Mẹ và những trang nhật ký chưa viết

(Dân trí) - Mẹ tôi lập bàn thờ người lính ấy trong nhà bà ngoại vì mẹ nghĩ là mình đã làm đúng nguyện ước của chồng: “Trong ấy, anh không còn một ai thân thích nữa... Ngày thống nhất, chúng mình sẽ về sống chung với ngoại”.

 
Mẹ và những trang nhật ký chưa viết


Thực ra, trước đó mẹ tôi đã từng viết những ba cuốn nhật ký với loại sổ tay dày bằng giấy nâu; nhưng mãi đến ngày vào đại học, nghĩa là sau bốn mươi năm, tôi mới được đọc những quyển nhật ký ấy, biết thêm nhiều điều về người chồng của mẹ và một quãng đời đầy sóng gió của mẹ tôi.

Mười sáu tuổi mẹ đã là công nhân của nông trường chè Hạnh Lâm; mười tám tuổi mẹ lấy chồng. Chồng của mẹ là một người lính từ miền Nam ra Bắc tập kết; hai người cưới nhau chưa đầy một tuần thì người lính ấy trở về Nam chiến đấu, và những trang “Nhật ký chờ chồng” của mẹ bắt đầu từ đó.

Những trang nhật ký - những dòng tâm sự như là một khúc bi tráng của nỗi lòng người ở hậu phương với người ngoài mặt trận. Những dòng chữ đã nhòe mực trên nền giấy ố vàng vì thời gian nhưng mỗi lần đọc lại, tôi vẫn không sao cầm được nước mắt vì thương mẹ, thương cho một cuộc tình chia ly bởi cảnh chiến chinh.
 
“Anh Thạnh ơi, đêm qua, đêm nay... đã không biết bao nhiêu đêm em không ngủ được vì thương nhớ anh. Nơi sa trường anh có thấu lòng em... Anh ơi, người ta bảo Ngưu Lang Chức Nữ mỗi năm còn gặp nhau được một lần, còn đôi ta đã ba, bốn năm, rồi không biết bao nhiêu năm nữa mới được gặp nhau...Vì sao hả anh - chiến tranh? Phải dập tắt chiến tranh. Anh ơi, hậu phương và tiền tuyến, anh và em hãy cùng gắng sức làm theo lời Bác: Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào, cho Bắc Nam sum họp, cho mình sớm gặp nhau anh nhé...”.

Nhưng rồi, chồng của mẹ tôi - Người lính ấy không bao giờ trở về... Đó là bi kịch đầu tiên của đời mẹ. Người lính ấy đã hy sinh trong đợt tổng tiến công năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị. “Anh Thạnh ơi. Anh chết thật rồi sao? không, anh không thể chết, anh sẽ về, em vẫn chờ ngày anh trở về ...”. Tôi dường như nghe được tiếng thét gào của mẹ tôi, dường như thấy nước mắt mẹ tuôn trào trên những trang nhật ký ấy.... Mẹ tôi tưởng như sẽ chết vì nỗi đau mất chồng; nhưng rồi mẹ tôi vẫn sống, sống âm thầm mãnh liệt. “Một cán bộ công đoàn xuất sắc, một Đảng viên mẫu mực, mình không thể yếu đuối” - Mẹ tôi tự nhủ với lòng mình. Tôi hiểu rằng những năm tháng ấy, mẹ tôi đã “sống vì lý tưởng” - Lý tưởng mà mãi đến cuối đời mẹ tôi vẫn tôn thờ...

Cuốn nhật ký thứ ba của mẹ, dòng chữ cuối cùng đã dừng lại đúng vào ngày sau một năm mẹ tôi nhận được giấy báo tử của chồng. Ngày mà cuốn nhật ký khép lại được xem như là cái dấu mốc cuối một “kỷ nguyên chờ chồng” của mẹ tôi! Nhưng những trang nhật ký chưa viết về những biến cố trong “kỷ nguyên” thờ chồng của mẹ mới là “tấn bi hài” về cuộc đời của mẹ con tôi.

Mẹ tôi lập bàn thờ người lính ấy trong nhà bà ngoại vì mẹ tôi nghĩ là mình đã làm đúng nguyện ước của chồng: “Trong ấy, anh không còn một ai thân thích nữa... Ngày thống nhất, chúng mình sẽ về sống chung với ngoại”.

Thế rồi, sau ba năm mẹ tôi “đi bước nữa”, nhưng cái “bước đi” ấy nó mới tội tình làm sao. Bố tôi là cha của năm đứa con mồ côi mẹ; thương cảnh gà trống nuôi con, mẹ tôi đi lại chăm sóc lũ con nheo nhóc ấy và... thế là tôi ra đời. Mẹ tôi báo với cơ quan là bà đã lấy chồng; mẹ tôi làm vậy là để cho tôi có bố chứ đời nào mẹ tôi quên được người lính ấy. Hồi ấy, mẹ tôi thì công tác trên huyện, còn bố tôi và những đứa con côi thì vẫn ở quê. Tôi được sinh ra, lớn lên trong vòng ôm ấp của mẹ và bà ngoại.

Mẹ tôi yêu tôi lắm, mỗi ngày lớn lên tôi càng cảm nhận được tình yêu ấy. Nhưng than ôi, tình yêu của mẹ tôi với người lính ấy dường như không gì có thể khỏa lấp được. Tình yêu ấy đã làm tan nát cõi lòng tôi, một đứa trẻ còn quá đỗi ngây thơ nhưng đầy ích kỷ. Tôi nhớ hồi đó tôi đã học lên lớp ba, cứ đến kỳ nghỉ hè của năm học, mẹ tôi lại có một chuyến vắng nhà. Mẹ tôi giao tôi cho bà ngoại nói là để đi công tác, nhưng sau một vài lần, tôi đã biết là mẹ tôi đi tìm người lính ấy - Mẹ tôi vẫn nuôi chút hy vọng mong manh rằng người lính ấy không thể chết.

