Góc tâm hồn

Mỗi con đường góp một chút hương xuân

(Dân trí) - Đường phố cuối năm dường như vội vã hơn, những con hẻm chật cứng, vỉa hè như nêm thêm người. Tất cả đang chạy đua với thời khắc của những ngày cuối năm.

 
Mỗi con đường góp một chút hương xuân - 1


Tôi ở Huế hơn 4 năm, con đường đi qua trường đại học tôi đang theo học thường tràn ngập hoa. Những chậu hoa treo lủng lẳng trên chiếc xe ba gác, cứ thế đẩy đi từ đầu đường đến cuối đường, từ con đường này qua con đường nọ như chở một niềm vui mới chờ khách hàng đến đón nhận. Hoa bao giờ cũng trinh nguyên, thắm thiết, chỉ có những con người quanh năm lam lũ trồng, vun vén cho nó cứ già đi theo những mùa xuân mới.

 

Buổi học cuối làm nhiều đứa chạnh lòng. Ừ thì chia tay nửa tháng mười ngày gì đó. Ai về quê đó, thành phố sẽ vắng đi những bước chân khi giao thừa. Tôi thường đạp xe thong thả trong ngày cuối năm để ngắm phố phường trước khi bắt xe khách chật như nêm về quê ăn tết. Cái cảm giác đi dưới hàng cây, tiết trời mùa xuân thật thú vị.

 

Ông già chủ xóm trọ về hưu từ hồi nào, quanh năm chỉ chăm sóc mớ cây cảnh và vài ba con chó. Những ngày cuối năm, ông quét lại hàng rào bằng vôi trắng toát, vun lại khóm tường vi đang ra sức trổ bông. Những gốc trà my đang nhả hương cũng được cắt vén lại bằng bàn tay của người làm vườn bán chuyên nghiệp.

 

“Sao không để mấy anh, chị quét mà bác quét làm gì?”, tôi hỏi. Ông cụ bảo: “Mỗi năm chỉ quét một lần vào dịp tết. Tôi thích nhất là cắt, tỉa hàng chè tàu và quét vôi tường rào. Nhưng việc cắt tỉa thì làm thường xuyên. Riêng cái vụ quét vôi sơn tường này thì mỗi năm chỉ có một, không ai thay thế được. Quét vôi - làm mới như một ý niệm về mùa xuân - thay mới. Làm việc này có cảm giác như mình mặc cái áo mới vậy chú ạ”.

 

Cả thành phố thay áo như cái nghĩa ông già bảo. Công viên đầy hoa, cỏ xanh được xén thẳng băng, những bức tường rào trắng mới đang đứng như công dân thành phố bận áo sơ mi giữa một mảng màu xanh là cỏ.

 

Thằng bạn tôi ở làng hoa giấy Thanh Tiên. Cứ đến độ này là nó đạp xe chở hoa giấy lên phố. Dù hoa thật khoe sắc ở mọi nẻo đường nhưng hoa giấy vẫn có chỗ đứng. Nó bảo hoa giấy dành cho người nghèo vì hoa thật đắt tiền. Cứ đến độ tết dương là làng hoa giấy này bắt đầu vào vụ, dĩ nhiên mọi vật tư như tre, giấy được chuẩn bị cả năm trời. Những buổi sáng sương giăng mờ, con đường từ phố cổ Bao Vinh chợt hiện lên sặc sỡ bởi những chiếc xe chở hoa giấy. Từ con đường này hoa sẽ “len lỏi” vào từng nóc nhà, từng mái ấm rồi được đặt trang trọng lên bàn thờ tổ tiên như góp chút hơi ấm, chút sắc xuân làm nên một cái tết cổ truyền. Cũng như hoa giấy, những làng nghề truyền thống khác như làng nghề bánh chưng, làng nghề nem chả, làng nghề mứt gừng từ ngoại ô thành phố dồn về, mỗi nơi góp một chút làm nên một ngày vui nồng ấm.

 

Không sao quên những đứa trẻ ở tận vùng cao tụm năm tụm ba ngồi nép bên đường chờ bán những nhành phong lan, những búp măng non hay những bông bắp chuối đỏ tươi. Hoa hái trên rừng, bắp chuối cũng hái trên rừng. Người hỏi thì nhiều mà người mua thì ít. Chúng bảo “mua cho cháu để có tiền đi sắm cái áo tết”. Nhìn áo quần nhếch nhác lại thấy mủi lòng. Thôi thì mua. Mua để góp một niềm vui vào cái niềm vui chung của đất trời. Cái bắp chuối màu đỏ thắm tôi tặng ông già chủ trọ. Ông bảo đẹp thế này ăn phí lắm, đem đặt vào cái chậu trưng cho đẹp.

 

Không biết ông già năm nay còn sơn tường rào bằng vôi trắng hay không? Hoa giấy có còn thịnh hành, những bông chuối rừng của bọn trẻ giờ còn bán? Hoa vẫn thắm, cỏ vẫn xanh nhưng người thì xa xăm...

 

Yên Mã Sơn