Mất mặt vì chồng keo
Đêm tân hôn, chị Xoan giật mình khi nghe chồng thủ thỉ: "Hai đứa mình chia đôi khoản tiền chi cho chuyến nghỉ trăng mật nhé".
Hồi yêu, thấy anh Tiến có tính tiết kiệm, chị Xoan ở Khâm Thiên, Hà Nội tự nhủ: "Như thế càng tốt, còn hơn khối anh sĩ hão, tiêu hoang chỉ khổ vợ con". Nhưng lấy nhau rồi, chị ngày càng sốc vì tính ky bo của anh.
Chồng chị không "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" nhưng hễ cái gì chị sắm, lại chép miệng ra vẻ tiếc tiền. Mới đây, con gái 4 tuổi bị ốm, chị mua về cho nó bát phở, anh cũng càu nhàu: "Vừa đắt vừa được ít, tốn tiền".
Bà chị gái khá giả cho vài mảnh vải may quần áo mà mãi không thấy chị Xoan và các cháu diện đồ mới, hỏi ra mới biết, em rể bảo vợ: "May làm gì cho tốn tiền. Quần áo còn nhiều, vẫn tốt chán. Lần sau bảo bác thải ít quần áo cũ là được rồi".
Chị Xoan ngày càng cảm thấy bức bối, coi thường chồng. Những tình cảm, sự ngưỡng mộ chị dành cho anh trước đây cũng mất dần. Khi bức xúc, chị thường tìm đến chị gái để kể hàng đống chuyện "khó tưởng tượng" về chồng. Cũng vì thế, cả nhà chị ghét anh ra mặt. Anh Tiến cũng cũng chẳng thích đến nhà vợ nữa.
Kim Duyên, nhân viên thu ngân của một công ty sản xuất bao bì ở Từ Liêm, Hà Nội đang băn khoăn khi quyết định chia tay với người yêu tên Mạnh cũng thuộc dạng "kẹo kéo".
"Ai đời, yêu nhau mà chưa lần nào được mời vào quán uống nước tử tế, toàn ra sân vận động hay lên cầu ngắm cảnh thôi", Duyên kể.
Mới đầu, cô nghĩ anh thật lãng mạn. Nhưng mấy lần, kêu khát nước, Duyên đều được người yêu dẫn vào quán trà đá hay "sang trọng" lắm mua cho cốc nước mía, cô mới vỡ lẽ.
Hơn một năm yêu nhau, Duyên chưa được người yêu tặng quà bao giờ. Hôm 8/3 năm vừa rồi, đi qua hàng hoa, Duyên thử gợi ý cho người yêu mua. Mạnh cũng dừng xe, vào hỏi một lúc rồi đi ra nhìn người yêu lắc đầu: "Đắt quá, mà mua về được 2 hôm là quăng đi, phí".
Lần khác, Mạnh đưa người yêu vào siêu thị nhưng lại giao hẹn trước: "Mình vào chơi thôi, không mua gì hết em nhé" khiến Duyên không biết nên cười hay nên mếu. Thật ra, hôm đó, Mạnh có mua cho cô... một que kem 2.000 đồng.
Duyên còn phát hiện, Mạnh có thói quen mỗi lần chỉ rút 100.000 đồng từ máy ATM với lý do: "Để nhiều tiền trong người nguy hiểm, lại dễ tiêu hoang". Cũng vì điều này mà có lần hai người gặp cảnh dở khóc dở cười.
Hôm đó, Mạnh đưa người yêu ra sân Mỹ Đình xem diều. Chẳng may, lúc về xe hỏng, phải sửa mất 80.000 đồng, mà trong túi chỉ còn 30.000, Duyên lại bỏ quên ví ở nhà. Thế là, sửa xe xong, Mạnh "cắm" người yêu ở lại để phóng xe đi tìm chỗ rút tiền. Hôm đó, Duyên được buổi muối mặt với mọi người xung quanh. Cô cũng chẳng muốn nhìn mặt người yêu nữa.
