Mách bạn dạy bé biết nghe lời

(Dân trí) - 1. Bố mẹ cúi xuống ngang mức với bé: Điều đầu tiên bố mẹ cần nhớ khi mong muốn dạy con biết nghe lời người lớn chính là hãy ngồi xuống hoặc quỳ gối, để bạn cao ở mức ngang bằng với bé.

Với các bé còn nhỏ, đây sẽ là dấu hiệu cho bé nhận biết “bố mẹ sắp có chuyện cần nói đây, mình cần lắng nghe”. Khi mắt bạn đã ngang bằng mắt bé, hãy nhẹ nhàng áp tay bạn vào má con trong lúc nói điều mà bạn muốn con nghe.
 
2. Loại bỏ các yếu tố gây sao nhãng


 

2. Loại bỏ các yếu tố gây sao nhãng

 

Khi bạn đang cố gắng giao tiếp với con, tốt nhất là không nên xuất hiện một yếu tố gây mất tập trung nào. Trẻ tuổi teen sẽ cảm thấy căng thẳng khi vừa phải nghe bố mẹ “có chuyện cần nói” vừa bị mất tập trung, trong khi trẻ nhỏ sẽ hoàn toàn không để ý lời cha mẹ nữa khi đã bị một yếu tố khác thu hút sự chú ý.

 

3. Đừng hỏi

 

Hãy cố gắng tránh hết mức việc đưa ra cho con các câu hỏi, trừ phi bạn thực sự muốn từ con một câu trả lời. Cách tốt nhất vẫn là bạn đưa ra một yêu cầu trực tiếp. Ví dụ, thay vì hỏi: “Con có thể tự mặc áo khoác để chúng ta còn đi bây giờ được không? Con không muốn đến siêu thị à? ”, hãy nói: “Con mặc áo khoác vào thì chúng mình mới đi được chứ. Hôm nay mình đi siêu thị”.

 

4. Diễn đạt rõ ràng

 

Hãy nhớ, đặc biệt với trẻ nhỏ, hệ thống từ vựng của trẻ chắc chắn không bằng của bạn. Cho nên hãy nói thật rõ ràng và sử dụng những từ đơn giản để truyền tải ý mình. Ngay cả trẻ lớn hơn cũng có thể hiểu sai ý cha mẹ nếu bản thân trẻ chưa được rõ ràng, không ít trường hợp người lớn cho rằng trẻ “không biết vâng lời” thực chất chỉ là trẻ “hiểu lầm” ý cha mẹ.

 

5. Yêu cầu bé nhắc lại lời mẹ vừa nói

 

Trong trường hợp bạn muốn chắc chắn hoàn toàn rằng bé đã nghe hết lời mẹ, hãy yêu cầu bé nhắc lại điều mẹ vừa nói. Cách này bạn có thể kiểm tra xem bé đã biết chính xác mẹ muốn bé làm gì hay chưa.

 

6. Hãy kiên định

 

Một phần của việc dạy cho con biết nghe lời chính là cho bé thấy thói quen hàng ngày của bạn, giờ nào làm việc nào, như thế bé sẽ hiểu rõ hơn bố mẹ trông chờ bé cư xử ra sao. Hãy chắc chắc rằng nếp nhà không thay đổi bất kể hoàn cảnh hay tâm trạng. Ví dụ, nếu bạn muốn con nghe lời khi bạn nói: “Không được nhảy trên ghế”, thì hãy chắc chắn rằng bạn không bao giờ cho phép con nhảy trên ghế ngay cả khi bạn đang bận nói chuyện điện thoại.

 

7. Giữ bình tĩnh

 

Càng nổi nóng bạn càng chẳng làm cho con biết nghe lời được đâu. Khi có cảm giác bắt đầu nổi cơn giận, hãy đi sang một phòng khác, hít thở thật sâu, đếm từ 1 đến 100, sau đó mới quay lại giải quyết vấn đề. Bạn có thể sẽ cần 1-2 ngày mới mang vấn đề đó trở lại nếu đó không phải việc cấp thiết. Hãy giữ bình tĩnh, và xử lý tập trung!

 

8. Chọn hậu quả hay phần thưởng

 

Hãy xây dựng một hệ thống thưởng phạt khi uốn cho con biết nghe lời. Con của bạn cần biết rằng, khi bé không vâng lời, thế nào cũng có “hậu quả” theo sau. Còn nếu biết vâng lời, có khi còn được thưởng! Bạn không cần thưởng con mọi lúc, nhưng thi thoảng hãy động viên bằng phần thưởng để nhắc con nhớ rằng: “Này, con đang làm đúng đấy”.

 

Huyền Anh

Theo AWT