Mách mẹ cách đối mặt với những lo lắng phổ biến sau sinh

(Dân trí) - "Tôi có thể làm một bà mẹ tốt không", "tôi thấy ghét em bé của mình sau một đêm bị tước đoạt giấc ngủ", "tôi không còn muốn gần gũi với chồng"... là những lo lắng phổ biến của các bà mẹ trẻ mới sinh. Hãy để chuyên gia giúp bạn gọi tên nỗi lo và đưa ra cách giải quyết nhé!

Bài viết của TS. Pam Purr xuất bản trong tuần lễ Nhận thức về Sức khoẻ Tâm thần tại Anh được cho là hữu ích đối với các bà mẹ mới sinh trong việc vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu khi có bé.

Mách mẹ cách đối mặt với những lo lắng phổ biến sau sinh - 1

“Tôi có trở thành một bà mẹ tốt không?”

 Các mẹ thường sẽ nghi ngờ bản thân nếu tự thấy mình đang làm sai hoặc “làm đảo lộn” mọi thứ lên trong việc chăm em bé.

Thiếu ngủ, không có thời gian cho bản thân và cảm thấy mình không thể hiểu vì sao em bé khóc có thể khiến bạn quăng luôn cả lòng tự trọng xuống sàn nhà cùng mớ tã lót bẩn.

Lời khuyên cho bạn:

Hãy khẳng định hàng ngày và tuyên chiến với sự nghi ngờ bản thân kia, nói với chính mình rằng mình đang làm tốt nhất.

Chồng của bạn cũng sẽ mệt mỏi đấy và có thể không nghĩ đến việc bạn đang cần được động viên. Hãy nhắc anh ấy động viên thêm rằng bạn đang làm tốt nhé.

“Tôi không muốn làm chuyện ấy”

Không chỉ có mình bạn như vậy, quan hệ tình dục là điều cuối cùng phụ nữ có thể nghĩ đến trong giai đoạn vài tháng sau sinh. Bạn có thể không còn thấy mình sexy và lo rằng ông xã sẽ cảm thấy bị sao lãng.

Lời khuyên cho bạn:

Hãy nói với anh ấy về lo lắng của bạn trong việc quan hệ tình dục đang tạm thời biến mất. Nói với anh ấy là bạn vẫn thích vợ chồng gần gũi, vuốt ve nhưng bạn muốn chủ động trong việc hai người “sẽ đi bao xa” mà không có áp lực từ anh ấy là phải “đi đến tận cùng”.

Giai đoạn này, bạn không hứng thú là chuyện rất bình thường. Nhưng nếu năng lượng của bạn vẫn không quay lại sau 6 -9 tháng kể từ lúc sinh con thì đã đến lúc cần đến gặp bác sĩ.

“Các em bé khác đạt chuẩn theo giai đoạn tốt hơn con mình”

So sánh con mình với con nhà khác là trò chơi hại não mà rất nhiều mẹ muốn chơi. Con bạn có thể biết bò từ rất sớm nhưng mãi chẳng chịu nói hoặc ngược lại. Vậy tại sao bạn lại phải nghĩ nhiều về việc bé có thể chậm hơn trẻ khác ở một số kỹ năng?

Lời khuyên:

Hãy chấp nhận, yêu thương con bạn vì chính con người của bé. Đừng đưa bé lên mạng xã hội, nơi lúc nào bạn cũng sẽ thấy áp lực về việc phải chứng minh bé đáng yêu đến mức nào.

Nên đồng nhất quan điểm với những người bạn cũng đang làm mẹ rằng các bạn sẽ không nói về các mốc phát triển của con, như khoe bé biết bò rồi, mọc răng rồi, hay đã biết gọi mẹ.

Nếu bạn thực sự lo lắng về sự phát triển của con, thì nên đưa con đến gặp bác sĩ tư vấn.

"Tôi có cảm giác mình đang lạc ra khỏi cuộc sống"

Bạn nhận thấy rằng cố tìm thời gian để lên mạng xã hội xem mọi người đang làm gì khiến mình cảm thấy tệ hơn, mọi người dường như đều đang sống rất vui vẻ và hào hứng.

Mách mẹ cách đối mặt với những lo lắng phổ biến sau sinh - 2

Lời khuyên:

Giới hạn việc sử dụng mạng xã hội của bạn lại và nên chọn lọc những gì bạn xem. Nhắc bản thân trân trọng cuộc sống tập trung hoàn toàn vào em bé mới sinh bạn đang có bây giờ, vì nó sẽ trôi qua rất nhanh đấy. Khi con lớn hơn, bạn sẽ quay lại với bên ngoài và làm những gì bạn thích.

"Sau một đêm mất ngủ, tôi rất giận dữ với em bé của mình"

Bạn ghét bản thân mình vì điều đó, nhưng sau cả đêm không được ngủ, bạn vẫn khó chịu với em bé của mình vô cùng. Bạn thấy ghét, rồi lại thấy mình thật tội lỗi.

Lời khuyên:

Những suy nghĩ này rất bình thường thôi, bạn không có gì phải lo lắng. Hãy tìm một người bạn thân hoặc một thành viên trong gia đình, nhờ họ tới giúp bạn trông bé trong ngày để bạn có thời gian chợp mắt.

Hoặc có thể, người trợ giúp đó chỉ cần pha giúp bạn một tách trà hay thay tã cho em bé giúp bạn, lắng nghe bạn chia sẻ những ý nghĩ tiêu cực, mọi việc sẽ lại ổn thôi.

Nếu bạn vẫn chưa ổn, hãy tới gặp và nói chuyện với bác sĩ nhé.

Huyền Anh
Theo TS