Màng trinh bịt kín – nỗi oan của nhiều thiếu nữ

Một số cô gái trẻ tự nhiên thấy vùng bụng dưới cứ to dần lên từng tháng. Bố mẹ trách mắng vì cho rằng cô đã không biết "giữ ngọc gìn vàng", còn cô chỉ biết nước mắt ngắn dài mà thề thốt chưa hề cùng ai. Đi khám phụ khoa, họ mới biết nguyên nhân chính là một dị tật bẩm sinh: màng trinh bịt kín.

Màng trinh bịt kín có thể là một màng mỏng hoặc hơi dày, không có lỗ; hoặc là một vách chắn ngang âm đạo, cách âm hộ mấy cm. Sự có mặt của nó khiến máu kinh không thoát ra được mà tích dần lại trong âm đạo, hình thành túi máu âm đạo. Đôi khi túi này có khối lượng rất lớn, đẩy bàng quang về phía trước, trực tràng về phía sau và tử cung lên phía trên.

 

Có trường hợp dị tật bịt kín lại ở vị trí cổ tử cung khiến tử cung không thông với âm đạo phía dưới. Máu kinh tụ lại trong tử cung gây nên chứng tích máu trong tử cung, thường kèm với tụ máu trong vòi trứng.

 

Nhiều trường hợp màng trinh bịt kín khiến máu tích lại trong âm đạo hoặc tử cung - âm đạo; thường kèm theo hiện tượng đau bụng dưới, thoạt tiên chỉ giới hạn trong thời kỳ hành kinh, về sau đau thường xuyên, đau tức bụng dưới từng cơn với cảm giác như có vật gì muốn đẩy ra ngoài.

 

Ở phía bụng dưới, dọc đường giữa thấy một khối u phát triển, khối lượng tăng dần, có thể tới rốn. Khám âm hộ thấy màng trinh phồng lên do có khối máu tích. Nếu chỉ có cổ tử cung bị bịt, bác sĩ khám âm đạo hoặc trực tràng phối hợp với thăm khám qua thành bụng sẽ thấy thân tử cung căng phình.

 

Cách điều trị là cắt chỗ bịt bẩm sinh. Thầy thuốc phụ khoa chỉ cần dùng dao mổ rạch mở rộng màng trinh, tháo ra chỗ máu tụ. Thủ thuật can thiệp sẽ khó hơn nếu chỗ bịt ở cao trong âm đạo hoặc ở cổ tử cung.

 

Theo Người lao động