Ly hôn: Ảnh hưởng tới con và biện pháp xử lý

(Dân trí) - Mỗi cuộc ly hôn của người lớn đều gây ra cho trẻ những tổn thương nhất định về tinh thần, xáo trộn trong cách sống và tình cảm. Dưới đây là một số bài học được trải nghiệm qua thực tế về vấn đề gia đình này.

Ảnh hưởng

 

Một số ông bố bà mẹ chỉ nhìn nhận vấn đề hôn nhân là chuyện riêng của hai người. Ví dụ “Cô ấy không còn chung thuỷ nữa” hay “Chúng ta không thể chịu đựng nhau thêm một phút nào”.

 

Thực tế cho thấy sự rạn nứt đó đã đánh mất quyền được sống cùng bố mẹ của con trẻ. Bố mẹ chia tay kéo theo hàng loạt những thay đổi, xáo động tâm sinh lý cũng như trong nếp sống sinh hoạt của con.

 

Dưới đây là một số ảnh hưởng đến những suy nghĩ của đứa trẻ sống trong gia đình có bố mẹ ly dị nhau:

 

Sợ thay đổi

 

Những đứa trẻ tội nghiệp biết rằng mọi thứ sẽ không còn như trước nữa và cái thế giới yên bình đã thay đổi hoàn toàn. Thay đổi đầu tiên có thể là đứa trẻ không được sống cùng thậm chí hoàn toàn mất liên lạc với hoặc bố hoặc mẹ.

 

Mọi thói quen, học tập, ăn uống, nghỉ ngơi có thế cũng sẽ khác khi mất đi một bàn tay chăm sóc. Đây thực sự mới là thay đổi đột ngột và sâu sắc nhất.

 

Lo bị bỏ rơi

 

Khi bố mẹ cãi nhau, sống ly thân hay có ý định ly dị, nỗi ám ảnh bị bỏ rơi và mất đi một trong hai người mình yêu thương sẽ khiến trẻ đau đớn, tổn thương vô cùng. Trong thế giới trẻ thơ, cô đơn là một điều gì đó rất khủng khiếp.

 

Mất đi các quan hệ gắn bó

 

Trẻ không chỉ phải xa bố/mẹ mà còn phải xa cả những người thân thiết khác như bạn bè, hàng xóm, họ hàng, thậm chí vật nuôi cưng.

 

Các quan hệ gắn bó đó khi bình thường tưởng như đơn giản, nhưng nếu bị tước mất có thể trở thành nguyên nhân những phản ứng tiêu cực, thái độ bất mãn của trẻ.

 

Đối mặt với những căng thẳng của bố mẹ

 

Rất nhiều cuộc ly dị dù đã qua nhiều năm song trẻ vẫn phải chịu sức ép từ bố mẹ, sức ép ngày một nặng nề chỉ sau một thời gian ngắn của cuộc ly hôn. Nguyên nhân là người lớn không ngừng “lôi kéo” con về phía mình và tạo ra sự đối đầu, căm ghét với người kia.

 

Những dấu hiện đáng lo

 

Cố hàn gắn bố mẹ

 

Một số trẻ nhầm lẫn rằng bố mẹ chia tay là do lỗi của chúng. Vì thế mà chúng hành động theo suy nghĩ bột phát, cố gắng hết sức mong hàn gắn mối quan hệ của người lớn trong khi điều đó không còn ý nghĩa gì hay hoàn toàn không phải là mong muốn của cả hai bố mẹ.

 

Hiếu chiến và hiếu thắng

 

Trên thực tế có một số gia đình nghĩ rằng đây chỉ là biểu hiện thông thường có thể xuất hiện ngay cả khi không xảy ra những thay đổi trong hôn nhân.

 

Thực tế nên nhận thức những phản ứng khác thường của con bạn. Liệu chúng có những biểu hiện tức giận hơn hay ức chế hơn bình thường hay không?

 

Suy sụp tinh thần

 

Rất nhiều trẻ do không chịu được áp lực hoàn cảnh gia đình đã bỏ đi hay có những dấu hiệu suy sụp tinh thần nghiêm trọng. 

 

Biện pháp xử lý

 

Trước hết để giúp con tổn thương ít nhất, cả bố và mẹ đều phải bắt tay cộng tác trong vấn đề này. Nếu chỉ một người cố gắng giúp con an tâm thì tỉ lệ thành công rất nhỏ.

 

Cả hai bố mẹ cần đảm bảo chắc chắn rằng cả hai:

 

- Vẫn là bố mẹ của con

 

- Vẫn chăm sóc các con

 

- Vẫn đề ra quy tắc cho con nếu bố mẹ thấy cần thiết

 

- Vẫn bảo vệ con khỏi những tác nhân xấu của xã hội và cuộc sống

 

- Vẫn phải làm theo một số quy tắc sống của gia đình

 

Không những là chỗ dựa vững chắc, bố mẹ còn cần duy trì tình yêu thương, sự hỗ trợ con cái, ở bên con suốt cuộc đời.

 

Ly dị phải dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Nghiên cứu cho thấy con trẻ có thể sống vui hơn nếu chúng biết rằng, mặc dù bố mẹ không còn chung sống nhưng vẫn đối xử với nhau trên tinh thần tôn trọng và lịch sự.

 

Cuối cùng dù bạn và con chuyển đến sống ở bất cứ đâu cũng không được thay đổi vấn đề ăn ngủ của con. Nên có những “cam kết” trong cách đối xử với con sao cho chúng cảm thấy đỡ mất mát về tinh thần nhất.

 

Đỗ Hằng

Theo About