Mẹ chồng “kiểu gì cũng nói được”
Nghe lời mẹ chồng, Nhung mua một cái thùng rác để trên góc ban công tầng 2. Tuy nhiên, ngay hôm sau, mẹ chồng Nhung tức giận mắng: “Ai cho con để thùng rác ở đây?” khiến cô chỉ dám lí nhí: “Mẹ bảo con thế mà”.
Biết mẹ chồng ghét để rác lung tung, mỗi lần ăn xong, Nhung phải rón rén mang rác xuống phòng bếp dưới nhà, bỏ vào thùng. Thấy thế, mẹ chồng cô gợi ý: “Con mua thêm cái thùng rác đặt vào góc ban công tầng 2, chỗ gần chậu hoa cảnh. Đỡ công đi lên đi xuống”.
Vâng lời mẹ, Nhung vui vẻ đi sắm thêm thùng rác (vì mỗi lần xuống nhà vứt rác, Nhung cũng rất ngại, dù đồ ăn đã được mẹ chồng cho phép mang lên phòng riêng). Thế nhưng, ngay hôm sau, mẹ chồng Nhung đã lớn tiếng, mắng con dâu lười, để thùng rác trên tầng 2 mất vệ sinh, mất mỹ quan…
Cùng cảnh với Nhung, Lan (Hải Dương) mấy lần xin ý kiến bố mẹ chồng lắp điều hòa trong phòng cho bé nhưng không được. Mẹ chồng Lan từ chối vì lý do trẻ con không nên nằm điều hòa, dễ viêm họng. Nhưng đến khi thấy người cháu nổi kín rôm vì nóng, bà nội xót ruột lại quay sang trách con dâu: “Tiền vợ, tiền chồng tiết kiệm làm gì mà không mua nổi một chiếc điều hòa cho con?”. Nghe mẹ chồng mắng mà Lan bật khóc vì ấm ức.
Dù cố gắng thay đổi đến mấy, Trâm (Thái Hà, Hà Nội) vẫn bị mẹ chồng chê lười. Bố mẹ chồng mở quán bán phở sáng nhưng không chịu thuê người giúp việc vì sợ tốn tiền. Vợ chồng Trâm phải dậy từ 5h30 sáng. Trong khi chồng giúp mẹ thì cô xách làn đi chợ. Thấy vậy, mẹ chồng lại bóng gió, cho rằng con dâu “giả vờ” đi chợ để trốn bê phở giúp bà. Quả thực, đi chợ về, Trâm phải quay như chong chóng, từ khâu chuẩn bị thực phẩm đến việc giúp mẹ chồng rửa bát, chứ không thuộc dạng lười, tìm cách thoát việc như mẹ chồng nghĩ.
Hôm sau, Trâm không đi chợ nữa mà tự nguyện ở nhà giúp mẹ chồng bán phở. Nghĩ là mẹ chồng sẽ vừa lòng nhưng cụ còn khó chịu hơn, lại trách khéo: “Sao con không đi chợ? Ở nhà có bao người rồi, lười đến thế là cùng”. Trâm không biết phải cố thế nào mới được mẹ chồng thừa nhận là chăm chỉ.
Công việc của Phương (Bình Dương) cũng bị đảo lộn chỉ vì cô phải chiều theo mẹ chồng. Con gái gần được một tuổi, Phương vẫn ở nhà chăm con thì được mẹ chồng góp ý: “Con tìm việc gì mà làm. Để mẹ trông cháu cho”. Chật vật mãi mới xin được việc nhưng được ba hôm, Phương đang trong giờ làm thì nhận được điện của mẹ chồng, báo về gấp, con sốt cao.
Hôm sau nữa là đủ mọi tin khẩn từ mẹ chồng “về nhanh, con bé không chịu uống sữa” rồi “nó đau bụng lắm, cứ khóc mãi”. Cuối cùng, mẹ chồng kết luận: “Thôi, ở nhà trông con đi. Bao giờ con bé đi mẫu giáo thì hãy tìm việc”. Nghĩ làm việc bữa đực bữa cái cũng chán nên Phương lại quay trở về cảnh “ngồi nhà, ôm con”. Một lần, nhà Phương có người họ hàng ghé chơi, hỏi: “Cháu đã làm ở đâu chưa?” thì mẹ chồng nhanh nhảu đáp: “Bảo để con cho bà trông mà đi xin việc thì không chịu”. Định cãi lại mẹ chồng nhưng biết không ăn thua nên Phương đành im lặng.
Làm dâu hiền không dễ
Nhiều nàng dâu không thể hòa hợp được với mẹ chồng, nhất là với nhóm mẹ chồng thích “bới lông tìm vết”. Khi ấy, có nỗ lực trở thành dâu hiền đến mấy thì con dâu cũng không thể làm vừa ý mẹ chồng. Chưa kể, không ít mẹ chồng có kiểu nói “trước sau không như một” càng khiến con dâu ấm ức.
Nếu mẹ chồng luôn khoét sâu vào những yếu điểm của con dâu và không bao giờ thừa nhận mình sai thì con dâu sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi. Người nào không giỏi chịu đựng thì sinh ra cãi cọ với mẹ chồng khiến nhà cửa bất hòa. Người nào giỏi chịu thì có thể nín nhịn lần một, lần hai chứ tình trạng này cứ kéo dài thì cũng có nguy cơ bị stress.
Nếu là những việc không mấy to tát, con dâu có thể bỏ qua cho mẹ chồng. Nên chọn lúc vui vẻ để tâm tình với mẹ chồng. Nhiều mẹ chồng có khi không nhớ đã yêu cầu gì với con dâu nên lời nói trước sau không được thống nhất. Nếu mọi chuyện tiến triển theo chiều hướng xấu hơn, người vợ nên bàn bạc với chồng khi muốn tính tới quyết định ra riêng. Cuộc sống chung không thể tránh khỏi những va chạm thường ngày. Nếu mẹ chồng thiếu tâm lý, con dâu thấy bị áp lực nặng khi sống chung thì ra riêng là giải pháp hợp lý nhất.
Theo Ngọc Bình
Mẹ và bé