Keo kiệt là một trong những tính cách mà phụ nữ ngán nhất ở nam giới. Khi "trót" làm vợ các ông chồng kiểu này, chị em thường cảm thấy bực bội, khó chịu, nhiều khi đâm ra coi thường chồng. Có người còn ra tòa ly hôn.
Tuy nhiên, tính tiết kiệm thái quá ở một số ông chồng chưa hẳn đã là xấu và "hết thuốc chữa". Điều cơ bản là người vợ có thiện chí và muốn giúp chồng mình chữa "bệnh" này không.
Trước tiên chị em nên tìm hiểu nguyên nhân sinh ra tính cách này của chồng, bởi có thể do anh ấy sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó, vất vả nên kể cả lúc có nhiều tiền vẫn giữ thói quen ky cóp, dè sẻn.
Khi ấy, người vợ nên thông cảm với chồng, biết chia sẻ những lo toan cùng anh. Chị em cũng nên chứng tỏ mình là người tiết kiệm, có kế hoạch chi tiêu, để ông xã có cảm giác an tâm khi giao phó ngân sách.
Thật ra, những ông chồng keo kiệt cũng có mặt tốt. Họ thường là người biết lo xa, tính toán, lại chịu khó, trung thực, thương vợ con. Họ dễ cảm hóa nếu người vợ tinh tế, biết khen, trân trọng sự chắt chiu của chồng và biết góp ý khéo léo những khi thích hợp.
Các bà vợ tuyệt đối tránh nói xấu chồng với bạn bè, họ hàng mình, làm anh ấy mất mặt, càng không so sánh với người khác kiểu như: "Chồng cái Lan hết mua cho vợ quần áo lại đưa cả nhà đi chơi". Tính keo kiệt giống như một huyệt hiểm của người đàn ông, vì thế, các bà vợ tối kỵ nhè vào đó để châm chọc. Làm thế, chỉ khiến các ông tự ái, sĩ diện và xa lánh vợ hơn thôi.
Một số đàn ông ky bo lại do bản tính "trời sinh" hay tâm lý vùng miền hoặc chịu ảnh hưởng tính cách từ người mẹ. Những người này rất khó thay đổi.
Ngoài ra, cũng có những ông chồng rất bủn xỉn khi tiêu tiền của mình, nhưng lại "thoáng tay" khi dùng của người khác.
Chồng chị Trang ở Lò Đúc, Hà Nội là một ví dụ. "Mang tiếng có chồng làm sếp cho công ty nước ngoài mà chả bao giờ được nhờ vả gì. Mọi chi phí trong nhà đều rút túi vợ, từ tiền học cho con, mua sắm đồ đạc, thực phẩm, đến báo hiếu hai bên nội, ngoại", chị Trang nói.
Chị kể, hai vợ chồng đều có lương cao nhưng anh toàn ki cóp tiền riêng, nhất định không chịu chia sẻ với vợ khi chi tiêu khoản gì. Dịp sinh con, chị không lương, lại chưa kịp rút tiết kiệm, hỏi tiền chồng thì phải nhắc vài lần anh mới đưa, lại nhỏ giọt. Khi chưa có nhà thì anh bảo dành dụm để mua, nhưng đến lúc xây căn hộ cũng phần lớn là tiền của chị và gia đình hai bên. "Bây giờ "lão" lại bảo, em cứ chi đi, tiền anh để dành sau này lo cho con du học. Con thì mới 5 tuổi đầu. Nhiều khi chỉ muốn ly dị cho xong, chứ cứ thế này ức chế lắm", chị Trang ngao ngán.
Những anh chàng kiểu như chồng chị Trang không phải là người ky bo mà thuộc dạng ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình. Tính cách này không thể sửa được, các bà vợ nếu trót có ông chồng như vậy đành chịu trận.
Trong hôn nhân, các khác biệt về thói quen, sở thích, quan điểm... có thể dễ chấp nhận nhưng những xung đột về phẩm chất như bên ích kỷ, bên rộng lượng, thì rất khó dung hòa và chung sống hạnh phúc. Khi ấy, ly hôn có khi lại là biện pháp tích cực.
Theo Minh Thùy
VNE