuối giựt vội dọc đường và đội cái mũ nan bị con chó micki gặm mất một góc. Chỉ có vậy, hai bà cháu tất tưởi ra đồng nhặt cua.

Cua không nằm nổi dưới nước dễ đến năm, sáu mươi độ. Tôi đi chân đất trên bờ cỏ chẳng may bước hụt xuống ruộng lúa còn giật nảy mình nhảy tâng tâng. Nhưng càng nắng càng hay. Lũ cua bấu lóp ngóp trên các ngọn lúa còn lác đác nhô khỏi mặt nước hay cong mình bám vào ngọn cỏ kim bươn dài khắp mặt máng nước.

Có những con liều lĩnh bò hẳn trên bờ, nép mình dưới đám cỏ khoan khoái. Vì thế hai bà cháu tôi chỉ việc nhúp chúng cho vào giỏ. Khi đã đầy túi, mà cua còn nhiều quá, tôi vơ cả nắm đem buộc túm vào vành quần.

Có buổi trưa hai bà cháu bắt được cả mấy cân cua nhưng hôm nào may mắn mới được đôi chục con cua bấy. Bà xuýt xoa: “Cua này rang lên thì ngon hơn cả giò lụa ấy chứ!”. Mà đúng thật, bây giờ chỉ có trong mơ tôi mới lại được thấy những con cua vàng xộm nước tương bà ủ bày trên chiếc đĩa da lươn.


Cánh đồng mùa nước lụt để lại nhiều kỷ niệm thời thơ ấu.

Cánh đồng mùa nước lụt để lại nhiều kỷ niệm thời thơ ấu.

Mỗi một con cua trong vòng đời của mình đều phải trải qua những lần lột xác. Sau mỗi lần lột xác ấy, lớp vỏ bọc bao ngoài của nó chưa thể cứng lại được như cũ. Con cua rất yếu, đi lại chậm chạp và đặc biệt người chúng mềm như nhung vậy. Ở quê tôi đó gọi là cua bấy. Bắt cua bấy cực khó bởi chỉ sơ ý chạm mạnh một chút, lớp vỏ cua sẽ rách ngay và mạnh tay hơn chút nữa nó sẽ nát vụn.

Khi đã lựa chọn cẩn thận đám cua bấy, bà gượng nhẹ đặt chúng vào trong cái thùng tôn, thả dăm cây bèo tây đậy lại. Chiều tối, khi chuẩn bị làm, bà nhặt chúng ra, đem ngâm nước chừng mươi phút. Con cua rất mềm nên ta không rửa được bùn đất bám trong mình nó mà phải rửa bằng cách để tự nó rửa mình khi bò trong nước. Bà cẩn trọng nhúp từng con cua vặt sạch đám chân chỉ để lại càng cua, nếu có.

Lúc ấy, tôi xăng xái chạy xuống khu vườn dưới vặt cho bà một nắm lá lốt to. Lũ cua bị vặt hết chân gọn ghẽ như khoanh giò lụa cắt nhỏ. Bà khoắng đều chum tương tự ủ ở góc sân, gạn múc một bát vàng ươm. Đợi tôi mang lá lốt vào, bà bắc chảo lên chuẩn bị. Khi mỡ đã nóng ròn trên chảo, bà đổ đĩa cua đảo nhanh đến độ vàng xém cạnh.

Cứ thế, bà rải đều lượt tương khắp chảo. Khoảng năm phút sau, sữa cua đông lại ngấm tương vừa vặn, bà với nắm lá lốt vặt làm ba thả vào chảo đảo đều. Con cua bấy quyện tương bọc trong miếng lá lốt nhỏ cắn ngập răng có vị ngọt bùi của phù sa, vị cay cay của giọt mồ hôi bà đổ xuống và vị mằn mặn của tàn lá tre lúc bà đun bếp. Thả miếng cua rang vào miệng, đầu lưỡi tôi tê tê ngây ngất.

Hôm giờ về quê, tản bộ ra đầu làng thấy thành lũy tre xanh biến mất từ bao giờ. Nhà ai cũng tường bao xây gạch tăm tắp. Con máng chạy dài ngoằn ngoèo ngày xưa cũng đã bê tông hóa, nước chảy trong veo. Không còn lũ trẻ con tranh nhau ào đi quét lá tre, những chú rô ta, những đàn xí cờ dưới ao bèo và lũ cua bấy nữa.

Nguyễn Anh Thế