Mộng đổi đời và cái giá phải trả khi đời “được” đổi

Choáng ngợp trước số tiền mình sẽ có mà việc thì nhẹ như sau buổi kéo lưới được nằm phơi mình trên sạp thuyền nghe sóng ru, nghe gió hát và mơn man xoa dịu trên da thịt mình nên tôi gật đầu ưng thuận ngay.


Ảnh minh hoạ: Internet

Ảnh minh hoạ: Internet

20 tuổi, tôi tự hào mình là chàng trai nổi trội trong làng chài ven biển này. To cao, vạm vỡ, nước da nâu bóng, vùng ngực nổi cuộn như muốn bứt tung cả áo mỗi lần tôi rướn mình kéo lưới cùng cha. Tính tình xởi lởi, ăn sóng, nói gió bộc trực, thật thà nên nhiều gia đình có con gái tuổi cập kề cứ xa gần dặn cha mẹ tôi để dành tôi cho nhà họ.

Nghỉ học từ năm 15 tuổi, đi biển với cha từ bấy cho đến nay được cha kèm cặp, dìu dắt tôi lớn khôn, trưởng thành rất nhiều. Không ít lần tôi nghe cha tâm sự với mẹ rằng cha hoàn toàn yên tâm trao con thuyền cho tôi nếu cha vì một lý do nào đó mà không đi biển nữa.

Vậy nhưng cuối cùng không phải cha bỏ nghề chài lưới mà chính tôi, đứa con trai sức dài, vai rộng, đứa con trai mà cha mẹ đặt hết niềm tin, đặt hết hi vọng đã bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ quê hương, bỏ chèo, bỏ lái đi ra thành phố để tìm cơ hội đổi đời như một vài tấm gương bạn bè đã rời làng trước đó.

Thành phố phồn hoa với hàng ngàn, hàng vạn vạn nhà cao tầng, ánh đèn màu nhấp nháy như mời gọi đã nuốt gọn tôi, một chàng trai biển ngơ ngác, lạc lõng như nuốt gọn một chiếc lá bé tẹo rơi vào vòng xoáy của con sóng ngoài khơi.

Thế rồi chiếc lá nhỏ nhoi là tôi cũng tấp được vào bờ nhờ lọt vào mắt xanh của bà chủ quán cầm đồ trạc ngoài 40 tuổi. Không hiểu bà có con mắt tinh đời đến mức nào mà giữa một biển người đi như mắc cửi trên phố bà ta lại biết được tôi là đối tượng quê mùa đang cần việc làm kiếm sống.

Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được một người đàn bà phốp pháp, ăn mặc đỏm dáng, son phấn bự mặt, nước hoa thơm điếc mũi đặt bàn tay mát rượi vịn lên vai, rồi cũng bàn tay ma lực ấy kéo tôi vào nhà trong thủ thỉ vào tai tôi mức lương hàng tháng và công việc tôi cần làm cùng nơi ở bà ta dành cho người làm thuê như tôi...

Choáng ngợp trước số tiền mình sẽ có mà việc thì nhẹ như sau buổi kéo lưới được nằm phơi mình trên sạp thuyền nghe sóng ru, nghe gió hát và mơn man xoa dịu trên da thịt mình nên tôi gật đầu ưng thuận ngay.

Vậy là mộng đổi đời của tôi đã thành hiện thực, hàng ngày tôi chỉ có việc sắp xếp những món hàng khách mang đến cầm cho bà chủ, rồi khi cần thì theo vài anh có vẻ mặt bặm trợn, xăm trổ chằng chịt đến nhà ai đó để đòi tiền cho bà chủ.

Làm cho bà chủ được hơn hai tháng, túi tôi đã rủng rỉnh tiền, tôi đã biết sắm quần áo, giày dép cho ra người thành phố. Thỉnh thoảng bà chủ lại "ban" cho tôi một cái nhìn ý nhị cùng sự đụng chạm, vuốt ve đầy cố tình khiến tôi khó kìm chế. Và rồi cái gì đến phải đến, trong một tối muộn, bà chủ đã chủ động dẫn dắt tôi vào mê cung mộng mị...

Ban ngày tôi là người làm thuê, ban đêm tôi là người tình mẫn cán cho bà chủ, tiền bà cho tôi không thiếu, nhưng sức lực tôi bỏ ra cung phụng cho bà mỗi đêm khiến tôi mệt mỏi.

Thế rồi cách đây một tháng, tôi thấy người bất an, sốt cao liên tục, đi tiểu buốt lẫn cả máu nên phải xin bà chủ nghỉ việc để đi khám. Bà chủ biết tôi mắc bệnh xã hội là do đâu nhưng để giữ thể diện, bà lu loa rằng tôi sa đoạ, đi với gái làng chơi nên bà sai người đuổi tôi ra khỏi cửa một cách không thương tiếc. Con đường trở về làng chài chập chờn hiện ra trước mắt nhưng tôi sợ...

Theo Thái Hà
Tiền Phong