Mẹ chồng “sính ngoại”
Chẳng phải là mê hàng Tây nghiện hàng Tàu gì mà mẹ chồng Linh lúc nào cũng chỉ coi con gái và cháu ngoại là nhất.
Ngày nào cũng thấy bà Hòa, mẹ chồng Linh bế cháu ngoại cưng nựng đi chơi khắp xóm. Mấy bà hàng xóm thắc mắc: “Thế cháu nội ở nhà ai chăm?”, bà lại cười xòa: “Hai mẹ con nó ở bên nhà ngoại. Em cho về bên đấy cho mẹ con nó được thoải mái. Con gái nhà ai người ấy chăm bà ạ”.
Cháu ngoại là nhất
Linh và cô em chồng cùng bầu bí, cùng thời gian dự sinh. Nhưng từ lúc nghỉ làm chờ sinh, Linh đã được mẹ chồng “bàn giao” toàn bộ cho bên ngoại với lý do “mẹ biết con dâu nào mà chẳng muốn có mẹ đẻ bên cạnh”.
Đến lúc con dâu và con gái sinh cùng một viện, bà túc trực cả ngày bên phòng con gái. Linh chạnh lòng nhưng bà mẹ chồng đã kịp trấn an tinh thần với lý do: “Mẹ tin tưởng mẹ con lắm nên mới giao con và thằng cháu đích tôn cho bà bên ấy, chứ không như bên này mẹ phải canh chừng từng phút”. Lý do quá khôn khéo của mẹ chồng Linh đã vuốt ve cái sự chạnh lòng tự ái của cả con dâu lẫn ông bà thông gia.
Lúc mẹ con Linh được ra viện, mẹ chồng gợi ý với mẹ đẻ của cô đón hai mẹ con cô về luôn bên đó cho tiện chăm sóc, đỡ ngại khoản phải ở nhà thông gia bất tiện. Còn bà thì đón cháu ngoại và con gái về nhà, làm cỗ ăn mừng.
Sướng hay khổ?
Sinh đứa thứ nhất, rồi đứa thứ hai, Linh vẫn bị mẹ chồng phân biệt đối xử, gửi khéo về bên ngoại. Nhà vốn chật nên những ngày nghỉ lễ tết, lẽ ra cả nhà sum họp quây quần thì mẹ chồng Linh lại gợi ý để hai mẹ con cô về bên ngoại rồi bà gọi con gái và cháu ngoại về chơi.
Linh bức xúc và ấm ức chia sẻ với bạn bè thì ai cũng kêu cô làm dâu thế là sướng nhất rồi mà không hiểu những điều cô canh cánh trong lòng. Cháu nội và cháu ngoại chơi với nhau mà có mâu thuẫn là y như rằng bà lại bênh cháu ngoại và mắng cháu nội. Có lần còn buột miệng nặng lời: “Ông bà ngoại mày không biết dạy mày à?”.
Nhiều lần chứng kiến điều đó, Linh chỉ muốn bế con về luôn bên ngoại ở. Nhưng lại nghĩ tới chồng, anh sẽ chẳng bao giờ hiểu cho nỗi lòng của cô. Đàn ông vốn vô tâm thế, họ chỉ nhìn thấy những gì bề nổi để đánh giá sự việc. Lúc nào chồng Linh cũng bảo: “Sướng nhất vợ nhé. Muốn bên bố mẹ đẻ lúc nào cũng được. Em xem bạn bè em có đứa nào được mẹ chồng tâm lý như mẹ chồng em không”.
Ai mà chẳng nghĩ đi lấy chồng được về nhà mẹ đẻ thoải mái như thế là sướng. Chính cô trước đây cũng nghĩ thế nhưng sao giờ cô chỉ thấy chạnh lòng và thương con. Rồi sau này lúc con cô lớn lên đủ để hiểu chuyện cô không biết nó sẽ nghĩ thế nào khi luôn bị bà nội cho ra rìa như thế? Không phải cô ghen tỵ với em chồng hay với cháu mà cô sợ sự phân biệt đối xử ấy của mẹ chồng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của con mình.
Có lần cô thử bóng gió hỏi mẹ chồng rằng tại sao người ta lại thường quan tâm đến cháu ngoại hơn, bà bảo: “Cháu ngoại thương dại thương dột, cháu nội không vội gì thương”.
Chẳng biết có phải vì thế, hay vì “cháu ngoại mới đích thực là cháu bà nhỉ?” như lần cô tình cờ nghe thấy bà nói nựng với đứa cháu ngoại trước mặt con của cô.
Nhiều người nghĩ có mẹ chồng “sính ngoại” như Linh là sướng. Nhưng chỉ có người trong cuộc như cô mới hiểu thế là sướng hay khổ mà thôi.
Theo Minh Thùy
Vietnamnet