“May vá” màng trinh

Tuy chỉ là chuyện "cây kim, sợi chỉ" nhưng vấn đề này ảnh hưởng không ít đến đời sống vợ chồng của nhiều người. Bạn nên nhớ rằng chỉ vài giọt máu (khi quan hệ vợ chồng) chưa hẳn đã che giấu được gì. Sự trinh tiết còn biểu hiện qua nhiều cách khác nhau trong cuộc sống vợ chồng.

Màng trinh có nhiều dạng khác nhau, nó che ống âm đạo bên trong và có một lỗ nhỏ để máu kinh thoát ra. Lần đầu tiên giao hợp, màng trinh có thể bị rách, chảy máu chút ít, nhưng có người do màng trinh co giãn tốt nên không bị rách.

 

Một số chị em có hoàn cảnh đặc biệt muốn bác sĩ vá lại màng trinh. Tuy nhiên, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân không nên làm việc này hơn là khuyến khích họ. Bản thân việc may vá này giống như một hành vi “lừa đảo” không cần thiết!

 

Thế nào là may thẩm mỹ tầng sinh môn?

 

May thẩm mỹ tầng sinh môn là một phần của phẫu thuật sa sinh dục. Một phụ nữ sa sinh dục mức độ cao cần được cắt tử cung, sửa thành trước và sau âm đạo. Việc may này cần thực hiện ở nơi có phòng mổ an toàn. Sau khi may, bạn có thể về và tái khám theo hẹn.

 

Tuy đây chỉ là một loại phẫu thuật nhỏ, nhưng hết sức hữu hiệu trong việc phòng ngừa sa sinh dục sau này. Nhất là đối với những phụ nữ đã có đủ số con mong muốn. Ngoài ra, nó hỗ trợ trong việc bảo vệ hạnh phúc lứa đôi. Đó là khi sự co thắt ở lỗ âm đạo không còn hoạt động tốt sau các lần sinh.

 

Hiện nay, tại phòng khám phụ khoa thuộc các bệnh viện phụ sản lớn đều nhận thực hiện phẫu thuật này.

 

Cắt may tầng sinh môn trong khi sinh nở

 

Tầng sinh môn còn gọi là đáy chậu, bao gồm tất cả các phần mềm cân, cơ, dây chằng bịt lỗ dưới khung chậu. Tầng sinh môn có nhiệm vụ nâng đỡ các cơ quan trong vùng chậu là bàng quang, tử cung, âm đạo và trực tràng. Khi sinh, tầng sinh môn phải giãn nở để thai nhi ra ngoài.

 

Khi sổ thai, nếu tầng sinh môn không giãn tốt sẽ dễ bị rách, tổn thương, dẫn đễn bị nhão. Nếu không được may phục hồi tốt sẽ dễ bị sa sinh dục về sau. Để tránh những tổn thương, bác sĩ thường chủ động cắt tầng sinh môn. Ngày đầu tiên làm phẫu thuật, sản phụ sẽ hơi đau một chút, nhưng sẽ giảm dần trong những ngày sau.

 

Tuy nhiên, nếu đau kéo dài, vết may sưng nề, hãy báo cho bác sĩ vì đó là dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu thai phụ có tiền sử dễ bị nhiễm trùng hoặc huyết trắng, cũng nên cho bác sĩ biết để sử dụng kháng sinh mạnh hơn.

 

Theo Tiếp Thị & Gia Đình