Mẹ chồng lặng người vì hành động của "dâu Tây"

Mẹ tôi vốn đã chẳng ưa nàng. Bà bảo nàng là “dâu Tây”, chẳng hiểu gì về thuần phong mỹ tục người Việt. Tôi đã viện ra mọi lí lẽ để phản đối và bênh vực nàng. Nhưng việc nàng đổ cả mâm cơm ngày cuối năm cho... heo ăn thì thật là nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Tôi gặp nàng vào ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học ở nước Mỹ xa xôi. Vẻ đẹp thuần Việt của nàng đã khiến tim tôi loạn nhịp. Giây phút đó, tôi đã nghĩ sẽ phải cưới bằng được cô gái này làm vợ.

Nàng là người Mỹ gốc Việt, sinh ra ở nước Mỹ. Bởi vậy, nàng xa lạ với văn hóa Việt, ngay cả tiếng Việt nàng cũng nói không sõi, nhưng từ ngày yêu tôi, nàng đã cố gắng và tiến bộ hơn rất nhiều.

Khác với những cặp đôi “yêu chơi” cho qua thời tuổi trẻ nông nổi, chúng tôi đã sớm xác định sẽ “về chung một nhà” sau khi tốt nghiệp. Về phần gia đình nàng thì không có gì đáng nói, mọi người đều rất yêu quý và ủng hộ quyết định của chúng tôi, nhưng gia đình tôi thì khác.


Ảnh: Pinterest

Ảnh: Pinterest

Tôi là con trai trưởng nên phải gánh vác quá nhiều kì vọng của bố mẹ. Bố mẹ tôi đều là tuýp người cổ, coi trọng lễ giáo và rất khắt khe trong việc chọn con dâu, đặc biệt lại là dâu trưởng. Khi biết chuyện của chúng tôi, bố mẹ tôi tá hỏa, phản đối rất gay gắt.

Nhưng tình yêu và sự quyết tâm của chúng tôi đã vượt qua tất cả. Sau khi tốt nghiệp đại học, chúng tôi trở về Việt Nam làm đám cưới. Nàng thực sự đã hi sinh nhiều vì tôi khi chấp nhận rời xa cha mẹ, xa nước Mỹ thân quen để ở lại Việt Nam, làm quen với một cuộc sống mới.

Tôi thực sự cảm thấy mình là người đàn ông hạnh phúc khi cưới được nàng làm vợ. Chỉ duy nhất một điều làm tôi buồn phiền và lo lắng, đó là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình mình. Mẹ tôi vẫn một mực giữ trong lòng những ác cảm đối với cô con dâu ngoại quốc.

Theo mẹ, nàng là “dâu Tây”, không thể nào làm tròn trọng trách của một nàng dâu trưởng. Cũng may là vợ chồng tôi không sống cùng nhà với cha mẹ. Do công việc bận rộn, chúng tôi sống ở thành phố, còn cha mẹ tôi thì sống trong một nông trang rộng lớn ở quê nhà.

Tại đây, cha mẹ tôi tha hồ vui thú điền viên với việc chăm sóc cây cảnh, trồng rau, nuôi lợn, gà để cung cấp cho gia đình và các con những thực phẩm sạch.

Thỉnh thoảng, vào cuối tuần, vợ chồng tôi lại về thăm cha mẹ. Đó là những ngày khá căng thẳng đối với chúng tôi. Tôi luôn phải gồng mình để giữ thế cân bằng, giữ hòa khí giữa mẹ và vợ.

Tôi biết nàng cũng đã rất cố gắng, học hỏi để làm một cô dâu Việt cho vừa ý mẹ chồng, nhưng với mẹ tôi, chừng ấy vẫn chưa đủ. Tôi luôn lo sợ có một ngày, sự xung khắc giữa mẹ chồng - nàng dâu sẽ bùng nổ khó bề cứu vãn.

Và ngày đó cũng đã tới. Đúng vào dịp Tết cận kề, khi nhà nhà sum họp, vui vầy với nhau thì gia đình chúng tôi lại xảy ra một biến cố, chung quy cũng chỉ tại sự khác biệt về văn hóa.

Gia đình tôi vốn có gốc gác miền núi. Mỗi dịp Tết đến xuân về, để nhớ tới cội nguồn, cha mẹ tôi lại ăn bữa cơm cuối cùng của năm bằng món thắng cố - món ăn quen thuộc mỗi dịp hội hè vùng cao. Đối với gia đình tôi mà nói, món ăn này, bữa ăn này, mang rất nhiều ý nghĩa. Vậy mà...

Khi nồi thắng cố vẫn còn liu riu đợi lên mâm, cả gia đình đang tất bật mỗi người mỗi việc, quay ra quay vào... đã chẳng thấy đâu. Còn đàn lợn trong chuồng thì sục lên những tiếng kêu vui vẻ... Cả gia đình tôi tá hỏa, người nọ hỏi người kia.

Trong khi đó, nàng dâu trưởng với vẻ mặt rất ngây thơ, trả lời rằng, nàng vừa làm được một việc có ích - lần đầu tiên trong đời - cho lợn ăn giúp cha mẹ chồng. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau rồi lao vào chuồng lợn, và... hỡi ôi, bữa ăn của cả nhà giờ đã thành bữa tất niên của bọn chúng!

Cha mẹ tôi giận tím mặt, không nói được lời nào. Anh chị em tôi thì vội vàng, người cố gắng “vuốt” cho xuôi cơn giận của cha mẹ, người lại nỗ lực an ủi cô dâu trưởng.

Còn tôi, người ở giữa, lại lâm vào thế bí, không thể bênh vực ai, cũng không thể vỗ về ai. Tôi phải làm sao đây khi vợ mình vừa phạm lỗi tày trời? Và nguy hơn nữa, từ đây, mối quan hệ của vợ tôi với cha mẹ chồng ắt hẳn sẽ là một cuộc chiến không hồi kết.

Theo Thế Lâm
Vietnamnet