Mẹ là tình yêu lớn nhất

Thời sinh viên, tôi là một cô gái ham chơi và ngang bướng. Ưu tiên hàng đầu của tôi lúc đó là la cà quán xá, chơi bời với bạn bè; chuyện học hành, sách vở bị gạt sang một bên. Tôi thích là làm, ai cản cũng không nghe, ai cấm cũng không sợ.

 
Mẹ là tình yêu lớn nhất


Khỏi phải nói là mẹ đã khổ sở với tôi như thế nào. Bà khóc lóc, van nài tôi thay đổi không biết bao nhiêu lần. Thậm chí, bà còn đánh chửi và đuổi tôi khỏi nhà để làm tôi sợ mà suy nghĩ lại. Nhưng, mọi hình phạt của bà chỉ càng khiến tôi trơ lỳ và ngỗ ngược hơn. Tôi muốn chứng minh cho mẹ thấy, tôi không sợ sự ràng buộc, tôi tự do và không làm theo ý muốn của bất kỳ ai.

 

Tôi sống trong gia đình như một kẻ ở trọ, chẳng quan tâm đến ai, chẳng trò chuyện với ai. Sáng sớm đi. Tối mịt về. Duy nhất một điều tôi vẫn làm đều đặn là ăn cơm nhà và xòe tay lấy tiền của mẹ mỗi ngày. Mẹ tôi thỉnh thoảng cố gợi chuyện để tôi tâm sự, nhưng tôi luôn gạt ngang, không để bà nói thêm được câu gì. Đôi lúc về khuya, thấy mẹ vẫn thức đợi ngoài sân, mở nồi lục đồ ăn thấy còn nóng, lòng tôi hơi nhói lên vì thấy có lỗi với mẹ. Nhưng, đó chỉ là chút cảm giác thoáng qua rồi thôi, không khiến tôi bận tâm được lâu.

 

Chưa học hết năm ba đại học tôi đã nghỉ học vì nợ môn và phải học lại quá nhiều. Nhắm không đủ sức tiếp tục, tôi bỏ học luôn. Mẹ tôi biết chuyện nhưng không hề la mắng tôi. Bà nói, đã lường trước kết cục đó vì tôi có chịu học hành gì đâu. Bà bảo, giờ thì tôi phải tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình.

 

Một tháng sau, tôi dọn ra khỏi nhà, thuê một phòng trọ bé xíu gần khu chế xuất, xin làm công nhân. Vốn quen ăn chơi nên lương tháng còm cõi của công nhân không đủ cho tôi xoay sở quá mười ngày. Tôi buộc phải xin tăng ca, làm tối tăm mặt mày mới đủ tiền trang trải các khoản chi tiêu hàng ngày. Nhiều lúc cơ cực quá, tôi muốn gọi điện cho mẹ, xin được về nhà như ngày xưa, nhưng sỉ diện và sự cố chấp đã ngăn tôi lại.

 

Rồi tôi biết yêu. Một anh chàng điển trai trong xưởng sản xuất. Anh ta đã có bạn gái nhưng với bản tính háo thắng như một con ngựa hoang, tôi quyết tâm chiếm hữu anh ta cho bằng được. Bằng mọi cách tôi dụ dỗ, quyến rũ anh chàng, bỏ ngoài tai những lời can ngăn của bạn bè. Cuối cùng, sự lì lợm – hay mặt dày, của tôi được đáp lại, đúng hơn là chẳng mèo nào chê mỡ. Cảm xúc của mối tình đầu thật cháy bỏng và đầy mê hoặc. Tôi và người tình nhanh chóng dọn đến ở với nhau, trước là để chia tiền nhà, sau là để được gần gũi nhau mọi lúc. Những ngày đầu thật ngọt ngào, hạnh phúc. Tôi như một người vợ hiền chăm ngoan, đi làm về tất tả nấu nướng, dọn dẹp, chỉ mong nhận được một lời khen, một ánh mắt nồng nàn của “chồng”. Nhưng, rất nhanh sau đó “chồng” đã bỏ tôi mà chạy vì cái thai không mong đợi. 

 

Lần đầu tiên tôi biết sợ. Tôi khóc nhiều đêm liền, chẳng biết mình phải làm gì. Anh ta thì bỏ luôn cả chỗ làm, lặn mất tăm để tôi không tìm ra. Quá đau khổ, tôi nghĩ đến cái chết và gọi về nhà từ biệt mẹ. May mắn là lúc đó tôi còn nhớ đến mẹ. Vừa nghe giọng tôi, mẹ đã khóc và bảo tôi quay về. Dù tôi có lỗi lầm gì mẹ cũng sẽ cho qua hết. Sự tha thứ của mẹ như cánh cửa thiên đàng mở ra cho tôi.

 

Gặp lại mẹ tôi không khỏi xót xa. Chỉ mới mấy năm mà mẹ bạc trắng gần hết mái tóc. Hằn sâu trên trán, trên khóe mắt mẹ là những nếp nhăn. Mẹ yếu và mệt mỏi hơn xưa nhiều. Mẹ con trùng phùng, trong khi tôi khóc nức nở thì mẹ cười thật hiền và nhắc đi nhắc lại “Không sao! Không sao!”. Người tôi sợ nhất là bố nhưng ông cũng giang tay đón tôi về. Những kết cục xấu do tôi tưởng tượng trong những ngày khủng hoảng đã không xảy ra. Cùng gia đình quây quần bên mâm cơm, tôi cảm nhận đâu mới là hạnh phúc thật sự.

 

Bảy tháng sau, tôi sinh một bé trai khỏe mạnh, bụ bẫm. Ôm con trong tay, nhìn con ngủ say, tôi cảm nhận được tình yêu và ý thức trách nhiệm vô bờ bến dành cho con. Giờ đây tôi mới hiểu được lòng mẹ - một tình yêu bao la, chỉ cho đi mà không mong nhận lại. Xen lẫn niềm hạnh phúc là cảm giác lo sợ mơ hồ. Tôi sợ con mình rồi sẽ ngang bướng như tôi lúc mới lớn. Rất may, bên cạnh tôi vẫn còn mẹ và gia đình. Tôi mong mình sẽ học được cách chịu đựng, nhẫn nại và lòng bao dung của mẹ.

 
Theo Lê Ngọc

PNO