Mai vàng năm ấy

(Dân trí) - Mỗi lần Tết đến, đúng trưa ngày hai tám bác Hòa lại cưa cành mai vào trưng, lần nào bác cũng í ới gọi tôi sang chơi cho vui, giúp bác gắn mấy bóng đèn nhấp nháy, vài cái thiệp chúc mừng.

 
Mai vàng năm ấy - 1


Hồi tôi còn bé tí đã chơi thân với bác rồi. Vừa làm bác vừa kể chuyện chiến đấu, lúc nào mở đầu câu chuyện cũng là: “Ngày xưa tao ở bộ đội...”. Thật lạ, bác không như người khác xem thường con nít, bác trò chuyện với tôi như người bạn tâm tình.

 

Xong việc bác pha ấm trà Hồng Đào, đốt điếu thuốc Sa Pa rít một hơi dài. Tôi biết uống trà từ đó, cũng bày đặt rút điếu thuốc nhả khói phì phèo. Bác không mắng lại còn cười khì khì... Ngồi uống rượu với ba tôi, bác đem chuyện trà thuốc như cụ non của tôi ra kể, ba quắc mắt còn mặt tôi xám ngoét. Tết nhất nên ông tha cho không thì ốm đòn...

 

Bác lại rít thuốc nhìn ra xa và rỉ rả kể vì sao thích hoa mai: Đó là những ngày giáp Tết trước khi ký Hiệp định Pa- ri, khi đó bác còn là anh binh nhất chưa biết yêu là gì. Đơn vị của bác từ chiến khu Ba Lòng về bám địch vùng đồng bằng. Cả vùng phì nhiêu trù phú giờ tiêu điều sau ngày địch tái chiếm Thành cổ, đồng bào tản cư hết chỉ trơ những mái nhà xiêu vẹo cỏ dại mọc um tùm.

 

Dù không còn ác liệt như trước nhưng thế trận dai dẳng, dằng co, bọn địch liên tục đánh nống ra nhằm giành đất trước khi Hiệp định có hiệu lực. Trong khung cảnh hoang tàn ủ dột của chiều cuối năm, bỗng cánh lính trẻ reo lên: “Mai nở chúng mày ơi! Đẹp quá”. Một cây mai tứ quý nở vàng rực khiến nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương trong họ dâng lên khôn tả.

 

“Lâu lắm rồi em không được ăn Tết mấy anh ạ” - cô Xuân giao liên cất tiếng thỏ thẻ. Giữa chiến trường ác liệt, câu nói trong trẻo vô tư của cô gái vùng giáp ranh khiến mọi người quặn thắt. Anh quyết định dừng lại tìm cái hầm nào rộng rãi tổ chức ăn Tết, một cành mai đẹp nhất được cắt cẩn thận, lọ hoa là vỏ đạn pháo, lương khô thay bánh chưng, mấy lon thịt hộp, một ít kẹo gừng kiếm được trên đường hành quân thay cho mứt. Mấy anh lính còn nhanh chân lội xuống mấy hố pháo bắt được vô số cá lóc, nướng lên thơm phưng phức.

 

Ai cũng cười nói rôm rả chờ phá cỗ thì cậu Thắng liên lạc hộc tốc chạy đến: “Có lệnh triển khai đội hình chuẩn bị chiến đấu”.

 

Khốn nạn! Trời đánh còn tránh miếng ăn.

 

Anh trèo lên gốc cây gần đó phóng tầm mắt ra xa, gần mười chiếc xe tăng đi hình cánh cung cất tiếng gầm gừ như bầy ác thú. Đơn vị triển khai xong pháo binh cũng vừa khai hỏa, giành giật với bọn thủy quân lục chiến từng bờ kênh, khu vườn. Đến gần tối chúng phải rút,  căn hầm lúc trưa dính một quả đạn pháo, cành mai tan nát những cánh hoa lã tã, đồ ăn thức uống bị giập sâu xuống đất...

 

Đơn vị được lệnh hành quân ngay hôm đó. Cô Xuân lại thoăn thoắt đưa các anh qua sông. Anh ôm chặt lấy cô, bờ vai rung lên từng chập. Cặp mắt anh đỏ hoe, khóc không thành tiếng.

 

Lăn lộn trên khắp chiến trường đến ngày giải phóng Miền Nam, dù ở đâu hình ảnh bữa cơm tất niên không thành, những cánh mai vàng nát bét và cô giao liên nhỏ nhắn vùng giáp ranh run run vì giá rét, nức nở nhìn đoàn quân đi vẫn ám ảnh tâm trí anh. Mãi đến năm bảy sáu mới có dịp quay trở lại, dò hỏi khắp nơi mong có tin tức gì về cô nhưng không ai biết, có người bảo cô vào Nam đoàn tụ với gia đình tản cư trong ấy, người lại bảo cô lấy chồng rồi đi đâu không rõ. Những cánh mai với anh không chỉ là loài hoa ngày Tết trưng cho đẹp, mà còn là kỷ niệm thiêng liêng của một thời trận mạc.

 

Bác ngừng kể, hớp một ngụm trà, đôi mắt nhìn ra một cõi xa xăm nào đó. Tôi biết bác xúc động. Một làn gió nhẹ hây hẩy đưa mùi hương trầm ngào ngạt của nhà hàng xóm trong bữa cơm tất niên. Mùa Xuân lúc nào cũng vậy, rạo rực, xao xuyến, chỉ có mỗi con người mới có những cảm nhận riêng về nó mà thôi.

 

Đình Dũng