Ly hôn giả, nỗi đau thật

Có những cặp vợ chồng đã làm ly hôn giả phục vụ cho những mục đích xuất ngoại, phân chia tài sản nhằm trục lợi. Nhưng kết quả có được đúng như mong đợi?

 
Ly hôn giả, nỗi đau thật - 1


Toan tính

 

Năm 2006, tòa án quận Đống Đa (Hà Nội) xử vụ việc anh Thành và chị Bình thuận tình ly hôn. Vì “thuận tình” nên họ khá thuận lợi trong quá trình tòa giải quyết ly hôn, từ việc hòa giải, đối chứng trước tòa và phân chia tài sản. Tuy nhiên, sau khi rời tòa, hai người lại đèo nhau trên một chiếc xe, trở về nhà mình và sống đời sống vợ chồng bình thường như chưa từng có việc gì xảy ra.

 

Hơn một tháng sau ngày ly hôn, anh Thành bỏ việc ở công ty. Theo yêu cầu phải trả chi phí cho người môi giới cũng như tạo dựng cơ sở vật chất làm ăn ban đầu, anh Thành gom tất cả số tiền vốn vợ chồng tích lũy bao năm, vay cả tiền của bố mẹ, họ hàng bên nội, thậm chí cả vay ngân hàng. Anh lên đường sang Mỹ làm thủ tục kết hôn với một người phụ nữ khác ở bên đó. Anh dặn vợ ở nhà sẵn sàng tâm thế để xuất ngoại và cấp tốc cho con đi học tiếng Anh để khi cả nhà sang được bên kia, sẽ xin cho con đi học được ngay…

 

Năm 2009, tại Tòa án Nhân dân quận Tây Hồ (Hà Nội), có vợ chồng ông Nam, bà Thủy cũng đưa nhau ra tòa vì “thuận tình ly hôn”. Khi này, họ đã bước vào độ tuổi 45 và không có con cái. Lý do chính để cuộc chia tay diễn ra không phải vì họ gặp bất hạnh trong hôn nhân…

 

Trước kia, em trai ông Nam đi Đức, gửi tiền về nhờ anh trai mua nhà giúp. Ở thời điểm mua, căn nhà này có trị giá hơn 600 triệu đồng. Sau này, do tác động của việc mở đường và giá nhà đất tăng đột biến, căn nhà trở thành tài sản hơn chục tỷ đồng. Đầu năm 2009, em trai ông Nam về nước, có ý định ở lại Việt Nam sinh sống. Vấn đề tiền bạc, nhà cửa được đưa ra. Vì sợ thiệt, ông Nam bàn với vợ ra tòa ly hôn.

 

Trước mặt em trai, ông đổ hết “tội lỗi” lên đầu vợ là “người lật lọng”, “người hám tiền”, “tiền mua nhà là của em, nhưng giờ coi như không biết, chỉ biết là phải chia đôi tiền nhà vì giấy nhà đất đứng tên cả hai vợ chồng”, “bà ấy kiên quyết đòi theo kiện đến cùng”…

 

Người em quá thương anh, đành ngậm đắng nuốt cay, đồng ý chia một nửa tài sản là căn nhà cho “nguyên là chị dâu ghê gớm” để được yên chuyện. Một nửa số tiền còn lại, ông Nam lại tiếp tục chia đôi. Người em nhận một nửa, còn một nửa đưa anh để anh lo chỗ ở. Nhưng, ông Nam lại tiếp tục đưa số tiền này cho bà Thủy để bà mua một căn nhà khác, to, đẹp, rộng rãi, mang tên bà. Sau đó, hai ông bà lén lút chuyển đến sống cùng nhau như chưa từng có việc ly hôn…

 

Ân hận khi đã quá muộn

 

Mọi việc diễn ra trong thực tế không phải lúc nào cũng đúng như người ta mong đợi. Nửa năm sau ngày sang Mỹ, anh Thành đã phải lếch thếch, tay trắng trở về nước với lý do gặp trục trặc trong thủ tục, chưa thể ly hôn được với người ta và cũng không có cơ hội ở lại. Trong hoàn cảnh ấy, chị Bình bảo mình sẽ ra ngoài làm ăn để kiếm tiền trang trải cho cả gia đình… Thời gian trôi, chị Bình ngày một thành công hơn trong công việc.

 

Tháng 4/2010, chị đột ngột tuyên bố với chồng là đã chán ngấy cái “giấc mộng Mỹ” mà anh dày công tính toán và thực hiện thất bại một cách thảm hại. Chị nói đã tìm được một người đàn ông khác biết sống chân thành, ít ham hố hơn. Và chị mang hai con ra khỏi nhà. Khi anh Thành không chấp nhận, cấm đoán, chị Bình đã nói rành rẽ: “Chúng ta không còn là vợ chồng nữa và tôi có toàn quyền nuôi con theo đúng lời Tuyên của tòa”… Bây giờ thì một mình anh Thành ở lại, không biết xoay xở thế nào với bố mẹ già, với món nợ khổng lồ, với cảnh bơ vơ không thể xin được việc làm. Anh chỉ biết “chờ đợi” vô vọng và ân hận với những toan tính của chính mình…

 

Cuộc sống của ông Nam sau một thời gian sống trong căn nhà mới đã không hạnh phúc như ông từng mong đợi. Hai ông bà thường xuyên bất hòa, mâu thuẫn. Đỉnh điểm là tháng 7 vừa rồi, bà Thủy đã tuyên bố đuổi ông ra khỏi nhà vì không thể chịu đựng nổi người “cạn tàu ráo máng”, “đối xử tệ bạc với ngay chính em trai của mình”. Khi quá uất ức và cố gắng chứng minh nhà này có được cũng là công sức, tiền bạc của ông thì bà Thủy đã trả lời thẳng thừng: “Ông chẳng còn là gì của tôi cả. Nhà này là của riêng tôi, mang tên tôi”. Đó mới là sự thật, tựa như cú đánh mạnh khiến ông hoàn toàn gục ngã…

 

Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi ly hôn giả và những người trong cuộc biết rõ là giả nhưng chỉ vì mục đích nào đó, những cặp vợ chồng đã đồng tình “diễn” với nhau để rồi những văn bản chia ly trên giấy trắng, mực đen là rất thật và đằng sau nó có cả những mất mát, thất bại cũng rất thật.

 

Theo Phụ nữ Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm