Mấy đời bánh đúc có xương
(Dân trí) - Bố tôi tái hôn khi đã bước qua ngưỡng 60. Thiết nghĩ con nuôi cha không bằng bà nuôi ông, bố về già còn có người bầu bạn sớm hôm âu cũng là chuyện đáng mừng. Nhưng nhiều khi nhớ mẹ ruột, chúng tôi lại không khỏi chạnh lòng.
Mẹ tôi mất đã gần chục năm mà mỗi lần giỗ mẹ, chị em tôi đứa nào đứa nấy mắt vẫn đỏ hoe khóc chuyện tương phùng, thương mẹ thuở sinh thời phải sống vất vả, tủi nhục trăm bề. Bố tôi ngày xưa nát rượu, cứ tan sở là xách xe đi nhậu đến nửa đêm mới về. Bố về thì cả nhà không ai được ngủ yên, bố la mắng, chửi rủa suốt đêm, có lúc còn giở trò vũ phu với mẹ. Chúng tôi khóc đến lả người, nửa khiếp sợ bố, nửa thương xót mẹ. Mẹ vẫn kiên cường, không nửa lời kêu đau, chỉ vội vã lau đi những giọt nước mắt tuôn lã chã.
Đồng lương còm của bố đốt hết vào rượu chè, cờ bạc, có lúc bố còn về lấy tiền của mẹ. Mẹ ngậm đắng nuốt cay, làm từ nghề hàng xén, đan len đến chặt củi thuê, cố bươn chải đủ tiền cho chị em tôi ăn học. Mẹ ngã xuống vì bệnh sốt rét. Ngày ấy nhà nghèo, không có tiền chữa trị đến nơi đến chốn. Mẹ uống qua loa mấy thang thuốc nam,chủ quan nghĩ rồi cũng khỏi nhưng cơ thể mẹ sau nhiều ngày suy nhược đã không đủ sức vượt qua trận ốm đọa đày. Mẹ mất rồi, bố tỉnh hẳn. Nhìn đàn con nheo nhóc, bố ăn năn không dám quay lại đường cũ.
Bố cưới vợ hai, trở thành một người chồng mẫu mực quá sức tưởng tượng. Chúng tôi dù biết bố đã thay đổi nhiều vẫn không khỏi ngạc nhiên trước hình ảnh bố mình sáng sớm xách làn đi chợ, chiều lăn xả vào bếp nấu nướng, dọn dẹp vì thương vợ chăm con mọn vất vả.
Mỗi lần sang chơi, thấy bố và dì đang cưng nựng, dỗ dành bé Trà - con riêng của hai người, tôi thấy mừng thầm vì bố không còn đổ đốn, giờ lại có vợ mới,con thơ ở bên sum họp, nói cười. Nhưng cùng lúc đó, hình ảnh mẹ tôi cuối đời nằm tiều tụy trên chiếc chõng tre, đôi tay mẹ gầy rạc cố nắm lấy tay các con thật chặt, tôi không kiềm nổi sự tủi thân và cảm giác ghen tị, trách móc. Bố thật bất công, ông trời thật bất công!
Bé Trà vào lớp Một. Dì tôi rảnh rang nên mở lớp bảo mẫu ở nhà, nhận trông dăm bảy đứa trẻ con hàng xóm lúc bố mẹ chúng đi làm. Tôi và cậu em trai đều có con nhỏ nên cũng gửi con đến nhờ dì trông hộ. Hàng tháng, chúng tôi vẫn đóng tiền cho dì như những phụ huynh khác. Một hôm, con gái tôi đột nhiên hỏi “sao bà là bà ngoại của tụi con mà mẹ và cậu vẫn phải đóng tiền trông trẻ”, tôi ấp úng chưa kịp trả lời, thằng cháu tôi đã ngây ngô bảo “bà là mẹ của cô Trà chứ không phải bà thật của tụi mình đâu, bà ngoại thật đã mất rồi”. Không biết ai nói cho thằng bé những chuyện này. Không biết nó còn nhỏ có hiểu được nỗi xót xa “bà ngoại thật đã mất rồi”.
Em gái tôi cưới chồng, thiệp cưới ghi tên mẹ bằng tên họ của dì. Ừ thì người đã khuất, người ta kiêng để tên. Đêm trước ngày đưa dâu, ba chị em tôi ngồi mãi trong phòng, tỉ tê kể đủ chuyện từ thời xa lắc xa lơ. Em gái nói nửa đùa nửa thật “Em đi làm dâu khéo lại sướng hơn, ở bên đấy còn có chồng bênh, ở với dì, biết làm nũng ai”. Chúng tôi cười mà ứa nước mắt, chẳng dám nói ra nhưng trong lòng ai cũng ước giá có mẹ lúc này thật tốt biết bao.
Bên ngoài dì vẫn lục đục chưa ngủ. Dì cằn nhằn đám thợ nấu ăn xài nước quá phung phí, dì than vãn mấy người dựng rạp cưới mở loa đài ồn ào, khiến bé Trà đang ngủ lại giật mình. Ừ thì mấy đời bánh đúc có xương.
May