Mấy đời bánh đúc có xương...

Không phải lúc nào con cũng có cuộc sống êm ả, hạnh phúc nếu chẳng may sống cùng bố dượng hoặc mẹ kế. Những người lớn, một khi đã chấp nhận đến với nhau thì tại sao không thể yêu thương giọt máu của người mình đã chọn?

Đừng đánh con đau...

 

Sau ba năm làm dâu, chị Quyên quyết định ly dị vì không chịu nổi người mẹ chồng cay nghiệt và anh chồng nhu nhược, vũ phu.

 

Ở cái tuổi “đang xoan” cùng với vẻ đẹp mặn mà của người phụ nữ “một con”, chị vẫn đủ sức thu hút nhiều người đàn ông khác. Một trong số đó là anh Thanh. Anh đề nghị nuôi cả con chị nếu chị lấy anh.

 

Thuở ban đầu, tình yêu còn nồng nàn nên việc “mua trâu được nghé” không là chuyện quan trọng. Anh Thanh vẫn thương yêu cu Bi nhưng cuộc sống chung không tránh khỏi va chạm, những lúc ấy, anh Thanh nhậu say về và lôi gốc gác thằng bé ra đay nghiến, anh trút hết lên đầu nó bằng những trận đòn hằn học. Biết thân mình và thương mẹ, thằng bé chẳng bao giờ làm trái ý bố dượng, cũng không hề oán thán mẹ.

 

Không muốn ly dị lần nữa nên chị cố nhịn. Được thể, anh ta càng làm tới. Anh ta bắt cu Bi làm đủ việc không để nó được vui chơi như bao đứa trẻ khác. 6 tuổi, thằng Bi đã biết xách chai đi mua rượu cho bố, 10 tuổi, thằng bé phải tự trông em, đứa con ruột mà anh Thanh cưng chiều hơn hẳn, và làm vô số việc nhà. 14 tuổi, thằng Bi không được đi học mà phải phụ mẹ bán rau ngoài chợ.

 

17 tuổi, thằng Bi đi bụi đời. 19 tuổi thì bị đưa vào trường cai nghiện ma tuý.

 

Chị Phương, người giúp việc của gia đình chồng tôi cũng có một hoàn cảnh buồn xuất phát từ chuyện con riêng, con chung. Mẹ mất sớm, bố chị tái hôn với một người đàn bà trẻ đẹp nhưng rất sắc sảo và không ưa con riêng của chồng.

 

Theo bà, nét mặt chị “không khác gì mẹ nó”, chị cũng không hiểu sao người ta vẫn ghen ghét với người đã khuất. Bà bắt chị làm quần quật như một đứa ở và không cho đi học. Có gì mới hay thức ăn ngon, đồ đẹp, bà đều dành cho con ruột dù chị vẫn thương yêu đứa em cùng cha khác mẹ ấy hết lòng. Bố chị vẫn thường khuyên bà đừng để mang tiếng “mấy đời bánh đúc có xương” nhưng mỗi lần như vậy, bà lại làm ầm lên, cho là ông bênh con riêng. Chị lấy chồng và ra riêng, cuộc sống mới dễ thở hơn.

 

Bánh đúc có xương?

 

Việc con riêng sống chung với mẹ kế hoặc bố dượng tuy không phải lúc nào cũng êm ấm, hoà thuận nhưng những trường hợp bố dượng hoặc mẹ kế thương yêu con riêng của vợ/chồng cũng không phải hiếm khi mà giờ đây nhiều người đã suy nghĩ thoáng hơn trong chuyện hôn nhân.

 

Một lần đi picnic, Chi - bạn học của tôi chẳng may bị té xuống sông. Trong lúc lấy cái ví giấy tờ ra phơi nắng, một tấm ảnh ố vàng chụp một người đàn ông lớn tuổi rơi ra. Thấy tôi có vẻ thắc mắc, Chi kể: đó là cha ruột của Chi.

 

Mẹ Chi chưa bao giờ cho cô biết lý do ra đời của cô cũng như cha cô là người thế nào, hiện sống ra sao. Mỗi lần định hỏi, thấy mẹ buồn, Chi lại thôi. Trong khi đó, người cha dượng lại thương Chi hết lòng khiến Chi mang ơn và cũng thương ông không kém. Có lần, Chi đi chơi về trễ làm ông lo lắng đi tìm khắp nơi. Nhiều lần như vậy, cách cư xử tế nhị, đầy tình cảm của ông khiến Chi quên mất khoảng cách giữa cô và bố dượng.

 

Sống trong một gia đình hạnh phúc, đầy ắp yêu thương, đứa trẻ thường phát triển thuận lợi. Ngược lại, nguy cơ khiếm khuyết về mặt tinh thần sẽ ảnh hưởng đến tính cách cũng như quan niệm sống của những đứa trẻ bị đối xử phân biệt.

 

Ở mức độ nhẹ, những đứa trẻ thường tự ti, mặc cảm, cô lập mình. Nguy hiểm hơn, tâm lý hằn học, thù hận sẽ giày xéo tâm hồn trẻ thơ khiến chúng như con nhím xù lông trong cách cư xử với mọi người. Vì một lý do nào đó, trẻ đã không may mất đi người cha hoặc mẹ, không được nuôi dưỡng bằng tình thương yêu, dễ có nguy cơ hư hỏng. Người lớn đừng vì những tự ái, ích kỷ tầm thường mà làm hỏng cuộc đời của những đứa trẻ đáng thương ấy.

 

Nếu đã chấp nhận lấy người có con, người đến sau nên quan tâm đến đứa con riêng của vợ/chồng với một tình cảm chân thành. Bởi lẽ, những gì xuất phát từ trái tim bao giờ cũng được đáp lại bằng những tình cảm của trái tim.

 

Theo Trần Hoàng Duy
SGTT