Mẹ đi bước nữa
Ba qua đời khi các con còn nhỏ. Mới 28 tuổi, mẹ trở thành góa bụa. Các con đau ốm liên miên, khiến công việc của mẹ luôn trễ nải. Cũng vì vậy mà mẹ bị đuổi việc.
Đúng lúc ấy, mẹ được bác Tùng, bạn của ba trợ giúp nhiều. Bác còn cho mượn mặt bằng để mẹ bán cà phê. Quán khá đông khách, mẹ lại bán thêm bánh mì, bánh bao. Bác Tùng ngày nào cũng đến uống cà phê, còn phụ mẹ dọn ly tách. Bàn ghế long chân, hôm sau bác đã mang đinh, búa đến đóng lại. Vòi nước hư, bác mua keo, ống nối đến sửa giúp. Lần đó quán bị người ta phá, may nhờ có bác Tùng đứng ra khuyên can. Ngày con trai thi đại học, bác Tùng tình nguyện chở đi. Con trai lấy vợ, bác Tùng là người chủ trì hôn lễ. Tình cảm của bác Tùng, không phải mẹ không biết, nhưng mẹ như con thuyền sau cơn sóng dữ. Mẹ rất sợ phải đi tiếp đến vùng biển lạ, sợ chênh chao, sợ giông gió đang chực chờ phía trước…
Các con khuyến khích mẹ đi bước nữa. Con trai nói mẹ hy sinh cho tụi con nhiều rồi, mẹ hãy tìm niềm vui cho mình. Con gái thì đùa: “Người tốt như bác Tùng rất hiếm, mẹ không chịu ưng, để bác lấy người khác rồi mẹ lại tiếc…”. Các con còn chủ động gặp các con của bác Tùng để vận động. Nhờ các con hai bên ra sức vun vào, tâm lý của mẹ mới được đả thông, không còn lấn cấn trăm thứ lo âu. Cũng chính các con là người chọn ngày, đặt tiệc, để mẹ và bác Tùng chính thức ra mắt họ hàng.
Trước ngày mẹ theo chồng, các con không cho mẹ động tay vào công việc. Con gái giả vờ nghiêm giọng: “Mẹ cứ ngồi đó chờ làm một cô dâu hạnh phúc”. Con trai bắc thang chùi bóng đèn, quét mạng nhện. Con dâu lo dọn bếp núc, làm rau câu, ủi sẵn áo dài cho mẹ. Con gái còn mua về nhiều hoa, trang hoàng khắp nhà, ríu rít gọi cho bác Tùng, hỏi: “Bác có đặt hoa cầm tay cho mẹ con không? Bác nhớ mua hoa lan, mẹ con thích nhất hoa lan”.
Nhìn các con tươi cười hớn hở, mắt mẹ rưng rưng. Cám ơn các con yêu quý của mẹ. Hạnh phúc của mẹ dù muộn, nhưng tràn đầy.
Theo Phương Thùy
PNO