Ly hôn vì vợ sính hàng hiệu... dỏm

Nhiều chị em thích xài hàng hiệu, kể cả hàng nhái. Người ngoài nhìn vào có thể biết là thật hoặc giả tùy vào sự sành điệu, nhưng nhiều ông chồng lại bỏ vợ chỉ vì sở thích này.

Những anh chồng khó tính cũng kết luận rằng người thích khoe mẽ bằng đồ dỏm thì ắt cũng có vài phần dỏm trong tính cách.
 
Ly hôn vì vợ sính hàng hiệu... dỏm - 1


 

Quy thành tính cách

 

Anh Phan Cao Cường (quận 6, TPHCM) tâm sự: “Chẳng biết tự bao giờ, vợ tôi cứ đi mua đồ là phải chọn hàng có nhãn hiệu nổi tiếng. Nhưng khốn nỗi, vợ chồng tôi cũng chỉ là công chức, tiền đâu mà mua áo CK xịn. Áo người ta hàng mấy triệu đồng, lương của chồng chắc đủ mua một chiếc. Thế là khốn khổ cho thân tôi, ngày cuối tuần bị vợ kéo đi hết CK Lê Thị Riêng để lùng đồ xịn khuyến mãi đến CK dỏm... ở Sài Gòn Square. Nhưng vì chẳng bao giờ đủ tiền mua áo xịn, nên cuối cùng điểm đến vẫn là đồ dỏm.

 

Áo dỏm mua về, lần nào cũng chỉ sau một lần giặt là biết tay nhau. Vấn đề ở chỗ, hễ bạn bè đến hoặc đi đâu đó gặp ai, vợ tôi đều khoe loạn cả lên là “CK xịn đấy”.

 

Người không biết thì không sao, có người biết và chỉ ra cho thấy là đồ dỏm thì khỏi nói, tôi ngượng chín người. Ban đầu tôi còn chịu đựng, sau thì chịu không thấu, từ cái cách suy nghĩ đến cách hành xử của vợ tôi. Tôi đã nhiều lần nói với cô ấy về việc không cần phải sính đồ hiệu như thế, nhưng cô ấy không nghe, còn nói tôi là “nhà quê”.

 

Một mặt chồng không thấy những điều suy nghĩ của vợ là chính đáng, mặt khác thì vợ coi thường chồng. Thế là chúng tôi thường xuyên cãi vã vì những chuyện không đâu. Đến nay thì ra tòa ly hôn”.

 

Anh Hoàng Khắc Thành cũng quyết định không lấy cô người yêu chỉ vì phát hiện người yêu thích đồ hiệu... dỏm. “Thích dùng đồ hiệu không phải là thói xấu, nhưng cái cách nghĩ về việc dùng đồ hiệu dỏm mới đáng quan tâm. Cô ấy cho rằng thà mua 8 cái túi hàng hiệu dỏm còn hơn mua một cái xịn. Tôi thì không nghĩ như vậy, cái gì cần chất lượng thì nên mua hàng xịn, hàng tốt. Không thể chỉ vì lòe bịp mấy người không hiểu biết mà cố dùng hàng dỏm.

 

Tôi nhận thấy, nếu có tiền thì mua hẳn hàng hiệu mà dùng, còn nếu chưa đủ tiền thì cứ dùng hàng bình thường, miễn là phù hợp với công việc và ngoại hình.

 

Có khi, cô ấy mua những thứ đồ dỏm nhìn qua là biết ngay nhưng cô ấy vẫn cứ ung dung cho rằng đó chẳng khác gì hàng thật. Mặc dù chúng tôi đã làm đám hỏi, nhưng tôi vẫn quyết định lại khi chứng kiến quá nhiều vụ xài đồ dỏm rất phi lý của người yêu tôi. Tình cảm là một chuyện nhưng tính cách và nhận thức về cuộc sống sau này cũng rất quan trọng. Không phù hợp thì khó có thể hạnh phúc” - anh Thành chia sẻ.

 

Đua đòi hay thích khoe?

 

Để giải thích cho hành vi tiếp tay cho hàng giả của mình, nhiều chị em cho rằng chỉ vì họ thích nhãn hiệu nào đó, nhưng do không đủ tiền nên đành phải mua hàng dỏm. Chị Vũ Thanh Hà (nhân viên một văn phòng tại quận 1, TPHCM), phân trần: “Bạn bè đa phần đều có chồng giàu có, ít nhiều đều có vài món đồ xịn. Mình không thể cứ như nhà quê giữa đám thành thị.

 

Thôi, họ có tiền dùng hàng chính hãng, mình không có tiền thì dùng hàng “ngoài” cho nó hợp giá cả. Tất nhiên, bạn bè luôn biết mình đang khó khăn, nên chẳng cần xem xét nhiều cũng biết mình xài hàng dỏm rồi. Tuy vậy, nếu ai đó bên ngoài nhìn vào thì mình cũng không đến nỗi bị coi là khác đẳng cấp”.

 

Không giải thích như chị Hà, nhưng chị Nguyễn Lan Phương (quận Gò Vấp, TPHCM) cũng không ngần ngại tuyên bố: “Chồng mà không đủ tiền cho vợ mua được đồ xịn thì phải chấp nhận mất vợ là phải thôi. Người ta biết điều mua đồ dỏm cho rẻ tiền mà còn bày đặt đánh giá nọ kia. Như vậy là không công bằng. Nếu xem việc dùng hàng dỏm là một thú vui độc hại như hút thuốc lá thì tại sao phụ nữ chúng tôi phải chấp nhận đàn ông, còn các anh thì cho rằng chúng tôi là giả dối?”.

 

Tất nhiên chồng chị Phương, anh Trần Khánh Nam, ngay lập tức phản đối: “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, đúng là không tốt đẹp gì, nhưng cũng không thể đi so sánh với thói ưa sự giả dối. Mà hơn nữa, nếu thấy chúng tôi không có tiền sao còn lấy chúng tôi làm chi. Xét cho cùng, tình yêu hay những quan niệm sống phải thật sự đồng nhất.

 

Tôi không nghĩ mình hèn kém đến mức không nuôi đủ vợ để có thể mua một, hai món đồ xịn một tháng. Nhưng khốn nỗi, vợ tôi muốn có hàng chục cái một lúc nên tôi mới không nhất trí. Không phải tôi keo kiệt, mà là do tôi không thấy hạnh phúc với một người xem hàng dỏm là thứ hạnh phúc của riêng mình”.

 

Theo NLĐ