Ngày ấy, cứ mỗi chuyến đi về, mẹ tôi lại mua quần áo mới cho tôi nhưng tôi không thèm mặc những bộ quần áo ấy. Tôi giận mẹ tôi lắm, mỗi lần biết mẹ tôi chuẩn bị ra đi là tôi tìm cớ lánh mặt. Nhưng khi mẹ đi rồi tôi lại ôm mặt khóc một mình. “Sao mẹ không thương tôi, bỏ tôi mà đi... sao mẹ yêu người ấy hơn tôi được...”.

Càng nghĩ tôi càng giận mẹ chất chứa và mỗi lần mẹ về tôi lại lánh mặt không thèm nhận quà. Hành trình “bí ẩn” của mẹ tôi và những chuỗi ngày tôi sống trong dằn vặt vì ghen tỵ kéo dài tròn mười năm. Tôi nhớ chuyến đi lần cuối ấy, lúc về mẹ tôi khóc nhiều lắm, mẹ nói với bà ngoại tôi rằng người lính ấy không bao giờ về nữa; mẹ đã tìm được mộ của người lính ấy ở nghĩa trang Trường Sơn. Rồi từ đó, cứ đến ngày 27/7 hàng năm, mẹ lại âm thầm vào Nam thăm mộ.

Sau này mẹ tôi mới kể cho tôi nghe đôi chút về hành trình đi tìm mộ chồng. Mẹ tôi kể rằng ngày ấy trong tay mẹ duy nhất chỉ có một tờ giấy báo tử của người lính ấy với một thông tin ngắn ngủi: “...hy sinh tại mặt trận phía nam”. Và cứ thế, mẹ lầm lũi đi hết nghĩa trang này đến nghĩa trang khác. Có lúc đi xe ôm, có lúc nhờ xe người đi đường, có khi cuốc bộ; có những ngày đói lả, khát lả trong rừng! Mẹ tôi nói nếu không có hương hồn người lính ấy phù hộ thì làm sao “dò nổi kim dưới đáy biển”.

Rồi đến một lần tôi nhận lời mẹ tôi cùng vào nghĩa trang Trường Sơn thăm mộ người lính ấy. Đó là một ngày mà lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra mình sao mà quá đỗi bé nhỏ tầm thường - Ngày đó tôi đã ở ngưỡng cửa trường đại học nhưng cảm thấy mình giống như một đứa trẻ lần đầu tiên đến với bài học vỡ lòng về Đất nước và chiến tranh, về nỗi đau và huyền thoại của những người vợ, người mẹ - như mẹ của tôi.

Đó là ngày mà tôi được chứng kiến những dòng người và hương, hoa như cả trăm miền chảy về Quảng Trị. Ngày mà lần đầu tiên tôi được đặt chân lên cây cầu Hiền Lương, nơi in dấu một thời “bến cách sông ngăn...”. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một nghĩa trang Đường 9, một nghĩa trang Trường Sơn với trùng trùng những bia mộ “liệt sỹ chưa biết tên”.

Mẹ tôi ngồi hàng giờ trước ngôi mộ người lính ấy, đôi mắt mẹ chất chứa buồn thương... Có lẽ đến giờ này mẹ tôi không còn nước mắt để khóc. Còn tôi thì khóc...tôi khóc sụt sùi trước bia mộ người lính ấy như thể khóc thay cho mẹ tôi.

Tôi khóc cho mẹ một đời mất mát, thiệt thòi mà vẫn âm thầm chịu đựng; và dường như tôi khóc cho chính tôi nữa - đứa bé “khôn trước tuổi” mà bất hiếu, đã làm tổn thương, tan nát nỗi lòng mẹ.

Bà ngoại tôi qua đời, mẹ nghỉ hưu, tôi trở thành cô giáo, mẹ tôi tóc bạc, dáng đi dường như đã chúi về phía trước. Mẹ vẫn âm thầm đi thăm mộ người lính ấy mỗi năm một lần vào những ngày lễ trọng của đất nước. Tôi cũng đã dự định một ngày sẽ đưa mẹ vào thăm lại nghĩa trang Trường Sơn.

Nhưng rồi những ngày báo hiếu mẹ của tôi quá ngắn ngủi, vào một chiều cuối đông của năm 2008, mẹ qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo. Trong giờ phút lâm chung của mẹ, tôi không một phút rời xa căn phòng mẹ nằm; tôi cố tình gợi cho mẹ hiểu rằng tôi yêu mẹ, thương mẹ biết nhường nào, tôi cầu mong mẹ tha thứ cho đứa con gái có một thời tuổi thơ dại dột đã làm mẹ tủi buồn...

Mẹ nhìn tôi cười mãn nguyện, nhưng dường như còn có một điều gì mẹ đang muốn nhắn nhủ, đôi mắt mẹ ngước về phía bàn thờ nơi có ba cuốn nhật ký viết dở đặt bên di ảnh của người lính ấy. “Mai Mai...” mẹ gọi tên tôi âu yếm như ngày nào. “Cảm ơn con... hãy thay mẹ phụng thờ bác Thạnh; hãy thay mẹ vào thăm bác ấy ...”. Mẹ nhìn tôi, ánh mắt vời vợi thăm thẳm như một lời nguyền khắc vào tâm khảm tôi suốt đời.

Cảnh Yên