Mẹ nào mẹ của riêng anh

(Dân trí) - Cơm đã dọn sẵn mà con dâu chưa thấy về, thỉnh thoảng bà lại nhìn ra ngõ ngó chừng. Hôm nay có lẽ lại họp hành chi đây nên con dâu bà về muộn. Bà lấy lồng bàn đậy mâm cơm lại rồi quay ra thu dọn một số việc vặt trong nhà, chờ con dâu về cùng ăn cơm.

Bà muốn ăn cơm cùng con dâu cho nó vui. Nhiều lúc bà nghĩ cũng tội nghiệp cho cô con dâu. Bố mẹ, anh em ruột thịt thì ở cách núi, cách sông, chồng lại công tác xa vài tháng mới về qua nhà một lần, đã thế công việc thì nhiều, nào là việc đồng áng, ruộng vườn, chăn nuôi, trồng trọt... rồi lại tham gia công tác xã hội, họp hành liên miên.

 

Bà nhớ tới cảnh làm dâu trước đây thật là cơ cực, gia đình chồng bà mang nặng tư tưởng phong kiến, nhất là bà mẹ chồng vừa bảo thủ, vừa gia trưởng, xét nét, bắt khoan, bắt nhặt bà từng ly, từng tý. Đến mức ăn bà cũng không dám ăn no, ngủ cũng không dám ngủ đẩy giấc.

 

Ấy thế mà bà mẹ chồng vẫn còn chì chiết nặng nhẹ, mặt cau mày có và nhất là mỗi khi trao đổi với bà điều gì thì mặt lạnh tanh như tiền, lời nói như ra lệnh, một câu này chị cả, hai câu tôi nói cho chị cả nghe... Hôm nào đi làm về muộn một chút là bà cật vấn, tra hỏi lý do tại sao...

 

Ngoài việc lao động cật lực thì bà chỉ quanh quẩn ở nhà, chẳng được chúng bạn với ai, cứ như tù giam lỏng. Ngay chuyện tình cảm đằm thắm với chồng, bà cũng không được tự nhiên thoải mái. Mỗi khi nghĩ lại cái thời làm dâu của mình bà cảm thấy rùng mình.

 

Nghĩ vậy cho nên bà thương cái phận làm dâu, cũng một kiếp người. Chính vì vậy bà rất thông cảm với con dâu, bà vẫn nghe người ta nói nàng dâu khác máu tanh lòng nhưng nhiều lúc bà nghĩ dù sao con dâu cũng đã gắn bó, trao thân gửi phận với con trai mình, là con của mình, là người của dòng họ nhà mình, là người chung lưng gánh vác với gia đình nhà mình, sẽ cùng với con trai mình đi suốt cuộc đời. Tới đây nó sẽ sinh cho bà những đứa cháu nội, đó là dòng dõi nhà bà.

 

Chính suy nghĩ như vậy nên bà càng thông cảm, quý con dâu hơn. Ngoài việc chăm sóc cho con dâu từ bát cơm nóng, canh ngọt, bà còn tạo điều kiện cho con dâu tham gia công tác xã hội để có điều kiện học hỏi thêm. Thực ra khi mới về làm dâu, con dâu bà cũng giữ kẽ, theo đúng nghĩa nàng dâu mẹ chồng. Nhưng bà đã chủ động xoá đi hàng rào ngăn cách đó.

 

Có lần do làm việc quá sức, cô con dâu bị cảm bà đã đi nấu lá nước xông rồi đánh gió, bón từng thìa cháo như một người mẹ đẻ đối với cô con gái cưng. Mỗi khi con dâu bà đi họp ở huyện một, hai ngày, bà cảm thấy trống vắng, nhớ mong thế nào ấy. Từ ngày có con dâu đến nay hai mẹ con không hề có điều tiếng gì, bà con làng xóm hết lời ca ngợi, có nhiều người nói vui: hai mẹ con bà khéo tìm đến với nhau, bà không nói gì chỉ nở nụ cười mãn nguyện.

 

Vũ Minh Thuý