Mỗi năm một dịp nghẹn ngào

(Dân trí) - Với cái đầu óc bộn bề và thực tế của tôi, thì tôi không thích tết. Tưởng tượng xem, công việc bù đầu, khách hàng chờ đợi, bao nhiêu khoản thu chi còn đang phải hốt hoảng lo toan, chưa đâu vào đâu, chẳng dành dụm được bao nhiêu giữa cái thời làm ăn bị lâm vào khủng hoảng, thì bỗng chốc tờ lịch rơi xuống sàn, người ta hốt hoảng bảo nhau: Tết đến!

Mỗi năm một dịp nghẹn ngào - 1

Thế là bỗng chốc thêm một mối tính toan, cho những ngày tết đến. Vậy là bỗng nhiên đủ thứ lo thêm: Nào công nợ, thợ thuyền, nào bố trí tàu xe, nào dớn dác nhờ người trông con cái, kiểu gì bọn chúng cũng nghỉ tết từ những ngày hai mấy, trong khi bố mẹ vẫn còn lo công việc, có khi là đến chiều ba mươi. Sao bỗng thấy chẳng có cái gì chán nản bằng tết đến. Chẳng có cái gì hốt hoảng như tết đến. Chẳng có cái gì nhạt nhẽo như tết đến. Người lớn bảo nhau rằng: Tết nhất chán phè!

Xem trên báo trên đài, trên mạng internet, có người rủ nhau bỏ tết cũ đi. Người khác lại đề xuất là thôi không bỏ nhưng mà gộp chung vào ngày dương lịch, ngay sau tuần Noel. Dù gì thì cũng bớt đi rất nhiều khoản chi. Dù sao thì cũng không có chuyện công nợ thợ thuyền dồn dập vì tất cả phải về quê ăn tết. Dù sao thì cũng không mất đi ít nhất nửa tháng trời thu nhập và còn bội chi thêm đủ thứ tiền. Cũng đỡ phải còng lưng dọn nhà từ những ngày 23 tháng chạp để rồi chỉ đến tuần sau tất cả lại bày bừa. Người lớn thấy trẻ con hớn hở mà bỗng dưng bực mình. Chúng nó hò hét nô đùa, tính trước cả tiền phong bao lì xì chí chóe nhau ồn ã. Chúng nó ăn uống và bắt đầu xả rác. Chúng nó mở những đĩa nhạc xuân sập sình, toàn những trẻ con áo xanh áo đỏ hát những bài cũ rích như nhau mà điếc tai.

Trong cái lúc lo toan, bỗng chốc “người lớn” - là tôi, gắt lên với con mình một chặp. Nhìn đứa trẻ mặt non búng sữa đang vui hớn hở bỗng chốc nghệt ra, một lúc lâu lâu mới hiểu vấn đề mà tôi bàng hoàng. Nó không òa khóc như năm ngoái, năm kia. Không lăn đùng ăn vạ như những ngày nhỏ tí. Nó cúi đầu, mím môi, lặng lẽ dọn dẹp hết “chiến trường” rồi lủi mất. Nhìn dáng bộ cũng bắt đầu người lớn của đứa con 6 tuổi, bỗng chốc tôi thấy trào nước mắt. Thấy mình quá đáng không tả nổi. Thấy thương vô hạn cái đứa trẻ con tóc ngắn mắt tròn má bầu bầu bĩnh bĩnh trong nhà… Nhìn đến con mới thấy mình tĩnh lại, bớt những xáo xào căng thẳng trong lòng. Mới thấy ngoài kia chợ tết đang xôm, muốn đưa con đi chợ, quanh năm mua sắm đủ rồi, chẳng thiếu thốn gì cũng mua thêm cho trẻ con quả bóng…

Tết có nghĩa là phong vị đầu xuân. Là cái gì đó bắt đầu năm mới, là điểm khởi đầu cho một tuần hoàn. Giữa biết bao nhiêu những lo toan, sốt sắng, tính toán, âu sầu, người ta vẫn để cho mình dừng lại, hay là bắt buộc mình dừng lại, để nhìn, để ngẫm, để nghĩ, để lo, để tự động viên mình gắng lên, hoặc tự an ủi mình làm lại! Dù có những gì cuốn vội vàng đi cũng có một vài hôm dừng lại mà nghe mà ngóng. Tết là nghe lòng mình, là ngẫm đời mình, giữa tháng ngày quên bẵng…

Hóa ra Tết có cái ý nghĩa rõ ràng như thế mà bởi điều gì tôi quên mất lâu rồi, bởi toan tính gì tôi nhầm lẫn lâu nay, bởi ồn ã gì tôi không kịp quan sát hương vị của những buổi cuối năm để nối tiếp sang một sự khởi đầu. Tóc bạc dần đi và con cái cứ cao dần theo tuổi. Bỗng chốc thấy mình giống mẹ mình ghê gớm. Hồi còn nhỏ tôi cũng hay nhăn nhó kêu mẹ khó tính quá đi, mà không biết từ khi nào cũng trở nên khó tính y như mẹ. Cũng lâu lâu rồi, không về quê thắp cho mẹ nén hương. Con đi lấy chồng, bát hương thờ tổ tiên nhà chồng, không có chỗ cắm nén hương cho mẹ…

Mới có thế thôi mà đã nghẹn ngào. Ừ thì thôi, mỗi năm có một dịp để nghẹn ngào, cũng vui.

Hương Ngân