Mẹ ngồi cửa khóc trước khi mất: Cha mẹ chúng ta không còn nhiều thời gian
(Dân trí) - Xem clip một bà mẹ già ở Trung Quốc ngồi khóc bên bậu cửa nhà 5 phút trước khi qua đời, đến khi con cái về thấy mẹ đã mất, xem lại camera mới đau đớn sững sờ, tôi quả thực cảm thấy ngậm ngùi, xót xa.
Nhiều người trong chúng ta, vì vất vả mưu sinh, vì áp lực công việc, vì tiến độ dự án, vì sức ép của sếp, vì sự cạnh tranh với đồng nghiệp, vì tiếc đồng tiền xương máu do chính mình bỏ ra mà muốn dồn hết tâm sức để tiền đẻ ra tiền, cứ vội vã lao vào guồng quay công việc, làm giàu mỗi ngày. Song chúng ta lại quên mất rằng: Đích đến của sự lao động chăm chỉ, để thu về thành quả to lớn cuối cùng chẳng phải cũng chỉ để cho gia đình mình đó sao!
Dù bạn có làm ra bao nhiêu tiền, thì đồng tiền đó cũng không mang lại cho bạn niềm vui nếu nó không thể tạo ra những giá trị hạnh phúc. Đừng để công việc cướp mất của bạn thời gian dành cho gia đình, cho bố mẹ già. Nếu bạn nhớ được rằng, bố mẹ đang tiêu gần hết quỹ thời gian còn lại đang ngày càng trở nên ít ỏi của mình, chỉ để ra vào trông ngóng bạn về, thì có lẽ bạn sẽ muốn trở về để bên họ nhiều hơn. Về để nghe bố mẹ chuyện trò, về để ôn lại những kỷ niệm đẹp thời ấu thơ khi bạn còn đang sống trong vòng tay bố mẹ dù họ có tua đi tua lại hàng vạn lần, về để nhận thấy rằng, khi có bạn ở nhà, bố mẹ cười nói nhiều hơn và trông họ vui biết bao nhiêu.
Người già chẳng còn nhiều chuyện ở đời để phải bận tâm, chẳng còn nhiều mục tiêu cuộc sống để cần đạt được. Họ đã đi qua hết những năm tháng như bó đuốc tự cháy hết mình rồi, họ đã làm việc đủ chăm chỉ để nuôi lớn bạn, cho bạn sự trưởng thành và cuộc sống đang có ngày hôm nay. Giờ bố mẹ chúng ta "nhàn" lắm, nhưng sự nhàn nhã đó đẩy họ vào cảm giác cô đơn.
Khi cuộc sống không còn chuyện gì khác để mà phải bận tâm, thì tất cả sự quan tâm của chúng ta sẽ dành cho những người ta yêu quý nhất. Với bố mẹ già, sự quan tâm mong ngóng ấy dành cho con, cho cháu, nên dù họ có nói với bạn là "bố/mẹ vẫn ổn, đừng lo lắng, nếu bận thì không cần về thăm bố/mẹ đâu", thì bạn cũng đừng vội tin.
Hãy nhìn vào sự hân hoan của họ, sự bận bịu bất thường của họ khi đi chợ nấu nướng hết món này món kia cho bạn ăn. Bạn có nhận thấy rằng đó toàn là những món mà trong trí nhớ của bố mẹ, bạn luôn rất thích? Thực lòng họ mong con cháu về tới mức nào!
Người già rất dễ tủi thân. Tuổi cao không còn đóng góp được nhiều cho xã hội, không còn lo liệu được gì nhiều cho con cái dễ đẩy họ vào cảm giác thấy mình trở nên một người thừa. Họ nghĩ tấm thân già của mình đã trở nên vô dụng và không còn có ích. Bởi thế họ càng ngại nhờ cậy các con, ngại gọi đến con ngay cả khi đang rất cần con cái. Như bà mẹ già qua đời trong nỗi cô quạnh một mình, khi ra cửa ngồi thất thần rồi ôm mặt khóc nức nở ngay trước khi qua đời, có lẽ bà đã có những dự cảm không ổn về sức khỏe của mình, có lẽ bà đang trông ngóng những đứa con nhưng lại không thể nào gọi chúng.
Các con của bà khi chứng kiến những phút cuối đời của mẹ chỉ còn biết sững sờ, xót xa. Trong lòng họ chắc chắn là những nỗi niềm ăn năn day dứt, giá như thời gian có thể quay lại, họ chắc chắn sẽ quan tâm đến mẹ mình nhiều hơn, ở bên bà nhiều hơn.
Nếu bạn vẫn đang còn cha mẹ, bạn may mắn hơn họ rồi. Đừng để mình một ngày nào đó phải rơi vào day dứt, tiếc nuối như câu chuyện chúng ta đọc được ngày hôm nay.
Khi bạn ra đời, cha mẹ đón tay ôm lấy bạn với ngập tràn niềm hạnh phúc hân hoan, đừng để họ khi từ biệt cõi đời lại phải khóc trong cô quạnh. Hãy dành nhiều thời gian hơn cho cha mẹ, bởi cha mẹ chúng ta chẳng còn nhiều thời gian.